27/09/2013 8:00 PM
Tại hội thảo Góp ý dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) do Bộ Xây dựng tổ chức sáng nay (27/9), TS Trần Ngọc Long - Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam cho rằng, theo quy định hiện hành, đối tượng làm chủ đầu tư dự án công được quy định khá “mở”, chính quy định lỏng lẻo này bắt tay cho hiện tượng “nở rộ” nhiều cơ quan làm chủ đầu tư.

Toàn cảnh hội thảo góp ý Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi)

Luật cần quy định rõ ràng, cụ thể

Theo TS Trần Ngọc Long, mỗi chủ thể tham gia xây dựng đều phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với những sản phẩm, kết quả công việc được giao. Đối với dự án đầu tư công, Luật Xây dựng (sửa đổi) cần đưa ra những quy định rõ ràng, cụ thể về điều kiện, tiêu chí lựa chọn và hướng tới xây dựng tổ chức chuyên nghiệp làm chủ đầu tư các dự án đầu tư công tương tự như kinh nghiệm của các nước phát triển.

“Nếu làm được như vậy, trong tương lai, đất nước sẽ có một bộ máy tổ chức chuyên nghiệp, ngày càng được hoàn thiện để quản lý các dự án đầu tư công” - ông Long nhấn mạnh.

Ông Long cũng cho biết, thời gian qua và những năm gần đây, do điều kiện nguồn vốn NSNN hạn hẹp không đáp ứng yêu cầu đầu tư nên đã xuất hiện những hình loại dự án do doanh nghiệp đầu tư nhưng sử dụng vốn nhà nước hoặc tỷ trọng vốn nhà nước chiếm đa số. Về bản chất, đây là các dự án sử dụng vốn nhà nước nhưng đã được biến thể thông qua các chủ đầu tư là doanh nghiệp và hình thức thực hiện dự án là BOT, PPP hoặc BT nên mức độ quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng đều bị giảm đáng kể qua tất cả các khâu từ thẩm định, phê duyệt, dự toán đến quản lý quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng.

Một câu hỏi đặt ra, nếu vốn nhà nước là nguồn chủ đạo thì tại sao những dự án này không áp dụng các quy định về phân cấp quyết định đầu tư và chủ đầu tư tương tự như các dự án sử dụng nguồn vốn NSNN. Hoặc nếu vì các điều kiện khống chế của nhà tài trợ hay nhà cung cấp vốn mà nhà nước buộc phải giao các doanh nghiệp làm chủ đầu tư thì rất cần đưa ra các quy định trong Luật sửa đổi và hệ thống văn bản nghị định, thông tư kèm theo nhằm tăng cường trách nhiệm toàn diện của các “Cơ quan quản lý nhà nước” hoặc “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền” về chất lượng, tiến độ, giá thành của loại dự án này.

Ông Long nhấn mạnh: “Nếu những quy định này được đưa vào Luật sửa đổi sẽ khắc phục được tình trạng phổ biến hiện nay là các chủ đầu tư “hờ” sau một thời gian triển khai dự án sẽ tiến hành các hoạt động “vận động hành lang” để thay đổi các tiêu chí, kể cả tiêu chí quan trọng đã được phê duyệt trong dự án”.

Việc phân cấp quản lý là cấp thiết

Nhìn từ quy hoạch xây dựng, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cần phải thống nhất Luật Xây dựng là Luật cơ bản tác động đến các luật có liên quan về xây dựng không gian vật thể, đến khai thác tài nguyên, đất đai… đồng thời Luật Xây dựng phải là luật gốc để định hướng cho điều chỉnh những bất hợp lý của các Luật đã ban hành.

Ông Nghiêm cũng chỉ ra những tồn tại về cấu trúc, chương mục của Luật Xây dựng (sửa đổi). Ví dụ như Chương về Giấy phép xây dựng trong dự thảo Luật, ông Nghiêm cho rằng, không nên đặt giấy phép xây dựng thành chương riêng trong dự thảo.

Ông Trần Ngọc Hùng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, do dự án đầu tư xây dựng từ nhiều nguồn vốn khác nhau, số lượng dự án triển khai rất lớn nên việc phân cấp quản lý chất lượng của cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể cần được xác định rõ ràng.

“Cần quy định rõ nội dung thanh tra chuyên ngành, quyền hạn, nhiệm vụ chung về hoạt động đầu tư xây dựng với thanh tra của các Bộ, ngành được phân công. Hơn nữa, cần có các quy định chế tài, đặc biệt là chế tài xử lý vi phạm của các chủ thể, kể cả các cơ quan quản lý nhà nước liên quan” - ông Hùng nhấn mạnh.

Bổ sung nhiều điểm mới

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ khắc phục những hạn chế của Luật Xây dựng 2003, trong đó đáng chú là được bổ sung một số điểm mới như: Điều chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng; Đảm bảo các hoạt động đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch và được kiểm soát chặt chẽ trên cơ sở tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước; Kết hợp với việc xác lập quan hệ bình đẳng, phân định rõ trách nhiệm giữa các chủ thể tham gia nhằm nâng cao chất lượng xây dựng, khắc phục tình trạng thất thoát lãng phí, hiệu quả thấp, đồng thời tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng…


Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ đảm bảo các hoạt động đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy hoạch và kế hoạch

Bộ trưởng cũng cho biết, Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) còn tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng; Thống nhất quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng thông qua việc cấp giấy phép xây dựng, đảm bảo sự bình đẳng giữa các đối tượng được xét cấp giấy phép xây dựng và công khai, minh bạch về quy trình, thủ tục cấp giấy phép; Đổi mới cơ chế quản lý nhà nước về chi phí đầu tư xây dựng trên cơ sở quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư từ nguồn vốn nhà nước.

Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến đều đồng tình với những điểm mới trong dự thảo Luật, đồng thời đánh giá Dự thảo Luật bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan. Về cơ bản, nội dung Dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi.

Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng tiếp thu những ý kiến đóng góp, xây dựng Luật của các chuyên gia, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung những ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật trong thời gian tới.

Lưu Vân (Diễn đàn doanh nghiệp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.