Sự kết hợp giữa "ông vua bán lẻ” truyền thống Walmart với startup Jet.com được định giá 1 tỷ USD chỉ sau hai năm ra mắt liệu có đủ sức đánh bại "gã khổng lồ” bán lẻ trực tuyến Amazon?

Walmart và Jet.com bù đắp những khiếm khuyết của nhau nhằm hạ bệ Amazon. Nguồn: Therobinreport

Ngày 8/8, hãng bán lẻ truyền thống hàng đầu thế giới Walmart cho biết đã chi 3,3 tỷ USD để mua lại website thương mại điện tử Jet.com chuyên bán đồ gia dụng và các loại tạp hóa, biến đây thành thương vụ thâu tóm có giá trị cao nhất ngành thương mại điện tử tính tới thời điểm hiện tại.

Giới quan sát nhận định, động thái này của Walmart nhằm nâng cao sức cạnh tranh của Hãng trong mảng bán lẻ trực tuyến, đặc biệt khi cả Jet.com và Walmart đều có chung mục tiêu "hạ bệ” Amazon.

Cộng sinh

Dù mới thành lập vào năm 2014 nhưng Jet.com đã nhanh chóng thu hút được một lượng lớn khách hàng trẻ tuổi với tốc độ tăng trưởng bình quân 350.000 khách hàng/tháng nhờ áp dụng các chính sách khuyến mãi, giảm giá và miễn phí vận chuyển với đơn hàng trên 35USD. Trong khi đó, ông vua bán lẻ Walmart lại đầu tư rất nhiều vào mảng kinh doanh trực tuyến hòng bắt kịp Amazon, nhưng cả năm 2015 cũng chỉ thu về 13,7 tỷ USD, một con số quá nhỏ so với doanh thu 107 tỷ USD mà Amazon kiếm được từ lĩnh vực này.

Tính từ đầu năm 2016 đến nay, Walmart đã phải đóng cửa gần 270 cửa hàng trên nhiều quốc gia. Thống kê quý I - 2016 cho thấy, doanh số từ mảng bán hàng trực tuyến của Walmart chỉ tăng 7% (giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái), trong khi con số này tại Amazon là 25%. Bên cạnh đó, gần 93% tổng doanh thu của Amazon đến từ mua bán trực tuyến và Walmart vẫn "giậm chân tại chỗ” ở mức 3%.

Ngoài tốn nhiều chi phí cho mặt bằng, nhân công và vận chuyển hàng hóa, Walmart còn phải chật vật xoay xở với sự bùng nổ nhu cầu mua sắm trực tuyến của khách hàng trong khi Hãng chỉ có 10 triệu mặt hàng trong kho. Phát biểu hôm 8/8, CEO Walmart Dough McMillion cho biết: "Walmart sẽ đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến và sẽ giúp thương hiệu Jet.com phát triển thành công hơn trong một thời gian ngắn".

Việc thâu tóm Jet.com giúp Walmart ngay lập tức có thêm 12 triệu mặt hàng với tổng giá trị giao dịch đạt 1 tỷ USD. Dù con số này khá ít so với 200 triệu sản phẩm mà Amazon hiện có, nhưng cũng giúp đại gia bán lẻ này mở rộng được ngành hàng từ 2.400 nhà bán lẻ và đối tác của Jet.com, đồng thời tiếp cận nguồn lớn khách hàng trẻ tuổi, có thu nhập tốt.

Lợi ích thứ hai Walmart có được từ Jet.com là hệ thống phân phối hàng hóa chuyên nghiệp, nhanh chóng, đủ sức cạnh tranh với Amazon.

Trong một báo cáo mới đây, Walmart đã đưa ra 4 lý do thực hiện thương vụ thâu tóm Jet.com, trong đó nhấn mạnh đến tầm quan trọng "nền tảng công nghệ đẳng cấp", cũng chính là thuật toán hỗ trợ người mua hàng tìm được mức giá tốt nhất cùng chi phí giao hàng tiết kiệm nhất với các đơn hàng trực tuyến. "Điều này vô tình phù hợp với chiến lược "giá rẻ mỗi ngày" của Walmart", đại diện hãng này nói. Theo CNN, Walmart dự định vẫn giữ nguyên thương hiệu Jet.com với lý do "nó đã quá thân thuộc với khách hàng trẻ”.

Về phía Jet.com, dù mang tiếng "bị thâu tóm", nhưng startup này sẽ hoạt động độc lập với mảng kinh doanh trực tuyến của Walmart dưới sự dẫn dắt của nhà đồng sáng lập - CEO Jet.com là Marc Lore. Vị này cho biết, lợi ích Jet.com có được từ Walmart chính là "quy mô mua hàng, khả năng tìm nguồn cung ứng, đối tác phân phối và tài sản kỹ thuật số”.

Cùng thắng

Dự kiến Walmart sẽ trả cho Jet.com 3 tỷ USD tiền mặt, 300 triệu USD còn lại sẽ được trả bằng cổ phiếu. Hôm 9/8, Hãng tin CNBC bình luận đây là thương vụ "quá hời" đối với Jet.com, đặc biệt là với CEO Lore khi ông được sở hữu 25% cổ phần trong công ty bên cạnh việc tiếp quản vị trí đứng đầu mảng bán lẻ trực tuyến của cả Jet.com và Walmart thay cho người tiền nhiệm là Neil Ahse - Giám đốc Thương mại điện tử toàn cầu của Walmart được thuyên chuyển sang vị trí khác, mà theo CNBC, sẽ rời khỏi Công ty sau đó.

CEO Walmart Dough McMillion đã không tiếc lời ca ngợi Lore về bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử và những thành công ông đạt được khi dẫn dắt Jet.com. "Những giá trị cốt lõi mà Lore đã xây dựng cho Jet cùng quan điểm, suy nghĩ của ông rất phù hợp với cách làm của Walmart và đó là lý do khiến chúng tôi quyết định để ông chịu trách nhiệm về cả hai công ty này" - McMillion nói.

Các chuyên gia cũng đánh giá đây là bước đi "khôn ngoan" của Walmart, bởi Marc Lore không chỉ tài giỏi mà còn là người hiểu rất rõ về Amazon. Cách đây 6 năm, Lore đã từng phải bán công ty của mình là Quisdi cho Jeff Bezos với giá 545 triệu USD, chưa kể thời gian hai năm làm việc dưới trướng "người hùng" của Amazon.

Thời điểm năm 2010, Công ty Quisdi (chủ sở hữu website bán hàng trực tuyến Diapers.com và Soap.com) do Marc Lore là người đứng đầu đã đạt doanh thu 300 triệu USD/năm chỉ sau 5 năm ra mắt. Kết quả này đã khiến Amazon chú ý và gã khổng lồ này nhanh chóng giảm 1/3 giá bán tã em bé - sản phẩm chủ lực của Quisdi, khiến Lore không còn cách nào khác là phải "bán mình" cho Amazon trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang suy thoái và Công ty không kiếm ra nguồn tài trợ.

Tuy nhiên, chính thất bại này đã giúp Lore khắc phục điểm yếu của Quisdi khi đó để phát triển thành công Jet.com, bằng cách cắt giảm chi phí kinh doanh trực tuyến thông qua việc thuyết phục khách hàng mua sản phẩm với số lượng nhiều để tiết kiệm bao bì, đồng thời nâng cấp thuật toán để đẩy nhanh tốc độ giao hàng cùng nhiều chính sách khuyến mãi hấp dẫn khác.

Việc đầu quân về Walmart là một cách giúp Marc Lore có được nguồn tài nguyên dồi dào trong khi vẫn giữ được Jet.com. Phía Walmart cũng cho biết sẽ chỉ sử dụng nền tảng công nghệ của Jet.com để số hóa dần kho hàng, từ đó tiết giảm chi phí kho bãi. Ngay sau tuyên bố chính thức từ CEO Walmart, Hãng tin CNN đã đưa ra dòng cảnh báo về tương lai của gã khổng lồ thương mại điện tử: "Amazon, hãy thận trọng!".

Kim Thủy (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.