Việc đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Việt Nam của các nhà bán lẻ Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan đang tạo sức ép rất lớn lên các nhà sản xuất trong nước.

Lotte Mart ngày càng mở rộng tại thị trường Việt Nam. Ảnh: KINH LUÂN

Doanh nghiệp Nhật: chậm mà chắc

Mới đây, tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật đã có thêm giấy chứng nhận đầu tư phát triển trung tâm thương mại (TTTM) trong khuôn viên Khu Y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri-La, quận Bình Tân, TPHCM. Theo đó, Aeon sẽ đầu tư thêm 128,5 triệu đô la Mỹ vào Việt Nam sau khi đã đầu tư 512 triệu đô la Mỹ để triển khai các dự án TTTM Aeon Tân Phú Celadon (TPHCM), Aeon Bình Dương Canary và Aeon Hà Nội Him Lam. Ông Yasuo Nishitohge, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam, cho biết Aeon sẽ mở rộng đầu tư để đạt 20 trung tâm mua sắm lớn tại Việt Nam vào năm 2020.
Không như những nhà bán lẻ đến từ châu Âu như Big C hay Metro Cash & Carry chủ yếu tập trung khai thác hàng sản xuất trong nước (chiếm khoảng 95%), Aeon tạo điều kiện cho hàng Nhật thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam.

Aeon đã có mặt ở Việt Nam từ năm 2009 nhưng đến năm 2011 mới thành lập công ty. Lúc mới bắt đầu kinh doanh ở Việt Nam, ông Nishitohge đã không ngần ngại nói về chiến lược kinh doanh một phần ba hàng Nhật, một phần ba hàng Việt và số còn lại là hàng nhập từ các nước khác. Đặc biệt, Aeon tận dụng tâm lý chuộng hàng Nhật của người tiêu dùng trong nước và ngày càng gia tăng các mặt hàng công nghệ, đồ gia dụng, quần áo thời trang, hóa mỹ phẩm, thực phẩm, ẩm thực...

Không khó để nhận thấy hàng Nhật được ưu tiên nằm ở những vị trí thuận lợi, dễ thu hút người tiêu dùng trong khu siêu thị của Aeon Tân Phú Celadon. Những cửa hàng bán lẻ thương hiệu Nhật cũng được sắp xếp ở những vị trí ưu tiên trong TTTM này. Điều đáng chú ý là hàng hóa của Nhật lâu nay khó cạnh tranh về giá so với hàng sản xuất trong nước, thế nhưng phần lớn sản phẩm thương hiệu Nhật tại Aeon lại có giá khá mềm, nhờ được gia công, sản xuất ở Trung Quốc, Thái Lan... Có lẽ vì vậy mà cho dù Aeon Tân Phú Celadon ở một vị trí khá xa trung tâm TPHCM nhưng hàng ngày vẫn thu hút được một lượng lớn khách tham quan, mua sắm.

Một nhà bán lẻ khác của Nhật là FamilyMart cũng đang không ngừng mở rộng chuỗi kinh doanh và cũng ưu tiên kinh doanh hàng Nhật. Hồi năm ngoái, khi bị tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan hất chân ra khỏi hệ thống hơn 40 cửa hàng bán lẻ tại TPHCM, những tưởng nhà bán lẻ này sẽ rút khỏi Việt Nam, nhưng ngược lại, FamilyMart tiếp tục “săn” nhiều mặt bằng mới và gầy dựng lại hình ảnh thương hiệu. Ông Kigure Takehiro, Chủ tịch Công ty TNHH Cửa hàng tiện lợi Gia đình Việt Nam, cho biết FamilyMart đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam nên đặt mục tiêu phát triển bền vững để trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi đứng đầu thị trường trong vòng 10 năm tới.

Các cửa hàng khác như Daiso, Hachi Hachi, Akuruhi, Tokutokuya... chuyên bán các sản phẩm của Nhật cũng ngày càng tăng cường sự hiện diện của mình ở khắp các thành phố lớn, đang tạo sức ép không nhỏ đối với hàng hóa sản xuất trong nước.

Chiến lược “phủ sóng” của Hàn Quốc và Thái Lan

Nhà bán lẻ Lotte Mart của Hàn Quốc đang gấp rút hoàn tất những công đoạn cuối cùng để đưa vào khai thác TTTM mới tại số 20 Cộng Hòa ở quận Tân Bình, TPHCM. Đây là TTTM thứ hai của nhà bán lẻ trong nước Pico được Lotte Mart thuê lại sau trung tâm tại số 229 Tây Sơn, Hà Nội.

Trước đó, Lotte Mart đã khai thác toàn bộ mặt bằng kinh doanh của tòa nhà The EverRich ở quận 11, TPHCM. Đến tháng 8-2012, họ đã loại bỏ đối tác liên doanh là Doanh nghiệp tư nhân sản xuất thương mại Minh Vân trong Công ty TNHH Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam để chuyển thành doanh nghiệp 100% vốn của Lotte Mart.

Thực ra, chiến lược mở rộng của Lotte Mart không chỉ diễn ra ở thị trường Việt Nam mà đã được thực hiện trước đó ở Trung Quốc và Indonesia. Tổng số trung tâm mua sắm Lotte đã mở ở Trung Quốc khoảng 110, ở Indonesia là 35. Ở Việt Nam, Lotte Mart có tham vọng mở 60 điểm bán đến năm 2020 dù cho đến thời điểm hiện tại, họ có chưa đến 10 điểm kinh doanh.

Đại diện của Lotte Việt Nam cho biết sẽ phát huy kinh nghiệm đã đem đến thành công cho Lotte ở nhiều thị trường, đó là nắm bắt văn hóa tiêu dùng bản địa.

Hiện tại, phong cách tiêu dùng Hàn Quốc và Nhật Bản đang được giới trẻ Việt Nam ưa chuộng. Nếu Aeon đang ưu tiên hàng Nhật thì Lotte Mart ưu tiên hàng hóa từ Hàn Quốc. Cũng rất dễ thấy tại các siêu thị của Lotte, sản phẩm Hàn Quốc luôn được sắp đặt ở các vị trí ưu tiên. Nhiều mặt hàng gia vị, thực phẩm chế biến, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm... của Hàn Quốc đã có cơ hội tiếp cận người tiêu dùng và cũng từ đó tìm đường phân phối rộng hơn ra mạng lưới bán lẻ bên ngoài.

Tương tự, để nhanh chóng tham gia thị trường Việt Nam, các nhà bán lẻ Thái Lan cũng đi theo hướng thâu tóm các chuỗi kinh doanh có sẵn. Mới đây, tập đoàn BJC làm xôn xao thị trường khi bỏ ra tới 655 triệu euro để mua lại hệ thống 19 trung tâm phân phối Metro Cash & Carry Việt Nam. Bên cạnh đó, BJC còn tham gia vào các công ty phân phối, thương mại ở Việt Nam với mục đích thâm nhập chuỗi kinh doanh một cách sâu rộng hơn.

Một tập đoàn bán lẻ lớn khác của Thái Lan là Central Group - chủ hệ thống TTTM Robinson, cũng đã mở trung tâm mua sắm Robins đầu tiên ở Việt Nam hồi tháng 3 vừa qua, và sẽ mở tiếp một trung tâm lớn hơn tại TPHCM vào tháng 11 tới đây. Nhà bán lẻ này cho biết sẽ nhân rộng mô hình bán lẻ ra các thành phố lớn khác.
Một nhà phân phối khác nữa là Charoen Pokphand (CP) Group (có chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Thái Lan là 7-Eleven) cũng đang dòm ngó thị trường Việt Nam.

Cũng như các hệ thống phân phối của Nhật Bản hay Hàn Quốc, các cửa hàng, siêu thị Thái Lan cũng lại ưu tiên phân phối hàng của doanh nghiệp nước mình. Hàng Thái với cuộc cải cách lớn về giá cả, mẫu mã và chất lượng đã nhanh chóng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam thời gian vừa qua. Với sự thâm nhập thị trường khá bài bản, các nhà phân phối Thái Lan được giới quan sát nhận định họ đang tạo dựng thương hiệu cho hàng Thái trên thị trường khu vực Đông Dương và Myanmar nhằm chuẩn bị đón các cơ hội từ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015.

Có thể thấy, thông qua các hệ thống phân phối đồng hương, hàng Nhật, hàng Thái cũng như hàng loạt sản phẩm của Hàn Quốc được đưa vào thị trường Việt Nam ngày càng nhiều hơn, tạo sức ép lớn cho hàng Việt và đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước những thách thức lớn. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, các chính sách thương mại cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phân phối trong nước mở điểm kinh doanh mới nhằm hỗ trợ kinh doanh hàng Việt. Đồng thời mỗi nhà sản xuất trong nước phải nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của mình thì mới có thể tồn tại.

Quốc Hùng (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.