Đâu là nước cờ mà bầu Hiển sẽ đi trong thời gian tới liên quan đến 2 công ty chứng khoán SHS và HBBS?

SHS: Con chung

CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) lâu nay vẫn được thị trường ngầm hiểu là công ty con ngân hàng SHB, mặc dù trên sổ sách điều này không hẳn đúng. Trong cơ cấu cổ đông của SHS có Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (khoảng 8%), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (8,22%), Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (khoảng 5%), Công ty cổ phần Đầu tư An Sinh, Tập đoàn T&T (12,33%).

SHS đã chớp được cơ hội thị trường thuận lợi năm 2010 để tăng vốn điều lệ từ 410 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc tiêu dùng và đầu tư quá mức dưới thời Tổng giám đốc Nguyễn Quang Vinh (2010 – 2011) đã khiến công ty lỗ nặng trong năm 2011 tới 381 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tính đến cuối năm ngoái còn 743 tỷ đồng. Sau cú ngã ngựa nặng nề hồi đầu năm 2011, ông Vinh bị miễn nhiệm vào tháng 5/2011 và SHS, theo yêu cầu của các cổ đông lớn, bắt tay vào tái cấu trúc quyết liệt như: xây dựng cơ chế khoán lương mới cho nhân viên một số phòng nghiệp vụ, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ hoạt động giao dịch của khách hàng, tái cơ cấu danh mục đầu tư, trích lập dự phòng các khoản nợ xấu, tái cơ cấu lại bộ máy tổ chức…

Sáu tháng đầu năm nay, SHS đã có lãi, trong đó hoạt động đầu tư đóng góp tỷ trọng đáng kể. Công ty đặt ra mục tiêu lọt vào top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất Việt Nam, kết hợp việc đầu tư ngắn hạn để tìm kiếm lợi nhuận với việc tiếp tục thực hiện tái cơ cấu danh mục đầu tư hiện tại… "Ngã đâu, đứng dậy ở đấy", có thể thấy đích đến lớn nhất của SHS là hoạt động để bù lại được khoản lỗ gần 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, với cục diện TTCK hiện nay, đó là bài toán không hề đơn giản. Cạnh tranh trên thị trường hiện rất khốc liệt, nếu không có đột phá ở nghiệp vụ môi giới để tạo nguồn thu từ phí và các dịch vụ tài chính hỗ trợ nhà đầu tư đi kèm như HSC, SSI, nguồn thu sẽ khiêm tốn. Hoạt động đầu tư đã qua thời bùng nổ với tỷ suất lợi nhuận cao. Theo ước tính của dân trong ngành, tỷ suất sinh lời 20% trên vốn đầu tư cho hoạt động tự doanh hiện là niềm mơ ước. Chỉ cần tính 200 tỷ đồng lãi thu được từ hoạt động đầu tư với suất sinh lời khoảng 20% thì công ty sẽ phải quay vòng vốn lớn cỡ nào. Đó là chưa kể hoạt động của công ty chứng khoán gắn rất nhiều với rủi ro, quản trị tài chính không tốt thì không những không lãi mà có thể lỗ nặng như chuyện đã từng xảy ra với chính công ty.

Bỏ vốn vào SHS với tỷ trọng lớn nhất, lại đang là Chủ tịch HĐQT, bầu Hiển có lý do xác đáng để lo lắng cho công ty. Bởi vậy tiếng là con chung với nhiều cổ đông khác, song muốn hay không, ông cũng phải theo dõi SHS rất sát sao. Và áp lực lên đội ngũ SHS sẽ không nhỏ. Nhất là khi ông bố lại có thêm đứa con riêng, rất đặc biệt khác...

SHBS: Con riêng

Habubank sở hữu tới 98,47% cổ phần tại CTCK Habubank (HBBS), vì thế khi hợp nhất vào SHB, nghiễm nhiên HBBS trở thành công ty con của SHB. Vốn điều lệ của HBBS khiêm tốn, có 150 tỷ đồng, song không vì thế mà SHB bỏ rơi CTCK này. Ngay sau khi Habubank "biến mất", cuối tháng 8 vừa qua, ĐHCĐ HBBS đã được tổ chức và đưa ra con đường mới cho CTCK này: đổi tên thành CTCK SHB (viết tắt là SHBS) nhằm tận dụng được tối đa sự lan tỏa của thương hiệu ngân hàng SHB. Tân Tổng giám đốc SHBS là ông Nguyễn Thế Minh, vốn là người viết đề án thành lập SHS. Sau khi ra đi và dành thời gian xây mới và điều hành khá hiệu quả CTCK MaritimeBank, ông Minh được bầu Hiển mời trở lại và được giao tiếp quản CTCK mới.

Với áp lực lớn và có một đối trọng để nhìn sang, bộ máy điều hành của mỗi CTCK sẽ phải làm việc cật lực để chứng minh năng lực và cống hiến

Nhìn vào nội tại của SHBS, người ta thấy, "con riêng" của bầu Hiển có lợi thế hơn so với con chung. HBBS trong 5 năm qua có lãi, chỉ 6 tháng đầu năm nay do trích lập dự phòng nên lỗ 23 tỷ đồng. Vốn điều lệ của công ty này nhỏ, có 150 tỷ đồng chứ không lớn như SHS, tới 1.000 tỷ đồng. Có thể nói gánh nặng tài chính và các khoản đầu tư của SHBS không có gì quá phải quan ngại. Điểm yếu của HBBS là năng lực quản trị và nguồn lực con người. Cũng như ngân hàng mẹ, nền tảng cơ bản tốt, nhưng sụp đổ do quản trị và năng lực điều hành kém. 2 năm nay, HBBS không có Tổng giám đốc, chủ yếu hoạt động phục vụ ngân hàng mẹ. Công ty có 10.000 tài khoản, trong đó 4.000 tài khoản có số dư và 1.000 tài khoản thường xuyên giao dịch. Bộ máy nhân lực rất yếu, công ty hiện có 50 người, song theo lời ông Nguyễn Thế Minh, Tổng giám đốc HBBS, những khối làm ra tiền như môi giới, đầu tư, tư vấn, phân tích thì hầu như không còn nhân sự.

SHBS sẽ phải làm lại từ đầu, nhưng bắt đầu lại một công ty có thể coi là khá sạch sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với một công ty đang nặng gánh tài chính và có khoản nợ lớn treo lơ lửng trên đầu như SHS.

Phàm đã là ông bố, bà mẹ ai mà không thương con. Bằng chứng là sau khi đổi tên, SHBS sẽ thực hiện các thủ tục tăng vốn điều lệ lên 350 tỷ đồng. Nếu không được ông bố rót tiền, SHBS không thể phát hành được cổ phiếu trong thời điểm này. Môi giới, tư vấn và đầu tư là ba hoạt động được tập trung để mang lại tiền cho công ty. Ông Minh cho biết: "về hoạt động môi giới, chúng tôi sẽ duy trì chất lượng tốt để phục vụ các nhà đầu tư hiện gắn bó với công ty và từng bước mở rộng hơn. Với mảng tư vấn, hiện công việc cho SHBS không thiếu khi SHB đang thực hiện tái cấu trúc toàn diện, trong đó có những phần việc như tham gia tái cấu trúc Bianfishco, dựng sổ, tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư cho các phương án huy động vốn của doanh nghiệp… Còn với hoạt động đầu tư, nếu tăng vốn thành công, chúng tôi sẽ có khoảng 200 tỷ đồng để tham gia thị trường ở vùng giá thấp như hiện nay. Đây sẽ là một lợi thế rất lớn so với những CTCK đã đầu tư trước đây và đang kẹt hàng giá cao".

Chiến thuật song mã

Tại buổi họp báo tuyên bố sáp nhập Habubank vào SHB, khi được hỏi về số phận 2 CTCK, ông Hiển đã trả lời, cơ cấu cổ đông mỗi công ty khác nhau và tạm thời chưa có chuyện sáp nhập 2 công ty làm một.

Như đã phân tích ở trên, 2 công ty đều đang được bầu Hiển đặt lên bàn cân với vị trí không ai kém ai. Cả hai đều có điều kiện trụ lại để vượt qua thời điểm khó khăn nhất của thị trường chứng khoán hiện nay. Kịch bản lý tưởng nhất đã được ông Hiển đưa ra là SHBS đứng vững, có lãi, thương hiệu tốt và sẽ niêm yết trên sàn. Khi ấy SHBS sẽ thoái bớt vốn. Song không phải là không có khả năng SHBS sẽ nhập vào SHS hoặc ngược lại.

Mấu chốt nằm ở chỗ SHBS và SHS ai sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Với áp lực lớn và có một đối trọng để nhìn sang, bộ máy điều hành của mỗi CTCK sẽ phải làm việc cật lực để chứng minh năng lực và cống hiến. Hiệu quả và kết quả kinh doanh sẽ là thước đo tài cầm quân của hai tướng SHS và SHBS cũng như tài khích tướng của bầu Hiển. Thị trường, do vậy, được nhận định sẽ được chứng kiến một cuộc đua về đích rất thú vị của 2 công ty "cùng một bố" này.
Theo Mai Anh (Diễn Đàn Doanh Nghiệp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.