Cập nhật 22/02/2012 3:13 AM
Khởi đầu cho “cuộc chiến” về bản quyền truyền hình bóng đá là việc Công ty CP Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam VPF lên tiếng phủ nhận toàn bộ bản hợp đồng mà AVG đã ký với VFF và sau đó là hàng loạt diễn biến rối ren khác. Phải chăng đã đến lúc “cuộc chiến” này dừng lại như lời của Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ: “Làm việc gì cũng cần có đầu, có cuối”.
Có lẽ không cần nhắc đến những diễn biến của cuộc chiến bản quyền truyền hình bóng đá Việt Nam trong thời gian vừa qua, bởi nhan nhản trên các trang báo thể thao ra hằng ngày là các công văn “cho phép” và “yêu cầu” của VPF. Với tư cách là đơn vị đứng ra tổ chức các giải đấu (dù chưa được thừa nhận trên phương diện luật pháp), VPF đã “yêu cầu” các cơ quan nhà nước xem xét lại tính pháp lý của bản hợp đồng mà VFF đã ký với AVG. Trong khi chờ đợi kết quả của các cơ quan chức năng, VPF tiếp tục phủ nhận bản hợp đồng bằng cách “cho phép” các đơn vị truyền hình tự do vào sân ghi hình, phát sóng các trận đấu.

AVG muốn lặng, VPF chẳng dừng?
VPF sẽ làm gì tiếp theo?

Bản quyền truyền hình vì thế mà càng rối ren, dư luận thì đã quá ngán ngẩm với kiểu đấu đá “vô lối” này. Thậm chí ngay cả khi có kết luận của cơ quan chức năng là Thanh tra Bộ VHTT&DL thì VPF vẫn tỏ thái độ phản đối bằng một lá đơn khiếu nại. Sự việc sẽ chẳng dừng ở đây!

Xét cho cùng thì từ trước đến nay, từ ba phía trong “cuộc chiến” là VFF – VPF và AVG thì có vẻ như AVG “kín tiếng” nhất. Họ chỉ đưa ra công văn duy nhất cho VPF yêu cầu VPF làm tốt các thủ tục chuyển giao hợp đồng với VFF và khi đó việc đàm phán mới diễn ra (nếu muốn). AVG cũng chỉ bảo vệ quyền lợi của mình trong bản hợp đồng bằng việc gửi công văn khi Đài TH kỹ thuật số VTC xâm phạm.


AVG đã lên tiếng sau khi có kết luận chính thức của Thanh tra Bộ VHTT&DL công nhận bản hợp đồng mà họ đã ký với VFF trước đây là hoàn toàn đúng luật. Trong buổi họp báo “AVG – Truyền hình An Viên và tinh thần vì thể thao Việt Nam” diễn ra ngày 20/2, một thông tin mới nhất cũng được AVG công bố là toàn bộ lợi nhuận từ việc kinh doanh bản quyền truyền hình bóng đá sẽ được AVG đầu tư cho thể thao Việt Nam bằng cách chia số lợi nhuận thu được cho các Liên đoàn thể thao, Quỹ hỗ trợ VĐV thể thao Việt Nam, cho công tác đào tạo thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng…


Động thái này của AVG đã phủ nhận mọi nghi ngờ trước đây của dư luận về việc AVG sẽ mang bản quyền truyền hình làm mồi nhử cho việc kinh doanh và kiếm lời cho mình. Vì đơn giản, “AVG đã và sẽ không lấy một đồng nào tiền lợi nhuận từ việc bán và chia sẻ bản quyền truyền hình bóng đá” như lời Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ tuyên bố.


Ngay cả khi có thông tin từ phía VPF đưa ra là có đối tác sẵn sàng bỏ ra 70 đến 100 tỷ cho việc mua bản quyền bóng đá trong vòng 3 năm thì ông Phạm Nhật Vũ cũng cho biết sẽ sẵn sàng chuyển ngang thương quyền cho đối tác đó. Và quan trọng hơn, toàn bộ số tiền đó sau khi được trả cho giá trị hằng năm của bản hợp đồng giữa AVG và VFF thì sẽ được chuyển giao toàn bộ để phát triển bóng đá Việt Nam như đã nói từ trước.


Không biết có thực đối tác nào bỏ ra số tiền đó để có thể mua lại bản quyền truyền hình từ AVG hay không nhưng rõ ràng, trong vụ “tranh chấp” này, AVG đã có công lớn khi đã nâng được giá trị của bản quyền truyền hình các giải bóng đá trong nước. Nếu AVG không bỏ tiền để mua thương quyền truyền hình của bóng đá trong nước thì 20 năm hay nhiều chục năm nữa, chưa chắc đã có một đơn vị bỏ ra 70 hay 100 tỷ để mua nó như chuyện các ông bầu của VPF đã nói!?.


Sau khi ông Chủ tịch AVG tuyên bố sẵn sàng chuyển giao lại thương quyền nếu có đối tác trả giá cao, liệu phía VPF với những con số 70 hay 100 tỷ mà họ đã đưa ra sẽ làm gì tiếp theo. Hay VPF một lần nữa phát ngôn quá… mạnh miệng để lại tiếp tục kiến nghị lên các cơ quan cấp cao hơn, và “cuộc chiến” bản quyền vẫn sẽ tiếp diễn theo kiểu “cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”!?


Với các ông bầu bóng đá Việt Nam và VPF thì mọi chuyện đều có thể xảy ra!
Theo Bee
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.