Hiện có hơn 1.000 sàn giao dịch BĐS lớn nhỏ đang hoạt động trên khắp cả nước. các sàn này càng có điều kiện phát triển mạnh do quy định bắt buộc các giao dịch BĐS phải thông qua sàn. Tuy nhiên qua thời gian, quy định này đã bộc lộ nhiều bất cập. Chính vì vậy, trong dự thảo Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng đã đề xuất bỏ quy định bắt buộc các giao dịch BĐS phải thông qua sàn. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, vẫn còn có nhiều ý kiến không tán đồng với đề xuất này.
Theo Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM việc bỏ giao dịch qua sàn là đúng, điều đáng tiếc là phải mất 7 năm để thay đổi một chính sách. Cái lợi trước mắt của quy định này là những sàn giao dịch chuyên nghiệp sẽ có đất để phát triển tốt hơn. Thực tế nhiều sàn vừa qua được lập ra bởi chính các chủ đầu tư. Đến nay, có bắt buộc giao dịch qua sàn hay không, chủ đầu tư cũng sẽ tiếp tục đẩy dự án phân phối qua sàn. Và như vậy những sàn chính thống sẽ vẫn sống.

Song việc dỡ bỏ này sẽ khiến các nhà phát triển địa ốc nhỏ có sàn, nhưng khi không cạnh tranh được với các sàn chuyên nghiệp về phân phối, tư vấn, môi giới… sẽ phải tự động dẹp bỏ. Tuy nhiên, ngay cả như vậy thì về lâu dài, mô hình giao dịch qua sàn chưa hẳn bền vững. Ông Châu cho biết ở Mỹ, các giao dịch đều thực hiện qua văn phòng luật sư… Việc bỏ giao dịch qua sàn sẽ giúp các chủ thể tham gia thị trường thêm quyền lựa chọn, cải thiện các thủ tục rườm rà để thị trường phát triển.

Đồng tình với ý kiến của ông Châu, ông Nguyễn Văn Bình - Khu đô thị Xa La – Hà Đông cho rằng hiện rất nhiều sàn giao dịch đang ăn chặn của dân vì vậy đề xuất không bắt buộc giao dịch BĐS qua sàn là hợp lý, góp phần giảm thủ tục, tiết kiệm thời gian, tránh được những khoản tiền chênh không đáng có cho người mua nhà. Để mở một sàn BĐS thì chỉ cần có vốn vài ba tỉ đồng, trong khi chủ đầu tư muốn làm một dự án phải có vốn vài trăm tỉ đồng.

Vì vậy, có rất nhiều chủ sàn đã không làm đúng chức năng tư vấn, mà trở thành nhà đầu tư thứ cấp, lấy hàng bán cho khách. Do đó, khách hàng mua nhà qua những sàn như thế rất mạo hiểm, vì lúc mất tiền không biết kêu ai. Các dự án ZA Vân Canh, Hesco Văn Quán của Megastar là ví dụ. Hàng chục tỉ đồng của dân đã bị chủ sàn chiếm dụng, giờ tìm đến thì sàn đóng cửa, chủ sàn cao chạy xa bay, tiền chênh, tiền cọc đều mất trắng…

Về quyết định bỏ giao dịch qua sàn BĐS ông Vũ Cương Quyết - GĐ CTCP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc đánh giá bỏ giao dịch qua sàn, chưa chắc thị trường hết “thổi” giá. Theo ông Quyết, thực tế gần đây, người dân đã tin tưởng và quen với việc đến các sàn giao dịch để tìm hiểu thông tin nhà đất, đăng ký mua bán, giao dịch. Những sàn làm việc bài bản, chất lượng uy tín, vẫn "sống khỏe".

“Theo tôi, thay vì bỏ giao dịch qua sàn, thì nên chuyên nghiệp hóa hoạt động của các thành phần: Chủ đầu tư xây dựng, phát triển dự án; Sàn giao dịch nâng cao chất lượng môi giới, làm cầu nối người dân đến với sản phẩm… Bỏ giao dịch qua sàn, chưa chắc thị trường sẽ minh bạch hơn, ai dám khẳng định sẽ không còn hiện tượng thổi, đẩy giá, ăn chênh? Mấu chốt vẫn là cơ quan quản lý cần có biện pháp siết chặt quản lý các sàn” – ông Quyết chia sẻ.

Minh Anh (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.