Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P vừa tuyên bố quốc gia Nam Mỹ đã vỡ nợ sau khi không thể đạt thỏa thuận thanh toán với nhóm chủ nợ vào hạn chót hôm qua (30/7).

Đây là lần vỡ nợ thứ 2 của Argentina trong 13 năm. Năm 2001, nước này không thể thanh toán 100 tỷ USD, đẩy cả quốc gia rơi vào khủng hoảng tài chính. Sau đó, Argentina phải tái cơ cấu nợ năm 2005 và 2010.

Đến nay, hơn 90% chủ nợ đã đồng ý nhận số trái phiếu mới với khoản thanh toán thấp hơn. Tuy nhiên, nhóm chủ nợ Mỹ dẫn đầu bởi quỹ đầu tư NML Capital và Aurelius Capital Management từ chối thỏa thuận này và đòi Argentina phải trả toàn bộ tiền, Reuters cho biết.

argen-2788-1406779236.jpg

Bộ trưởng Kinh tế Argentina - Axel Kicillof không đạt được thỏa thuận nào hôm qua. Ảnh: Bloomberg

Cuộc chiến pháp lý giữa Argentina và nhóm chủ nợ này đã kéo dài nhiều năm. Năm 2012, Tòa liên bang Mỹ tại Manhattan đã phán quyết Argentina phải trả đầy đủ 1,33 tỷ USD cả gốc lẫn lãi cho nhóm này, trước khi thanh toán cho các chủ nợ khác. Argentina sau đó có kháng án lên Tòa án Tối cao Mỹ, nhưng đã bị bác bỏ.

Bộ trưởng Kinh tế Argentina - Axel Kicillof cho biết nước này có đủ 539 triệu USD để thanh toán lãi trước thời hạn 30/6. Nhưng vì quyết định trên, từ tháng trước, ông Kicillof đã phải nhanh chóng sang Mỹ đàm phán với nhóm chủ nợ.

Tuy nhiên, người chịu trách nhiệm dàn xếp của tòa án - Daniel Pollack hôm qua tuyên bố hai bên đã không đạt được một thỏa thuận nào. Vì vậy, ông nhận định Argentina "sắp vỡ nợ".

Trong buổi họp báo hôm qua, Kicillof cho biết Argentina không thể trả đầy đủ cho các quỹ đầu tư này, vì việc đó sẽ châm ngòi cho làn sóng đòi hỏi tương tự từ các chủ nợ khác. Ông gọi nhóm chủ nợ Mỹ là "kền kền" và cho biết sẽ không ký thỏa thuận theo kiểu "tống tiền" như thế này.

Standard & Poor's sau đó đã hạ xếp hạng tín nhiệm nợ dài hạn và ngắn hạn của Argentina từ CCC- và C xuống "vỡ nợ một phần". Nguyên nhân là Argentina không thể trả lãi suất ngày 30/6. Mức xếp hạng này sẽ được giữ nguyên cho đến khi Argentina trả xong các khoản này.

Dù vậy, lần vỡ nợ này được dự báo sẽ có ít hậu quả hơn, do kinh tế Argentina đã ổn định hơn. "Chúng tôi cho rằng lần vỡ nợ này sẽ chỉ xảy ra trong ngắn hạn và không có ảnh hưởng lớn đến Argentina", Mauro Roca - chuyên gia kinh tế cấp cao tại Goldman Sachs cho biết trên Bloomberg. Nước này hiện là nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực Mỹ Latin.

Hà Thu (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.