Ứng cử viên được chọn giới thiệu làm đối tác với Tập đoàn Airbus trong việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ hàng không là một doanh nghiệp trẻ, thuần Việt. Đầy bất ngờ khi doanh nghiệp này mới chỉ thành lập có 7 năm.
AESC là công ty tư nhân đầu tiên tại Việt Nam được công nhận và cấp Chứng chỉ Tổ chức bảo dưỡng theo quy chế VAR Part 145.
Rất bất ngờ khi doanh nghiệp được Cục Hàng không Việt Nam lựa chọn đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải xem xét giới thiệu với Airbus trong việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ hàng không tại Việt Nam lại là một doanh nghiệp mới được thành lập cách đây chưa đầy 7 năm và 100% vốn trong nước.
Theo đó, ứng cử viên được lựa chọn để hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong việc thiết lập một trung tâm sản xuất tại Việt Nam của Airbus là Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật hàng không (AESC), có trụ sở tại Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội).
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã đánh giá khá cao năng lực của AESC, đồng thời cho rằng, việc một công ty nội địa trở thành đối tác của Airbus sẽ góp phần phát triển ngành công nghiệp hàng không Việt Nam.
Được thành lập năm 2008, AESC là công ty tư nhân đầu tiên tại Việt Nam được công nhận và cấp Chứng chỉ Tổ chức bảo dưỡng theo quy chế VAR Part 145 và Chứng chỉ Tổ chức thiết kế chế tạo theo quy chế VAR Part 21 của Cục Hàng không Việt Nam. Doanh nghiệp thuần Việt này cũng đã được trao Chứng nhận tổ bảo dưỡng theo quy chế hàng không Part145 của Cơ quan An toàn hàng không châu Âu và Cục Hàng không Liên bang Mỹ.
"Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật hàng không trở thành đối tác của Airbus sẽ góp phần phát triển ngành công nghiệp hàng không Việt Nam."
“Từ dịch vụ khởi đầu là bảo dưỡng bánh xe và cụm phanh máy bay, hiện AESC đã mở rộng dịch vụ và hoạt động trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có việc cung cấp giải pháp tổng thể về nội thất máy bay từ khâu thiết kế đến sản xuất chế tạo”, ông Trần Hải Đăng, CEO AESC giới thiệu.
Được biết, AESC muốn hợp tác với Airbus để sản xuất các bộ dây điện, thiết bị điện tử (electric harness) được lắp đặt trên dòng máy bay được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam là A320/A321.
“Đề xuất này cũng phù hợp với kế hoạch của Tập đoàn Airbus trong việc tìm kiếm đối tác thành lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam”, ông Thanh đánh giá.
Trước đó, một kế hoạch hỗ trợ Việt Nam mở rộng ngành công nghiệp hàng không tương đối đầy đặn vừa được đích thân ông Tom Enders - Chủ tịch Airbus gửi tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng
Được biết, lá thư này cũng được gửi đến Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng và Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) Phạm Viết Thanh như là sự cụ thể hóa những trao đổi giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và người đứng đầu Airbus hồi đầu tháng 7/2015 về mở rộng trao đổi công nghệ chế tạo linh kiện máy bay với các đối tác Việt Nam, thay vì chỉ dừng ở lại ở việc bán và cho thuê các tàu bay thế hệ mới.
Cụ thể, ông Tom Enders cho biết, Airbus rất sẵn lòng xem xét việc thiết lập một trung tâm sản xuất tại Việt Nam, cùng với một trong những đối tác công nghiệp lớn của Tập đoàn.
“Công ty mới thành lập này sẽ là đơn vị duy nhất trong khu vực Đông Nam Á chuyên về sản xuất bộ dây đai an toàn bằng điện được lắp trên dòng máy bay bán chạy nhất của Airbus là A320”, ông Tom Enders tiết lộ.
Airbus sẵn sàng tiến hành thảo luận với các cơ quan hữu quan tại Việt Nam để đánh giá các thông số quan trọng về tài chính, kinh tế - xã hội, cũng như đánh giá phương án kinh doanh phù hợp.
Người đứng đầu tập đoàn hàng không có vốn góp của Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Đức, trụ sở chính tại Toulouse (Pháp) cũng cho biết là sẵn sàng chuyển giao cho Việt Nam việc sản xuất những linh kiện tối tân bằng vật liệu composite của máy bay A330 và A350 XWB. Theo toán toán của Airbus, hoạt động này sẽ đem lại thêm cho Công ty Nikkiso Việt Nam một khoản doanh thu đáng kể, tới 120 triệu USD trong vòng 10 năm tới.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, kể từ khi chiếc máy bay A310 - 200 đầu tiên được Vietnam Airlines đưa vào khai thác tháng 11/1991 theo hợp đồng thuê từ Region Air (Singapore) đến nay, sau hơn 20 năm, các hãng hàng không Việt Nam đang sử dụng tới 56 chiếc A321; 31 chiếc A320; 10 chiếc A330 và 350.
“Việc hợp tác với Airbus thiết lập trung tâm sản xuất phụ kiện máy bay, cũng như cung ứng những linh kiện cho dòng máy bay Airbus mà Việt Nam đang khai thác là một cơ hội tốt để chúng ta chủ động được một số vật tư thay thế, đồng thời góp phần từng bước phát triển ngành công nghiệp hàng không nội địa”, ông Thanh đánh giá.
Anh Minh (Báo đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.