Sáng 7-11 (giờ Việt Nam), kết quả ban đầu của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ghi nhận tại một số bang cho thấy đương kim Tổng thống Barack Obama đã vọt lên dẫn trước ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney.

9g30: Truyền hình NBC đưa tin Tổng thống Obama đã vọt lên đạt 158 phiếu đại cử tri. Ứng viên Mitt Romney vẫn đang có 153 phiếu đại cử tri.

Ứng viên nào thu được 270 phiếu đại cử tri sẽ đắc cử Tổng thống.

Tổng thống Barack Obama (trái) và ứng cử viên Romney - Ảnh: CI

Cử tri xếp hàng dài tại Tòa thị chính thành phố Hartford, bang Connecticut - Ảnh: Reuters

Kết quả ban đầu công bố ở một số bang cho thấy hai ứng viên đang đua nhau từng phiếu đại cử tri, khó có thể xác định ứng viên nào sẽ thắng vào lúc này.

TTO cập nhật một số kết quả vừa được công bố:

9g20: Truyền hình NBC ghi nhận ông Mitt Romney đang dẫn trước với tổng cộng 153 phiếu đại cử tri. Tổng thống Barack Obama đang có 148 phiếu đại cử tri.

8g40: CBS đưa tin ông Romney tiếp tục thắng ở bang Alabama, South Carolina, thu về tổng cộng 88 phiếu đại cử tri.

8g30: Theo CNN, ông Romney được thêm phiếu bầu từ bang Georgia (16 phiếu), bang Tennessee (11 phiếu) và bang Arkansas (6 phiếu), hiện có 73 phiếu đại cử tri.

Điểm bầu cử tại những bang quan trọng như Florida, New Hampshire và Pennsylvania đã đóng cửa. Bang Florida (29 phiếu đại cử tri) được xem là bang mà ứng viên Romney phải chiến thắng.

8g: CNN cho biết Tổng thống Barack Obama bất ngờ bứt phá và đạt được 64 phiếu đại cử tri, với chiến thắng ở các bang Connecticut, Delaware, DC, Illinois, Maine, Maryland, Massachusetts (bang quê nhà của Romney), Rhode Island. Ông Romney giành thêm chiến thắng tại bang Oklahoma, được 40 phiếu đại cử tri.

7g30: CNN cho biết ông Romney thắng ở bang Indiana (11 phiếu đại cử tri). Như vậy số phiếu đại cử tri của ông là 19 phiếu. Bang Virginia đang kiểm phiếu, kết quả đến hiện tại cho thấy ông Romney đang dẫn điểm.

7g35: Ông Romney tiếp tục thắng ở Tây Virginia (5 phiếu đại cử tri).

7g45: Ông Romney tiếp tục thắng tại bang Nam Carolina (9 phiếu đại cử tri), được 33 phiếu đại cử tri.

Trong ngày bầu cử, Phó Tổng thống Joe Biden đã bỏ phiếu ở bang Delaware. Cựu Thống đốc Romney bỏ phiếu tại bang Massachusetts vào sáng ngày 6-11 (giờ Mỹ), còn ứng viên phó tổng thống Paul Ryan bỏ phiếu tại bang quê nhà Wisconsin.

Tổng thống Obama đã đi bỏ phiếu sớm từ cuối tháng 10. Trong ngày 6-11, ông trở về nhà ở Chicago, ghé thăm một văn phòng tranh cử, gặp gỡ và cám ơn các tình nguyện viên, sau đó tham gia một trận bóng rổ trong ngày bầu cử. “Tôi cũng đang đợi kết quả, và tôi dự đoán chúng ta sẽ có một đêm tốt đẹp hôm nay”.

“Tôi cũng muốn chúc mừng thống đốc Romney vì tinh thần tranh cử của ông. Tôi biết những người ủng hộ ông ấy đang rất nhiệt huyết và tích cực đi bầu trong hôm nay. Nên tôi sẽ khuyến khích mọi người ở tất cả các đảng hãy chắc chắn là bạn đang sử dụng quyền lợi quý giá của mình dành cho những người mình ủng hộ” - Tổng thống Obama nói.

Trong khi đó, ông Romney cho biết đã hoàn thành diễn văn chiến thắng hơn 1.000 chữ của mình.

Ứng viên Mitt Romney trả lời phóng viên trên chuyến bay về Boston để chờ kết quả bầu cử - Ảnh: Reuters

Cựu thống đốc bang Massachusetts cho biết ông không có gì phải hối tiếc về quá trình tranh cử của mình. Ngay sau khi bỏ phiếu, ông Romney tiếp tục đến vận động tại bang Ohio và Pennsylvania.

"Chúng tôi đã cố gắng hết sức mình. Chúng tôi sẽ chiến đấu tới phút cuối và đó là lý do mà tôi nghĩ chúng tôi sẽ thành công” - ông Romney trả lời phóng viên trong chuyến bay từ Pittsburg đến Boston đêm 6-11 (giờ Mỹ). Tại Boston đang diễn ra quá trình chuẩn bị cho đêm đón kết quả bầu cử.

“Đây là ngày trọng đại cho một sự thay đổi lớn” - ông Romney nói. Ông tiết lộ với các phóng viên rằng đã hoàn thành bài phát biểu chiến thắng chứ chưa viết phát biểu chúc mừng đối thủ. “Trong chính trị không có gì là chắc chắn”. Trong bài phát biểu này của ông Romney chưa đề cập tới phản ứng của gia đình, bạn bè và cố vấn của mình.

Tường thuật của phóng viên Tuổi Trẻ từ Mỹ

3g chiều, nhưng theo thông tin chúng tôi ghi nhận được từ các điểm bầu cử tại thành phố Aberdeen, thành phố lớn thứ hai của tiểu bang South Dakota (SD), số người đi bầu đã được 90%. Ở thành phố này, hội đồng bầu cử bố trí 22 điểm bầu cử để phục vụ cho khoảng trên dưới 20.000 dân. Hầu hết các trường học được chọn làm điểm bầu cử. Người dân ở đây không nhất thiết phải đến điểm bầu cử, họ có thể gửi phiếu bầu qua đường bưu điện, hoặc thậm chí không đi bầu cũng chẳng sao.

Buổi sáng, từ 7g, nhiều người đã tranh thủ đến điểm bầu cử trước khi đến công sở. Bà Linh My-Lanz, một trong khoảng 3-4 người Mỹ gốc Việt đã sinh sống tại Aberdeen khoảng 30 năm, cho biết bà không hào hứng lắm trong cuộc bầu cử này, nhưng bà đã bầu cho Romney.

“Romney hay Obama, ai cũng nói thật hay. Nhưng tôi không bầu cho Obama nữa. Ông ấy hứa rất nhiều cách đây 4 năm, mà xem ra chẳng làm được bao nhiêu. Năm nay tôi bầu cho Romney, dù không biết ông ấy tốt hay xấu, nhưng cần phải thay đổi, cần phải có cái gì mới hơn cái cũ đã quá tệ, dù tôi không biết tình hình sẽ sáng sủa hơn hay không”, bà Linh nói.

Tại điểm bầu cử số 9, Eric J. Gerber cho biết anh chọn Obama và cho rằng anh không quá lời khi gọi Romney là “kẻ khoác lác”. “Chủ truong của Obama là làm bạn với tất cả các nước. Như vậy là tốt”, Eric nói. “Chiến lược của Obama là tăng phúc lợi cho người dân, ủng hộ phụ nữ, chăm lo cho người nghèo... Tổng thống không thể nào lo đủ thứ trên đời, nhưng ít nhất ông ấy đã không làm cho nền kinh tế Mỹ tồi tệ hơn so với cách đây 4 năm”.

Ở các điểm bầu cử tại thành phố Aberdeen, không cờ, không nhạc, không loa phát thanh rùm beng. Người dân tự động vào bỏ phiếu và đi ra, không đầy 5 phút. Khi biết tôi là nhà báo đến từ Việt Nam, dù tôi không đem theo thẻ nhà báo để trình, các thành viên tại điểm bầu cử số 9 vui vẻ chào đón, nói: “Cứ chụp hình đi, một lát có người vô phòng bỏ phiếu, cô cũng có thể đi theo để xem họ bầu như thế nào”.

7g tối, các điểm bầu cử đồng loạt đóng cửa, kết thúc ngày bầu cử. Người dân sẽ biết ai sẽ là tổng thống của nhiệm kỳ tới chỉ sau vài tiếng nữa. “Chờ nhé, anh sẽ nhắn tin cho biết ai là người chiến thắng ngay sau khi anh biết kết quả. Chắc chắn em không phải chờ đến sáng ngày mai đâu”, Eric nói.

Dù ai là tổng thống đi chăng nữa, điều mà mọi người dân Mỹ đều có thể nhận ra, đó là đất nước của họ vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, kinh tế vẫn èo uột, việc làm vẫn khó kiếm, thị trường nhà đất chưa hồi phục, quỹ an sinh vẫn bị đe dọa phá sản, giá xăng sẽ tăng mạnh trong khi nạn khủng bố vẫn luôn đe dọa...

ĐOAN TRANG (từ South Dakota)

Bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở thành phố Aberdeen - Ảnh: Đoan Trang
Phiếu bầu - Ảnh: Đoan Trang
Theo Tuổi Trẻ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.