Thủ lĩnh lực lượng đối lập tại Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, đã rời Myanmar để bắt đầu chuyến thăm lịch sử đến Mỹ sau hơn hai thập kỷ. Bà Suu Kyi đi cùng ba người.

Chủ tịch Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ, bà Aung San Suu Kyi - Ảnh: GM

Bà Suu Kyi từng sống ở New York từ năm 1969-1971, khi đó bà làm việc tại ban thư ký của Liên Hiệp Quốc.

AFP cho biết cùng bay từ Yangon đến Mỹ với bà Suu Kyi còn có tân đại sứ Mỹ tại Myanmar Derek Mitchell.

Trong 18 ngày tại Mỹ, bà Suu Kyi sẽ được Quốc hội Mỹ trao tặng Huân chương vàng quốc hội - một trong những phần thưởng dân sự cao quý nhất tại Mỹ. Bà Suu Kyi cũng sẽ gặp gỡ Tổng thống Barack Obama và cộng đồng người Myanmar sống tại Mỹ.

“Tôi nghĩ bà Aung San Suu Kyi sẽ nói về tình hình cải cách tại Myanmar. Chắc chắn bà sẽ có cơ hội này” - người phát ngôn Nyan Win của Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) nói.

Bà Suu Kyi có thể nhận được các câu hỏi về chính sách đối xử với người Rohingya thiểu số theo đạo Hồi, sau làn sóng bạo lực đẫm máu ở miền tây Myanmar. Đến nay, bà Suu Kyi vẫn thận trọng khi phát biểu về vấn đề này. Cuối tuần qua, Đại sứ quán Mỹ tại Yangon đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình nhân đạo ở bang Rakhine.

Cuối tháng 9, tổng thống Myanmar cũng sẽ có chuyến công tác quan trọng đầu tiên đến Mỹ để dự cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ông Richard Horsey, nhà phân tích độc lập về Myanmar, nói có thể xảy ra khả năng “bà Suu Kyi làm lu mờ ông Thein Sein” khi cả hai cùng hiện diện tại Mỹ.

Mỹ đã chính thức cho phép các công ty nước này đầu tư vào Myanmar từ tháng 7, tuy nhiên vẫn duy trì lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa từ Myanmar.

Theo Tấn Khoa (Tuổi Trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.