Người thu nhập thấp vẫn khó có nhà ở do khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Ảnh: T.L.
Đi qua 2/3 quãng đường, giải ngân chỉ 1/3
Theo nhận định của HoREA, đã đi quá 2/3 chặng đường, song tới thời điểm này, gói hỗ trợ này mới chỉ đạt tỷ lệ giải ngân vỏn vẹn 26%. Riêng TP.HCM, giải ngân được 2.009 tỷ đồng có nghĩa là chỉ hơn 6,7%. Đây là con số quá khiêm tốn, quá thấp so với cam kết: 50%. HoREA cho biết, tại TP.HCM, cho đến nay chỉ có 3 DN bất động sản được giải ngân từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.
Còn theo số liệu từ Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), tính đến hết tháng 7-2015, tổng số tiền cam kết giải ngân trong gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đạt 17.045 tỷ đồng và giải ngân thực tế đạt 10.141 tỷ đồng. Như vậy, nhìn tổng thể, gói tín dụng 30.000 tỷ cho đến thời điểm này mới chỉ giải ngân được khoảng 1/3. Trong khi, nếu theo như kế hoạch đề ra, cũng chỉ còn 1/3 thời gian nữa là tới hạn phải kết thúc (31/5/2016).
Đánh giá về tác động của gói 30.000 tỷ đối với thị trường BĐS thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc gói hỗ trợ này có tốc độ giải ngân chưa được như kỳ vọng, cũng bộc lộ những khiếm khuyết về thủ tục cho vay, khiến các nhà quản lý liên tục phải vào cuộc để sửa đổi, bổ sung chính sách. Tuy nhiên, cũng cần ghi nhận gói hỗ trợ này ít nhiều đã tạo ra những chuyển biến đáng ghi nhận trên thị trường BĐS thời gian qua.
Cụ thể, nếu như thời điểm trước khi gói hỗ trợ này ra đời, thị trường BĐS hầu như không có giao dịch vì tồn quá nhiều nhà ở phân khúc cao cấp, thì sau khi nhà quản lý triển khai gói này, trên thị trường bắt đầu xuất hiện hàng loạt các dự án nhà ở thuộc phân khúc trung bình, nhà ở dành cho người thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Đáng chú ý, nhiều dự án nhà ở thương mại cao cấp cũng đã được chuyển đổi công năng, chia nhỏ diện tích để đúng với nhu cầu và thu nhập của người dân.
Bởi vậy, với thông tin về việc gói hỗ trợ này sẽ được dừng đúng thời điểm 31/5/2016 như kế hoạch ban đầu, không ít DN bày tỏ lo ngại, thị trường BĐS sẽ kém sôi động hơn, và cơ hội được sở hữu nhà ở đối với người thu nhập thấp sẽ lại quay về trạng thái “mơ hồ” như khi chưa triển khai gói 30.000 tỷ đồng.
Thông tin dự án bất động sản luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Băn khoăn
Trước những lo ngại đó, với mục đích tạo thêm cơ hội cho người thu nhập thấp có cơ hội được tiếp cận với gói tín dụng này, HoREA và UBND TP Hồ Chí Minh đã thống nhất đề xuất nên gia hạn gói hỗ trợ này thêm thời gian 60 tháng nữa. Theo đó, thay vì kết thúc vào 31/5/2016, gói này sẽ kết thúc vào 31/5/2018.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết về việc có nên kéo dài thời hạn cho vay gói 30.000 tỷ đồng hay không, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ quan điểm: Nếu đã chắc chắn không thể giải ngân đúng tiến độ và việc giải ngân diễn ra vẫn ì ạch trong suốt hai năm qua, thì việc dừng gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng theo đúng như kế hoạch là việc nên làm.
Theo ông Hiếu, thời gian qua, việc giải ngân gói tín dụng này đã vướng phải nhiều vấn đề, khiến cho cơ quan quản lý liên tục phải vào cuộc tìm giải pháp để sửa sai, để hoàn thiện chính sách với mục đích thúc gói này “đi nhanh” hơn. Chính bởi quá nhiều điểm tắc, tốt nhất nên dừng gói hỗ trợ này, và nếu muốn chúng ta có thể mở ra một gói hỗ trợ khác tương tự gói 30.000 tỷ đồng. Song, việc mở một gói mới cũng cần phải cân nhắc kỹ về phương pháp, thủ tục cho vay, do đó nhà quản lý cần phải bàn bạc lại cách thức cho vay để tránh lặp lại những bất cập như đối với gói hỗ trợ trước.
Đối với gói 30.000 tỷ đồng, phải thừa nhận, bên cạnh một số điểm đạt được đối với thị trường BĐS, thì thời gian qua gói hỗ trợ cũng nhận nhiều điều tiếng. Khi mà, theo phản ảnh của báo giới, đã có hiện tượng một số DN đã lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với gói hỗ trợ này để trục lợi. Và như vậy, không chỉ chậm chạp trong giải ngân, gây mất thời gian cho người đi vay, gói 30.000 tỷ đồng còn đang khiến dư luận mất niềm tin.
Dừng gói hỗ trợ này hay tiếp tục gia hạn? Câu trả lời phụ thuộc vào quyết định của nhà quản lý. Tuy nhiên, dù là chọn phương án nào, cơ quan quản lý cũng cần có những thay đổi trong cách điều hành, tránh tình trạng “giật cục” như đang diễn ra đối với gói 30.000 tỷ đồng khiến dư luận từ kỳ vọng trở thành thất vọng.
Từ những thông tin khó kiếm chứng rằng thị trường BĐS đã “nóng” trở lại, thì hoạt động môi giới cũng trở nên rầm rộ. Không ít “cò” đã đề nghị khách hàng đặt cọc (từ 5 triệu đồng trở lên) gọi là “phí giữ chỗ” nếu muốn mua căn hộ tại dự án cụ thể. Đây thực chất là một chiêu mà đội ngũ môi giới muốn ràng buộc khách hàng với một dự án nào đó. Sau khi cầm được “tiền cọc”, sàn môi giới bất động sản sẽ chủ động trong việc ép giá bên mua, chủ động đàm phán hợp đồng. Thậm chí, có đối tượng môi giới còn thiết kế hẳn trang web riêng với tên miền gần giống với tên dự án này để hút khách mua nhà. Theo ông Trần Ngọc Quang,-Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, người mua nhà cần tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị môi giới và chủ đầu tư xem họ có đủ điều kiện để bán nhà hay không. Sau đó, nên thẩm định lại thông tin kỹ lưỡng rồi mới đưa ra quyết định giao dịch, nhằm hạn chế tối đa rủi ro bị lừa đảo. |