Câu chuyện "ngôi nhà Việt Nam" tại Expo 2015 bị chê bai thậm tệ trong tình cảnh khách du lịch quốc tế vào Việt Nam tụt giảm đã cho thấy ngành du lịch đang "có vấn đề", nhất là ở khâu cực kỳ quan trọng: quảng bá du lịch ra nước ngoài.
Lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam có dấu hiệu sụt giảm là vấn đề đáng lo ngại hiện nay. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2015, lượng khách du lịch quốc tế ước đạt gần 4,4 triệu lượt khách, đã giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2014. Còn theo số liệu vào tháng 6/2015 thì lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm đến 13 tháng liên tiếp, 6 tháng đầu năm nay, đã giảm mạnh 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phẫn nộ là phải!
Trên tờ The Guardian của Anh mới đây đưa ra nhận xét không mấy tốt lành về ngành du lịch Việt Nam: Ở một đất nước mà tỷ lệ du khách quốc tế quay lại chỉ chiếm khoảng 33%. Sự phát triển ồ ạt đang khiến ngành du lịch Việt Nam phải trả một cái giá "khá đắt".
Báo này còn dẫn lời ông Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng Việt Nam không thể thúc đẩy việc quảng bá du lịch ra nước ngoài do thiếu kinh phí.
Nhắc đến câu chuyện quảng bá du lịch ra nước ngoài, sự kiện "ngôi nhà Việt Nam" với kinh phí 57 tỷ đồng tại triển lãm quốc tế Expo 2015 diễn ra từ ngày 1/5 đến 31/10/2015, tại Milan (Ý) đang được dư luận, cộng đồng du lịch bàn tán xôn xao với những ngôn từ chê bai gay gắt như: phẫn nộ, xấu hổ, nhục nhã, cẩu thả, sơ sài, thiếu chuyên nghiệp…đã cho thấy một lỗ hỗng lớn trong cách thức quảng bá du lịch ra nước ngoài hiện nay mà không thể bao biện đơn giản là do thiếu tiền!
Theo như những gì cộng đồng mạng phản ánh thì triển lãm Việt Nam tại Expo 2015 được tổ chức đơn điệu, nhếch nhác, ẩm thực Việt được giới thiệu trông giống suất ăn công nghiệp; cách trình bày, sắp xếp trang phục dân tộc rất nghiệp dư, giống như quầy hàng xén, thậm chí còn thua xa gian hàng của Lào.
Hơn nữa, nhân viên phục vụ Expo của Việt Nam có thái độ lạnh nhạt, vô duyên. Đó là chưa kể cách bài trí, hiện vật trưng bày trong nhà lại sơ sài, cẩu thả và "làm mất mặt danh dự quốc gia"…
Vụ việc trên gây một áp lực lớn khiến Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phải yêu cầu đơn vị tổ chức là Công ty cổ phần Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam (VEFAC) phải báo cáo toàn bộ sự việc và tình hình hoạt động của đoàn Việt Nam tại Expo 2015.
Vấn đề nghiệt ngã ở chỗ lẽ ra phải thực sự nghiêm túc ghi nhận để khắc phục thì ông Trần Văn Tân, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam (VEFAC), hiện là Tổng đại diện Việt Nam tại Expo 2015 ở Milan, khi trả lời báo chí, lại lấy "căn bệnh thành tích" thâm căn cố đế để che đậy cho những yếu kém, khiếm khuyết của gian hàng Việt Nam tại Expo 2015.
Đại để như lời ông Tân: Đó là cách nhìn chủ quan của độc giả cung cấp cho báo chí và một số khách. Nhiều nước cũng trình bày rất sơ sài trong ngôi nhà triển lãm, mà biểu đạt của họ chính là ngôi nhà. Ngôi nhà là vật trưng bày lớn nhất. Nhiều người chưa hiểu đầy đủ về điều này. Còn như thực tế thì một tạp chí kiến trúc của thế giới bình chọn "Ngôi nhà Việt Nam" là 1 trong 5 kiến trúc được chờ đợi trong năm 2015. Một tạp chí uy tín của Ý đưa ảnh ngôi nhà triển lãm Việt Nam ra trang bìa. Ngay cả Thủ tướng Ý cũng giới thiệu, khen ngợi "Ngôi nhà VN" trên Facebook, là 1 trong 4 ngôi nhà ấn tượng nhất Expo 2015…
Nếu nhiều người không hiểu nhiều về "ngôi nhà Việt Nam" tại Expo sẽ rất dễ ngộ nhận thực hư về những gì ông Tân nói. Thực ra, tòa nhà Expo 2015 của Việt Nam (được thực hiện bởi kiến trúc sư danh tiếng Võ Trọng Nghĩa và nhóm cộng sự) phần lớn chỉ được quốc tế đánh giá cao về mặt thiết kế. Khi nhận được thông tin này, KTS Võ Trọng Nghĩa đã lấy làm tiếc về phần trưng bày bên trong không được can thiệp.
Cũng cần nhắc lại, cách đây 5 năm, tại Expo 2010 ở Thượng Hải (Trung Quốc), một số khách du lịch Việt khi đến tham quan gian hàng của Việt Nam (cũng do ông Trần Văn Tân làm tổng đại diện) đã bày tỏ thái độ bức xúc ngay trên truyền thông quốc tế về những yếu kém, nghèo nàn với phần trưng bày và thái độ phục vụ.
Đơn cử như khi khách đến hỏi chuyện một nhân viên tiếp tân về ý đồ của triển lãm thì anh này nói có một "chú" phụ trách nhưng "chú" đã về mất rồi và anh "không biết gì" để trả lời.
Theo phản ánh của vị khách thì gian hàng Việt Nam còn tranh thủ bán hàng thủ công mỹ nghệ nằm ngay ở cửa ra vào ở Expo 2010 trong khi đi mấy gian triển lãm, kể cả của nước chủ nhà Trung Quốc, chẳng thấy nước nào bán hàng cả. Vị khách kết luận: Đúng là "năng nhặt chặt bị", nhưng bán vài bức tranh, mấy cái lọ để tăm ở triển lãm quốc tế danh tiếng như Expo có vẻ hơi quê!
Quảng bá hời hợt
Lẽ ra, với sự kiện Expo vốn 5 năm mới được tổ chức một lần, quy tụ gần 200 quốc gia và tổ chức quốc tế, tập đoàn tham dự, thu hút hàng chục triệu lượt khách du lịch tham quan, sẽ là cơ hội rất lớn cho Việt Nam quảng bá ẩm thực, du lịch và giới thiệu hình ảnh quốc gia ra thế giới. Nhưng rõ ràng đại diện Việt Nam ở Expo 2015 đã làm không tốt nhiệm vụ của mình.
Phản ứng của dư luận hiện nay về "ngôi nhà Việt Nam" tại Expo 2015 là gì? Nhiều người cho rằng đó là kiểu quảng bá chụp giật, thiếu chăm chút đầu tư và thiếu hẳn một đạo diễn có tầm nên nói trắng là làm cho có thì đúng hơn.
Nếu không có thiết kế "mây tre lá" mộc mạc kiểu nhà nghèo của KTS Võ Trọng Nghĩa thì đúng là không hiểu Việt Nam có gì để coi. Nghèo thì chỉ cần đơn giản và ý tưởng thôi, còn hơn bôi bác ra thế này!
Lầu 1 của "ngôi nhà Việt Nam" tại Expo 2015 chỉ có vài màn hình ti vi nhỏ không thu hút khách xem
Nhìn từ vụ "ngôi nhà VN" ở Expo 2015, nói về những hạn chế trong việc quảng bá du lịch ra nước ngoài, một chuyên gia du lịch cho rằng chiến lược quảng bá hiện nay rất máy móc, chưa đi vào thực tế dẫn đến thực trạng đáng suy ngẫm. Chúng ta phải biết thị trường cần gì để quảng bá, phải có sản phẩm thật để giới thiệu cho khách quốc tế nhưng lâu nay, ngành du lịch vẫn chỉ giới thiệu chung chung, hời hợt.
Liệu kinh phí có phải là nguyên nhân chính khiến công tác quảng bá du lịch ra nước ngoài còn yếu ?. PGs.Ts Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch, nhận định: "Đầu tiên phải nói là ngành du lịch làm không chuyên nghiệp. Đúng là chúng ta ít tiền làm quảng bá, nhưng vấn đề ở chỗ chúng ta sử dụng đồng tiền đó như thế nào, chúng ta đã sử dụng đồng tiền đó hết trách nhiệm chưa, đúng mục đích chưa. Chúng ta có rất nhiều việc phải làm trong số tiền ít ỏi đó. Chúng ta không nên sử dụng đồng tiền đó theo chủ nghĩa quân bình".
Đã đến lúc các quan chức ngành du lịch cần soi lại mình đã làm trách nhiệm quảng bá hay chưa? Một điều chắc chắn rằng chỉ có làm mới lại toàn bộ công tác quảng bá du lịch ra nước ngoài thì ngành du lịch Việt mới có hy vọng đuổi kịp được các nước trong khu vực.
PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch
-------------------------------
Từ bao năm nay, công tác quảng bá xúc tiến của ngành du lịch Việt Nam vẫn "như xưa", không có sự chuyển biến nhiều. Một điều dễ nhận thấy rằng khi thị trường gặp trục trặc từ nguyên nhân khách quan thì lượng khách đến Việt Nam giảm ngay. Điều này chứng minh rằng công tác quảng bá của chúng ta rất yếu nên khi thị trường thế giới sụt giảm thì chúng ta bị ảnh hưởng ngay.
Thế Vinh (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.