Khao khát trở về và "làm một điều gì đó” cho Việt Nam, năm 1986, bà Phùng Kim Vy thành lập một công ty du lịch ở Bắc Mỹ, tiên phong đưa bà con Việt kiều trở về thăm quê nhà. Hơn 20 năm về Việt Nam, bà đã tham gia vào các hoạt động cộng đồng, làm cầu nối cho không ít Việt kiều về nước lập nghiệp.

Đầu tư resort Sea Horse và The Cliff (Phan Thiết), niềm vui của bà là giúp được người dân ở đây có việc làm và có nơi để "làm việc mình thích và sống với chính mình". Chẳng vậy mà khi vừa kết thúc chuyện trò với tôi, đã hơn bốn giờ chiều, bà nói: "Mình phải đi Phan Thiết. Một tuần không về với biển là nhớ".

Bà Phùng Kim Vy , chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Dốc Đá - Phú Hải - Ảnh: Quý Hòa* Biển đã cuốn hút bà từ lúc nào, thưa bà?

- Năm 1986, khi mở công ty du lịch ở Canada, tôi đã đến vùng biển Caribe, nơi có rất nhiều resort yên bình. Khi qua California, Mỹ, đi dọc xa lộ 405, tôi bị thuyết phục bởi những căn nhà và resort chạy dọc bờ biển. Woa! Nó tuyệt đẹp và nên thơ.

Lúc đó, trong đầu tôi bật ra câu hỏi: Tại sao bờ biển Việt Nam cũng đẹp, cũng cát trắng, biển xanh, cũng thơ mộng mà mình không xây những resort như người ta?

Ôm ấp giấc mơ ấy, năm 2004, tôi cùng hai người bạn quyết tâm đầu tư xây dựng resort Sea Horse. Sở dĩ tôi chọn biển Phan Thiết vì ở đây vẫn giữ được những nét hoang sơ với làng cá, đồi cát, tháp Chàm... như ngàn năm qua vẫn vậy.

Phan Thiết luôn ấm áp, lượng mưa ít, nếu có mưa cũng chỉ vài tiếng đồng hồ là tạnh ráo. Khu đất chúng tôi làm resort có tới 500 cây dừa đã hàng chục năm tuổi.

Mỗi sáng thức dậy, ngắm Mặt trời đỏ lựng nhô dần lên từ phía biển, nhìn những ngư dân quăng chài, hớn hở kéo những mẻ lưới nhiều cá tôm, tôi tất tả theo họ ra bến để chọn mua cá, mực, tôm, cua... còn tươi rói.

Rồi những lúc buồn bực hay căng thẳng, trở về với ngôi nhà ở biển này, lang thang trong vườn, ngắm hoàng hôn và nghe tiếng sóng rì rầm là đủ để tôi cảm nhận một cuộc sống bình yên, dung dị, đầy ắp yêu thương.

* Từ mô hình kinh doanh resort đơn thuần, bà chuyển sang The Cliff - mô hình kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng. Sự chuyển hướng này bắt đầu từ đâu, thưa bà?

- Trước hết là từ tiềm năng bờ biển Việt Nam dài hơn 3.000km với hơn 2.000 hải đảo rất triển vọng cho mô hình kinh doanh nghỉ dưỡng. Tiếp theo là nhu cầu và xu hướng của mô hình này đang phát triển ở nhiều nước trên thế giới.

Tôi được nghe câu chuyện về những nhà tỷ phú mua những hải đảo làm nơi nghỉ ngơi của riêng. Đảo Maldives với 1.190 hòn đảo nhỏ tuyệt đẹp nằm chơi vơi giữa biển khơi, nổi tiếng với màu xanh ngọc Turquois đã lọt vào mắt của những nhà phát triển dự án đến từ Ý, Tây Ban Nha, Anh...

Trong dịp đi dự hội chợ MITT tại Moscow diễn ra tháng Tư vừa rồi, tôi đã chứng kiến dòng du khách Nga xếp hàng bao quanh gian hàng của đảo Maldives háo hức để hỏi thông tin.

Ở các vùng biển ở Hoa Kỳ như Florida, California hoặc Goldencoast tại Úc hiện cũng đang hình thành cộng đồng những người nước ngoài, họ không chỉ đến để du lịch mà làm thủ tục định cư, chuyển tài sản, đầu tư cho mình một căn hộ hoặc villa.

Tại Miami, Florida có cả một thành phố mà phần lớn cư dân là người Quebec, Canada.

Từ năm 2002, chính phủ Malaysia cũng đã phát động chương trình MM2H (ngôi nhà thứ hai) và đã thu hút 20.000 người ngoại quốc có thu nhập cao đến Malaysia để sinh sống, làm việc và về hưu.

Ở Thái Lan, những cư dân cao cấp có thu nhập cao người Anh, Hoa Kỳ và Đức sống tại Thái Lan cũng khá đông, khoảng 35.000 người và những căn nhà họ đầu tư đều nằm trong những trung tâm du lịch đẳng cấp với đầy đủ tiện nghi.

Tại Việt Nam, việc cho phép khai thác dọc bờ biển với những sản phẩm mới là căn hộ, villa cũng đã được cho phép trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, đây vẫn là mô hình còn rất mới nên tôi luôn trăn trở làm thế nào để chính quyền và các ngành liên quan thấy được xu hướng cũng như tiềm năng rất lớn này.

Đó cũng chính là lý do thôi thúc tôi tìm hướng đi riêng cho The Cliff với toàn bộ thiết kế được thay đổi theo hướng resort kết hợp khu dân cư cho những người muốn đầu tư. Và chỉ hơn một năm, chúng tôi đã bán được 80% căn hộ villa.

Dừng câu chuyện, bà Phùng Kim Vy hỏi tôi: "Đã bao giờ bạn đứng trên cao để ngắm biển chưa? Tuyệt lắm.

Nếu bạn có một căn nhà nhìn ra biển, cảm giác sẽ khác một căn nhà trên cao nhìn ra biển. Và đó chính là điểm khác biệt của The Cliff".

* Ý bà là The Cliff có nhiều yếu tố hoàn hảo hơn Sea Horse, và đó là lý do bà đầu tư vào dự án này?

- Không phải vậy. Sea Horse Resort là "mối tình đầu" của tôi, tuy hơi chút vụng dại nhưng rất nên thơ. Nhưng có một lý do riêng tư mà tôi phải bán Sea Horse, đó là người thân yêu trong ba chúng tôi "mãi mãi ra đi".

Trong sự yêu thương và đầy kỷ niệm, người ra đi luôn để lại trong lòng người ở lại sự quyến luyến khôn tả.

Nhất là lúc nào, ngồi đâu trong resort này, tôi cũng nhớ hình bóng người bạn ấy, nhớ những ngày đầu cả ba đều nón lá, quần xắn đi chỉ thợ thầy làm theo ý mình, tự tay trồng cây, tự tay trang trí...

* Đã dành hết đam mê cho Sea Horse, liệu bà còn đủ cảm hứng cho The Cliff?

- Tôi là người không bao giờ muốn dừng lại, nên cái mới là cảm hứng và khó khăn là động lực. The Cliff tọa lạc trên địa hình dốc đá, ngay khi bắt tay vào dự án, tôi đã cảm nhận sự gập ghềnh đầy thách thức.

Với độ cao dốc xuống biển 30-40 mét, khoan xuống 200 mét có đá granit, có chỗ lại bùn lầy và cát nên xây dựng rất khó khăn. Chỉ riêng khâu điều tra địa chất cũng mất mấy tháng.

Điều thú vị ở The Cliff là khi đứng trên điểm cao nhất nhìn ra biển, tôi có cảm giác như đất trời và biển rất gần nhau, thấy mình thật là nhỏ bé nhưng lại được trải lòng, hòa vào đất trời mênh mông.

Vì vậy, tinh thần chủ đạo của The Cliff cũng mạnh mẽ, gần gũi thiên nhiên, và slogan tôi đặt cho The Cliff là "Sống trước biển". The Cliff resort & Residences tượng trưng cho sự chinh phục, mạnh mẽ, trẻ trung, hiện đại, mỗi phòng trang trí theo một phong cách riêng.

* The Cliff được bình chọn là một trong bốn resort 4 sao đẹp nhất Phan Thiết. Phải chăng đó là món quà lớn nhất trong cuộc đời làm kinh doanh của bà?

- Món quà lớn nhất trong cuộc đời làm doanh nghiệp của tôi không phải là những thành quả kinh doanh hay lên sân khấu nhận giải thưởng, danh hiệu mà là những người từng chung tay với tôi, dù chỉ đi với nhau một chặng đường ngắn, nhưng chúng tôi quý mến nhau và giữ tình thân như chị em ruột thịt.

Một món quà nữa mà sau khi hoàn thành The Cliff, tôi tự tặng cho mình, đó là món quà tinh thần. Ở tuổi tôi, nhiều bạn bè đã sống an phận, an nhàn bên con cháu.

Nhưng tôi thấy mình vẫn là con ngựa có khả năng đua đường dài, đến đích hay không thì chưa biết, nhưng vẫn là người nhập thế, vẫn tràn đầy sức lực.

Hằng ngày, để cập nhật kiến thức, tôi vẫn học rất nhiều thứ, từ quản trị, kỹ năng lãnh đạo đến marketing..., rồi đọc sách về quản lý, về các bí quyết thành công của các doanh nhân thế giới.

Ở tuổi ngoài 55 nhưng quỹ thời gian với tôi vẫn rất ngắn và công việc cũng vẫn là niềm vui của tôi.

* Bà cho rằng mình thành công là nhờ có cộng sự và đối tác tốt. Để có được hai "tài sản" quý này, bà có thể tiết lộ nghệ thuật sống không, thưa bà ?

- Nghệ thuật sống của tôi là sự thương yêu chân thành những người đã đi cùng mình, theo triết lý gieo điều tốt sẽ hái điều lành. Nghệ thuật đó còn là cách lãnh đạo để nhân viên làm việc cảm thấy thoải mái, được phát huy khả năng, được quyền phát biểu chính kiến, được quyền sáng tạo.

Chẳng hạn, tất cả nhân viên của tôi đều được hiến kế cho dự án The Cliff, được chia sẻ tâm tình với lãnh đạo, được nâng cao kỹ năng thông qua các buổi huấn luyện.

* Nhiều doanh nhân cho rằng, cái khó của người lãnh đạo là dám thay đổi cái cũ. Bà có trải qua "cái khó” này chưa?

- Tôi là người luôn hướng đến sự hoàn thiện, mới mẻ nên không cảm thấy khó khăn khi phải thay đổi cái cũ. Khi điều hành The Cliff, tôi đã thay đổi cách quản lý.

Trước đây, tôi chỉ giao việc cho một người quản lý và anh ta sẽ là đầu tàu kéo toa tàu đi, còn bây giờ tôi giao việc cho các trưởng bộ phận, mỗi tháng, tất cả 12 trưởng bộ phận phải làm bản kế hoạch.

Nhờ vậy, mỗi trưởng bộ phận là một mắt xích của toa tàu mà họ phải tự chạy, tự phát huy tính chủ động trong công việc chứ không phải chờ đầu máy kéo như trước đây. Ngay cả cách quản lý tôi cũng cập nhật tiến bộ của internet nên hiện nay đỡ vất vả hơn, bởi chỉ cần online.

* Bà nói doanh nhân là tầng lớp giúp cho đất nước hội nhập với kinh tế thế giới nhanhnhất. Trong vai trò Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân Việt kiều, bà đã làm gì để thúc đẩy điều ấy?

- Mong muốn thì nhiều nhưng tôi vẫn chưa làm được điều gì lớn lao cho đất nước. Những năm Việt Nam chưa mở cửa, thấy rất đông bà con Việt kiều muốn về thăm quê hương, trong đó có nhiều trí thức thành đạt, tôi trăn trở nghĩ cách làm thế nào để giúp bà con được trở về và cũng mong có nhiều trí thức Việt kiều về đóng góp xây dựng đất nước.

Vì vậy, năm 1986, tôi thành lập công ty du lịch để thực hiện nguyện vọng này. Thời điểm đó, công ty của tôi hoạt động rất khó khăn vì có một số phần tử quá khích chống đối, họ tổ chức biểu tình tại các công ty du lịch bán vé về Việt Nam, thậm chí còn chặn xe bà con khi ra phi trường, hành hung và đe dọa người tổ chức du lịch.

Nhưng bất chấp sự chống đối, đe dọa, tôi vẫn thực hiện công việc của mình. Tôi còn nhớ, mùa Đông năm 1987 ở Canada, trời lạnh cắt da, âm 30 độ C, trong chiếc áo lông xù, tay run cầm cập, chúng tôi vội vã chất những chiếc va li nặng trĩu lên xe để ra phi trường.

Tài xế là người Quebec, tò mò hỏi: "Các bạn rủ nhau đi đâu vào mùa này mà vui quá vậy?". Chúng tôi trả lời: "Đi về phía Mặt trời".

Đúng thế, trong lòng mỗi người xa xứ chúng tôi, Việt Nam là phía Mặt trời. Và cái cảm giác lần đầu trở về đất nước mình ngày ấy, tôi không bao giờ quên.

Tiếp những năm sau đó, trong các chuyến trở về, tôi tham gia tổ chức doanh nhân Việt kiều và cùng các anh chị góp ý kiến với Nhà nước về các chính sách liên quan đến đầu tư, kiều hối, du lịch...

Hiện nay, trong vai trò một ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, tôi đã cùng các thành viên làm gạch nối với chính quyền để hỗ trợ các doanh nghiệp và kết nối doanh nghiệp trong ngành với nhau, thúc đẩy quảng bá du lịch.

Khi du lịch phát triển thì phải có nhân viên phục vụ có đẳng cấp cao, nhưng hiện nay, vấn đề đào tạo ở Bình Thuận rất sơ sài, nên tôi đã hợp tác với Khoa Du lịch Đại học Phan Thiết để liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho ngành.

* Vừa trở về từ một hội chợ du lịch thế giới, bà có suy nghĩ gì về du lịch Việt Nam?

- Hiện nay, nguồn khách có nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày ở các resort vùng biển Đông Nam Á ngày một nhiều, nên du lịch Việt Nam cần phải đầu tư hơn nữa về mặt hạ tầng, giao thông, cảnh quan, vệ sinh thực phẩm, an ninh ở các vùng có du lịch biển phát triển như Đà Nẵng, Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu… để cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Chẳng hạn, Bình Thuận hiện vẫn chưa có sân bay, hệ thống đường bộ, vệ sinh, an toàn thực phẩm cho du khách vẫn còn nhiều hạn chế. Ở Mũi Né, mặc dù khu vực resort rất đẹp nhưng bước ra ngoài thì nhốn nháo, vệ sinh ăn uống không đảm bảo, nhiều nơi vẫn nhếch nhác.

* Bà vừa làm giám khảo danh dự cho chương trình Siêu đầu bếp Việt Nam 2012-2013, chắc hẳn bà cũng có tài... làm bếp? Qua chương trình này, bà có ý định đem những món ăn ấn tượng vào thực đơn của The Cliff không?

- Ồ, dĩ nhiên rồi! Tôi là người được thưởng thức nhiều món ăn ngon và đã ăn ngon rồi thì phải thích... làm bếp. Qua cuộc thi này, tôi thấy nếu quảng bá tốt, ẩm thực Việt Nam sẽ có chỗ đứng xứng đáng trên thế giới.

Chẳng hạn, món bánh mì trộn khô bò, món sốt thịt bò cho thêm vài giọt nước mắm, canh chua ăn với bánh mì nướng tỏi, phủ trên bánh là loại mứt làm từ trái me chua, hoặc các món chế biến từ hải sản như gỏi cá mặt quỷ, chem chép...

Thực sự tôi cũng dự định đưa các món ăn này vào thực đơn của The Cliff để giới thiệu với du khách.

* Xin hỏi bà một câu rất riêng tư: Khi về Việt Nam, cuộc sống riêng của bà có chút thay đổi, bà có nghĩ rằng đó là mất mát của người phụ nữ khi làm kinh doanh?

- Đừng đổ lỗi cho kinh doanh và cũng không phải phụ nữ làm kinh doanh là không giữ được hạnh phúc gia đình. Tôi nhận ra, có những người đàn ông khi ở nước ngoài họ không gia trưởng, nhưng về Việt Nam thì lại rất gia trưởng. Mỗi người có cách tìm hạnh phúc riêng.

Hiện tại, tôi thật sự hạnh phúc vì đang được sống với con người thật của mình và làm điều mình muốn, hài lòng với những gì mình có và đã trải qua.

Hạnh phúc của tôi bây giờ là sự trưởng thành của các con, là cuộc sống đời thường dung dị, thích cột tóc, mặc quần đen đi chợ, sà xuống hàng cá, hàng tôm lựa những con tươi nhất để làm những món con mình thích nhất và mời bạn bè đến ăn...

* Xin cảm ơn về những chia sẻ cởi mở của bà.

Lữ Ý Nhi (Doanh nhân Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.