Trong cuộc chiến giành nhân tài, mạng xã hội đang nổi lên là kênh tuyển dụng có nhiều lợi thế cạnh tranh. Đó cũng là lý do ngày càng nhiều thương hiệu nổi tiếng tận dụng mạng xã hội để thu hút nhân tài.

Ảnh: Getty Images.

Mạng xã hội hiện nay là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng nó không chỉ là nơi để người dùng chia sẻ những thông tin, dòng trạng thái, hình ảnh,...

Với sự cải tiến của điện thoại thông minh và sự dân chủ hóa trong việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, ngày càng nhiều các thương hiệu coi đây như một kênh truyền thông, tiếp thị hiệu quả.

Theo một nghiên cứu của Globalwebindex, năm 2018, trung bình mỗi người dành 2 giờ 22 phút mỗi ngày cho các phương tiện truyền thông xã hội.

Trong cuộc chiến giành nhân tài, bất kỳ lợi thế cạnh tranh nào cũng cần được tận dụng triệt để. Mạng xã hội đã tạo ra cơ hội rất lớn cho các nhà tuyển dụng nhưng nó cũng đi kèm những rủi ro.

Để hiểu được các chiến thuật tiếp thị tuyển dụng trên mạng xã hội, bạn có thể tham khảo chiêu thức mà một số thương hiệu tài năng và sáng tạo nhất thế giới đã làm. Những chiêu thức này được chia sẻ trên chuyên trang khởi nghiệp Inc:

1. Tranh thủ nhân viên hiện tại

Vào giữa những năm 2010, L'Oreal là một trong những thương hiệu đầu tiên sử dụng trang mạng xã hội cá nhân của các nhân viên làm quản lý để giúp doanh nghiệp đăng tải thông tin tìm kiếm các ứng viên tiềm năng.

Nhóm truyền thông xã hội của L'Oreal đã tạo ra các hashtag tùy chỉnh cho nhân viên của mình, đáng chú ý nhất là hai hashtag #lifeatloreal và #lorealcommunity.

Tính đến tháng 12/2018, có 14.000 bài đăng trên Instagram sử dụng hashtag "#lifeatloreal". Đó là một chiến thuật thông minh vì nó khai thác vào thế mạnh lớn nhất của doanh nghiệp: nhân viên của chính công ty.

Hãy cân nhắc cách quảng bá nội dung truyền thông xã hội từ chính nhân viên của bạn. Việc thúc đẩy nhân viên tham gia tích cực hơn vào hoạt động nội bộ, sẽ giúp bạn có thể giữ cho các nhân viên hiện tại hài lòng và tăng khả năng kết nối.

Khi các thương hiệu tiếp thị sản phẩm cho khách hàng trên mạng xã hội, họ thường cố gắng xây dựng một câu chuyện hấp dẫn mà những người tích cực muốn tham gia. Trong tiếp thị tuyển dụng, các nguyên tắc tương tự được áp dụng: bạn đang bán công việc.

Mạng xã hội là nơi mà thương hiệu của bạn tương đối dễ dàng để thể hiện tính xác thực và cung cấp cho các ứng viên tiềm năng một cái nhìn rõ nét hơn về văn hóa doanh nghiệp.

Tuy nhiên, điều này cũng có thể gây rủi ro vì không có ai chịu trách nhiệm cho sự tiến triển của chiến lược này. Nếu không có một đội chịu trách nhiệm, sẽ không ai đốc thúc và khuyến khích các nhân viên chia sẻ các nội dung.

2. Hãy phản ứng nhanh

Dù bạn có tin hay không, Marriott có hơn 1,3 triệu người theo dõi trên trang Facebook tuyển dụng. Không những thế, cách họ tạo được lượng người theo dõi "khủng" này cũng là một câu chuyện thú vị.

Đầu tiên, Marriott sử dụng thành thạo tính năng chatbot của Facebook để đảm bảo quyền truy cập 24/7 nhằm "giúp ứng viên tìm thấy công việc mơ ước của mình, ngay trong lòng bàn tay". Cách này cung cấp cho ứng viên cơ hội để đặt câu hỏi, tìm kiếm mô tả công việc và thậm chí thực hiện các bước để ứng tuyển.

Thứ hai, Marriott đăng bài hàng ngày và chia sẻ các cá nhân tiêu biểu, cảm xúc để tạo ra cảm giác chia sẻ cộng đồng. Trang Instagram của thương hiệu khách sạn nổi tiếng toàn cầu này (có 46.500 người theo dõi) cũng truyền tải cùng thông điệp trên. Vì vậy, tất cả các thông điệp trên mạng xã hội của Marriott đều tạo cảm giác có liên quan, liền mạch và được kết nối.

Hãy thử điều chỉnh chiến lược tuyển dụng theo cách của Marriott để đạt tỷ lệ tương tác cao.

Nội dung luôn là vua, cho dù nó được tạo ra hay chia sẻ lại. Hãy cung cấp cho mọi người những thông tin họ quan tâm và bạn có thể thu hút hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội.

3. Hiển thị những gì khiến cho thương hiệu của bạn trở nên độc đáo

Starbucks đã hoàn toàn "phủ sóng" trên Instagram, với việc ra mắt hai tài khoản rất phổ biến là @starbucksjobs và @starbuckspartners.

Tài khoản đầu tiên giúp các ứng viên tìm hiểu thêm về tất cả các đặc quyền và lợi ích đi cùngkhi trở thành nhân viên của Starbucks, từ việc có thể trở thành sinh viên của Trường Cao đẳng Starbucks đến việc được hưởng các đặc quyền, thậm chí là các mẹo để trả lời phỏng vấn tuyển dụng thành công.

Trong khi đó, tài khoản thứ hai, là một trang được thiết kế dành riêng cho nhân viên hiện tại hoặc "đối tác". Với việc sử dụng hashtag #tobeapartner, Starbucks đã kêu gọi hàng ngàn nhân viên chia sẻ nội dung và nói về những gì khiến cho văn hóa của doanh nghiệp trở nên độc đáo.

Bạn có thể sử dụng các nền tảng mạng xã hội để kể câu chuyện của công ty bạn theo cách phù hợp và mang bản sắc riêng. Đừng ngại tạo các câu chuyện riêng biệt và dành tài nguyên để quản lý chúng.

Bạn không nên chỉ sử dụng một tài khoản hướng đến người tiêu dùng và lại hy vọng nó cũng thu hút được nhân tài.

Hãy đi ra ngoài, tìm nơi đối tượng mục tiêu của bạn và quảng bá trực tiếp đến họ - đừng đợi họ tìm thấy bạn. Cuộc chiến giành nhân tài rất khốc liệt và cách làm của các công ty trên chỉ là những ví dụ rất nhỏ trong cuộc chiến thu hút nhân tài thông qua mạng xã hội của các doanh nghiệp trên toàn cầu.

Kiều Châu (Bizlive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.