Thị trường thương mại điện tử Việt Nam vừa có thêm một tân binh đến từ Trung Quốc. Liệu đây có phải là cơn ác mộng của các doanh nghiệp Việt?

Sau khi Vancl chính thức công bố hoạt động tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử đã tự đặt câu hỏi: Vancl có thực sự đáng lo ngại với chúng ta?

Chân dung của Vancl

Vancl được nhiều người biết đến là một thương hiệu thời trang nổi tiếng của Trung Quốc. Với thế mạnh của một tên tuổi lớn, tháng 10/2007, Vancl đã nhanh chóng xâm nhập thị trường thương mại điện tử và chỉ sau 2 năm đã có những bứt phá, trở thành kênh bán lẻ trực tuyến hàng may mặc lớn nhất Trung Quốc với 28,4% thị phần. Các sản phẩm chính của Vancl.com gồm quần áo, giày dép, đồ dùng cá nhân và trang thiết bị gia đình. Với 20.000 đơn đặt hàng được hoàn thành và khoảng 50.000 chiếc quần, áo được bán mỗi ngày, sự tăng trưởng nhanh chóng của Vancl.com đã giành được sự ủng hộ của nhiều nhà đầu tư, gồm: SAIF, IDG, Ceyuan Ventures, Qiming Venture Partners và những công ty có tiềm lực tài chính và thương hiệu nổi tiếng quốc tế.

Không chỉ dừng lại ở thị trường nội địa, năm 2010, cùng với việc ra mắt website phiên bản tiếng Anh, Vancl đã chính thức đưa dịch vụ phân phối của họ ra nước ngoài để đáp ứng nhu cầu của người dùng Trung Quốc ở các nước khác. Kết quả thống kê của Vancl cho thấy, tăng trưởng kinh doanh của công ty này chủ yếu đến từ khu vực Đông Nam Á và Nga. Riêng tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đóng góp 8% tổng doanh số bán hàng ở nước ngoài của Vanc và dự kiến mức tăng trưởng doanh số trong nửa cuối năm 2012 sẽ đạt 100% so với cả năm 2011. Với những kết quả kinh doanh ấn tượng đó, việc Vancl chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên khi công ty mở rộng quy mô cũng là điều dễ hiểu. Thêm vào đó, với số lượng cư dân mạng tăng 2-3 triệu người mỗi năm, hứa hẹn sẽ là mảnh đất màu mỡ với những người làm kinh doanh của Vancl.

Vancl có thể làm được gì?

Hiện mọi hoạt động chiến lược của Vancl tại Việt Nam vẫn chưa được tiết lộ nên mọi động tĩnh của công ty này đều là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp Việt trong ngành. Theo nhận định của ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc Công ty Peace Soft, sự xuất hiện của Vancl sẽ là một mối nguy cơ lớn, đe dọa sự phát triển của các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử Việt Nam, bởi lẽ hiện nay mặt hàng thời trang chiếm 30 - 40% doanh thu của ngành. Nếu Vancl bê nguyên toàn bộ hàng hóa của Vancl.com từ Trung Quốc sang Việt Nam thì sẽ là cơn ác mộng đối với các website kinh doanh cùng ngành hàng do công ty này có lợi thế về chủng loại hàng hóa, phong phú về mẫu mã, giá cạnh tranh vì nhập trực tiếp một khối lượng lớn từ Trung Quốc.

Đánh giá về đối thủ mới, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Công ty Vật Giá cho rằng, giao diện của Vancl khá đẹp mắt, tính năng đầy đủ, thân thiện, trình độ công nghệ được thừa hưởng từ website mẹ vancl.com nên sẽ rất ổn định. Ngoài giao diện thân thiện và bắt mắt, Vancl Việt Nam đang có những chính sách bán hàng rất được lòng khách như: cho phép người mua được đổi/trả hàng trong vòng 30 ngày, miễn phí vận chuyển cho đơn hàng trên 300.000 đồng, phương thức thanh toán đa dạng (cho phép thanh toán bằng thẻ quà tặng, thanh toán bằng tài khoản ảo, thanh toán trực tiếp khi nhận hàng…). Hiện các sản phẩm của Vancl đều nhập từ Trung Quốc với mức giá đa dạng, dao động từ 100.000-500.000 đồng. Chia sẻ với báo giới, một đại diện từ Vancl cho biết, sẽ hợp tác với các nhà phân phối địa phương và thiết lập cơ sở hạ tầng như trung tâm cuộc gọi và nhà kho tại Việt Nam.

Phòng thủ và cạnh tranh cách nào?

Nếu Vancl bê nguyên toàn bộ hàng hóa của Vancl.com từ Trung Quốc sang Việt Nam, đây sẽ là cơn ác mộng đối với các website bán cùng ngành hàng
Với những ưu thế về vốn, kinh nghiệm quản lý kho vận, dịch vụ… nếu Vancl quyết tâm đầu tư mạnh mẽ và các doanh nghiệp Việt không có sự chuẩn bị thì nguy cơ thua ngay trên sân nhà sẽ là điều không tránh khỏi. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu, các doanh nghiệp vẫn đang phải mò mẫm tìm hướng đi, do đó những hạn chế về vốn, nhân lực, kinh nghiệm, vận chuyển, kho vận… là vấn đề nan giải mà hầu hết các doanh nghiệp Việt đang vấp phải. Tuy nhiên, ông chủ của Vật Giá cho rằng, nếu Vancl bê nguyên mô hình từ Trung Quốc sang thì sẽ mất thời gian để hòa nhập với thị trường Việt Nam. Đây chính là điểm yếu lớn nhất. Do đó, trong thời gian này các doanh nghiệp Việt cần củng cố, thay đổi để nâng cao hiệu quả quản lý, có những chính sách và dịch vụ tốt để giữ chân khách hàng.

Cụ thể hơn, theo ông Nguyễn Ngọc Điệp, doanh nghiệp cần tập trung vào việc khai thác nguồn hàng giá rẻ để có thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Để làm được việc này thì phải có một đội ngũ thu mua, tìm kiếm nguồn cung ở khắp nơi tại Việt Nam và thế giới. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chú ý cải tiến hệ thống logistic kho vận, hệ thống quản lý hàng hóa, đồng bộ giữa online và offline. "Nâng cấp hệ thống website để có tính năng thuận tiện cho người tiêu dùng, sử dụng công nghệ lưu trữ đám mây để người tiêu dùng có thể truy cập vào từ bất cứ thiết bị nào", ông Điệp khuyến nghị. Ngoài ra, để đề phòng trường hợp các công ty nước ngoài tung tiền đẩy giá quảng cáo trên thị trường bán lẻ cao lên, các doanh nghiệp cũng cần phát triển các kênh quảng cáo của riêng mình.

Các chuyên gia về thương mại điện tử cho rằng, hiện Vancl mới đang có những bước đi thăm dò thị trường, nhưng không vì lẽ đó mà các doanh nghiệp Việt chủ quan. Sự chuẩn bị kỹ càng sẽ là một lợi thế lớn, bởi sau Vancl, thị trường thương mại điện tử hứa hẹn sẽ còn đón thêm nhiều ngoại binh khác.

Theo Nguyễn Ngọc ( DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.