Một CEO ngoài việc đưa ra các quyết định chiến lược còn phải là gương mặt đại diện cho doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, tìm cơ hội để thâu tóm đối thủ,...

Ảnh: Shannon Fagan/Getty Images

Giám đốc điều hành (CEO) là người quản lý điều hành cấp cao nhất của một công ty và cũng là người đưa ra nhiều quyết định quan trọng của công ty.

Nhiệm vụ điều hành có thể nhiều hoặc ít tùy thuộc vào quy mô của công ty nhưng theo Thomas Smale - Người sáng lập FE International (công ty chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn mua bán và sáp nhập (M&A) cho các doanh nghiệp) về cơ bản một CEO sẽ phải đảm nhiệm 6 nhiệm vụ cốt lõi.

Quyết định hướng đi chiến lược cho công ty

Định hướng chiến lược của một công ty có thể bao gồm các giá trị, sứ mệnh, tầm nhìn, định hướng và chiến lược tổng thể. Trách nhiệm của CEO là tìm ra các mắt xích, đốc thúc triển khai các kế hoạch và giám sát hoạt động của công ty theo chiến lược tổng quát.

Giá trị cốt lõi có thể tạo ra sự khác biệt cho một công ty. Ví dụ: Adidas cam kết liên tục giữ vững hỉnh ảnh thương hiệu và sản phẩm của công ty để cải thiện vị thế cạnh tranh. Trong khi, JPMorgan Chase cam kết luôn chú trọng đến dịch vụ khách hàng và hoạt động hiệu quả của ngân hàng.

Một CEO phải xác định được đâu là điểm độc đáo trong chiêu thức bán sản phẩm/dịch vụ của công ty mình và tạo được chỗ đứng của chiêu thức đó trên thị trường. Hơn nữa, hầu hết các CEO phải có được tầm nhìn rõ ràng quan trọng đối với thành công của công ty.

Tầm nhìn này nên dựa trên đánh giá thực tế về thị trường, sự cạnh tranh và tiềm năng của công ty. Tầm nhìn cũng sẽ quyết định định hướng chung của công ty và các nguyên tắc hoạt động cốt lõi của công ty.

Là gương mặt đại diện của công ty

Một CEO thường được xem là bộ mặt của công ty. Ví dụ, khi nhắc đến Mark Zuckerberg người ta sẽ nghĩ ngay đến Facebook.

Một CEO cũng thường sẽ phải là đại diện cho công ty xuất hiện trên các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông và tham dự nhiều sự kiện.

Nhiều CEO như Mark Zuckerberg hay Elon Musk xây dựng cho mình một hình ảnh được nhiều công chúng biết đến nhưng cũng có những vị CEO anh em nhà tỷ phú Koch lại lựa chọn cách ở ẩn sau hậu trường.

Vì vậy, tùy vào hoàn cảnh, mỗi CEO sẽ phải quyết định xem việc xuất hiện nhiều trước công chúng có phù hợp với mình hay không và có ảnh hưởng như thế nào đến công ty.

Thời gian gần đây, hình ảnh và những phát ngôn trên trang cá nhân của Elon Musk có thể gây nhiều thiệt hại cho Tesla hơn là tiếng tốt mà nó có thể mang lại.

Báo cáo với hội đồng quản trị

Thông thường, trong một tập đoàn, một CEO sẽ có trách nhiệm báo cáo trước hội đồng quản trị về hoạt động của công ty và lắng nghe lời khuyên và hướng dẫn của họ. Một CEO thường được bầu ra bởi hội đồng này.

Nhưng các cuộc kiểu này cũng phụ thuộc rất nhiều vào cấu trúc của công ty. Trong một số trường hợp, khi công ty được thành lập bởi chính CEO, quyền quyết định của CEO thường rất lớn vì họ thường kiêm luôn chức chủ tịch hội đồng quản trị.

Đây là một chủ đề gây nhiều tranh cãi, vì nhiều người cho rằng vị trí chủ tịch hội đồng quản trị và CEO nên được tách biệt để giám sát công ty tốt hơn.

Phát triển định hướng nguồn nhân lực

CEO của Xerox, Dunkin 'Donuts và General Motors có điểm gì chung? Đó là tất cả họ đều được thăng chức từ vị trí phó chủ tịch cao cấp phục trách nhân sự lên vị trí CEO.

Mặc dù chiến thuật này có thể chưa phổ biến, nhưng nó có thể cho thấy sức mạnh tiềm ẩn của bộ phận nhân sự và một CEO nên chú trọng nhiều đến chiến lược về nhân sự của công ty. Một công ty sẽ chỉ thành công khi các nhân sự chủ chốt luôn có tinh thần học hỏi và phấn đấu.

Xây dựng một đội ngũ nhân viên lý tưởng là một thách thức với CEO nhưng cũng là một công việc xứng đáng. Đầu tư vào nhân viên cũng sẽ tạo ra sự khác biệt cho công ty.

Nếu bạn, với tư cách là CEO, có thể nâng cao các kỹ năng cho đội ngũ nhân viên và giữ chân họ thì không chỉ các nhân viên được lợi mà chính bạn cũng sẽ là người chiến thắng.

Tạo ra mạng lưới kinh doanh

Tạo ra một mạng lưới kinh doanh có thể phục vụ nhiều mục đích khác nhau trong một tổ chức và là một nhiệm vụ quan trọng đối với một CEO.

Công việc này có thể bao gồm việc kết nối với các nhà cung cấp, tìm kiếm các cơ hội thâu tóm doanh nghiệp khác, tham dự các sự kiện trong ngành, chia sẻ thách thức với các đồng nghiệp và cố vấn, gặp gỡ các nhà đầu tư,...

Trên hết, việc tạo ra nhiều mối quan hệ là nền tảng của phát triển kinh doanh; khả năng chia sẻ và trao đổi ý tưởng với người khác là vô giá.

Và, rất có thể làn sóng tăng trưởng tiếp theo của công ty sẽ đến từ những đột phá mà CEO đã tạo ra thông qua các mối quan hệ.

Nâng cao chuyên môn là điều rất có ích cho CEO nhưng có thể nó sẽ không thể sánh bằng những bước tiến mà CEO có thể đạt được bằng cách xây dựng các kết nối chiến lược.

Tìm kiếm cơ hội mua lại

Tăng doanh số không phải là cách duy nhất để một công ty phát triển. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã chọn cách mở rộng quy mô bằng cách mua lại các doanh nghiệp khác, chẳng hạn, Dell đã mua lại EMC với giá 67 tỷ USD vào năm 2015 hay IBM đã mua lại Red Hat với giá 34 tỷ USD vào năm 2018.

Lợi ích của việc thâu tóm các doanh nghiệp khác không chỉ là tăng số lượng nhân sự, mối quan hệ, danh tiếng, dữ liệu mà còn là quyền thâm nhập vào một phân khúc thị trường khác với các nguồn lực và tài nguyên khác.

Việc sở hữu một đối thủ cạnh tranh hoặc một doanh nghiệp trong một thị trường liên quan có thể làm tăng hiệu quả của một công ty và cho phép nó mở rộng với tốc độ nhanh chóng.

Kết luận

Mặc dù nhiệm vụ của một CEO sẽ phụ thuộc vào yêu cầu của mỗi công ty, nhưng nhìn chung điều quan trọng nhất là các CEO không nhất thiết phải quản lý ở cấp độ "vi mô". Trên thực tế, các CEO cần phải hoạt động ở tầm vĩ mô để đạt được năng suất và thực hiện đúng trách nhiệm của mình.

Điều này có nghĩa là, với tư cách là CEO, bạn luôn cần phải suy xét xem những ai là người lãnh đạo chủ chốt của công ty, họ được giao nhiệm vụ gì và làm thế nào bạn có thể trao quyền thực hiện nhiệm vụ cho họ, sau đó giám sát tiến trình thực hiện.

Kiều Châu (Bizlive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.