21/07/2016 9:32 AM
CafeLand - Thông tin từ phiên tòa xét xử “đại án” Phạm Công Danh và Ngân hàng Xây dựng cho thấy một đại gia bất động sản khá nổi tiếng và Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai có liên quan. Bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la) Thành viên HĐQT của Quốc Cường Gia Lại bị triệu tập đến phiên tòa này.

Là một trong những ngân hàng yếu kém cần tái cấu trúc, Ngân hàng TMCP Đại Tín đã được nhóm cổ đông mới trong đó chủ yếu là liên quan đến Tập đoàn Thiên Thanh mua lại và đổi tên thành Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam (VNCB). Tưởng rằng sau khi đổi chủ và thay tên đổi họ thì ngân hàng yếu kém này sẽ dần phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, một lần nữa ngân hàng yếu kém này lại càng yếu kém hơn khi bị nhóm lãnh đạo mới này gây thất thoát 9.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm tới 18.000 tỷ đồng chỉ sau 2 năm điều hành.

Mẹ con Cường đô la

Đặc biệt theo cáo trạng tại phiên tòa có đến 2 công ty “dính dáng” đến Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai có liên quan đến hành vi vi phạm của ông Phạm Công Danh. Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư phát triển nhà Quốc Cường vay 300 tỷ đồng và Công ty TNHH Một thành viên Thương mại xây dựng đầu tư phát triển nhà Hưng Thịnh vay 450 tỷ đồng. Tổng số tiền đã giải ngân cho hai công ty này là 300 tỷ đồng. Theo cơ quan tố tụng, hai công ty này lần lượt do bà Nguyễn Thị Như Loan làm Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Quốc Cường là Chủ tịch HĐTV.

Cụ thể hơn, ông Cường đã ký biên bản họp đồng ý cho hai công ty này vay tiền tại VNCB và cử dại diện là ông Nguyễn Văn Hùng và ông Lưu Đình Phát ký kết các hợp đồng tín dụng và các hồ sơ liên quan. Theo cơ quan tố tụng, hai công ty này hoạt động kinh doanh các năm đều lỗ. Tuy nhiên, rất may cho bà Loan và ông Cường là cáo trạng của VKSND Tối cao xác định trong số này, khoản vay 300 tỷ đồng này không bị thất thoát. Do đó Cường đô la và mẹ của mình chỉ bị triệu tập để làm rõ hành vi của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc gây thiệt hại cho VNCB.

Liên quan đến Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai (QCG) trong nhiều năm qua luôn vật lộn với rất nhiều khó khăn. Dù năm nào doanh nghiệp này cũng báo cáo có lợi nhuận nhưng chỉ ở mức tượng trưng. Từ năm 2011 đến nay Công ty này hoặc thua lỗ hoặc lợi nhuận chỉ từ 2 đến vài chục tỷ đồng. Đây là con số quá nhỏ so với vốn chủ sở hữu gần 4.000 tỷ đồng và tổng tài sản gần 8.000 tỷ đồng. Hiện nay, hàng tồn kho của doanh nghiệp này lên đến hơn 5.000 tỷ đồng và nằm “bất động” trong nhiều năm qua.

Hiện nay, tổng nợ vay của QCG hơn 2.000 tỷ đồng. Gần như toàn bộ bất động sản có tên của QCG và một phần tài sản cá nhân CT HĐQT Nguyễn Thị Như Loan đang được thế chấp cho khoản vay nay. Trong những năm gần đây dự án lớn nhất của QCG là Dự án khu dân cư Phước Kiển được triển khai một cách chậm chạp. Tính đến cuối Quý 1/2016, QCG đã rót gần 4.000 tỷ vào dự án này, chiếm tới gần 50% tổng tài sản của Công ty.

Trở lại với những sai phạm của ông Phạm Công Danh, có một điểm đáng chú ý là ông Danh đã chỉ đạo định giá nâng giá các lô đất thuộc Sân vận động Chi Lăng và lô đất tại 209 Trường Chinh, TP Đà Nẵng lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo để vay. Cụ thể 2 lô đất này được VNCB định giá tới 5.000 tỷ đồng, trong khi đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định chỉ có trị giá hơn 2.600 tỷ đồng. Sau đó ông Danh chỉ đạo 15 cá nhân là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh, chuyển khoản hoặc rút tiền mặt với số tiền là 4.700 tỷ đồng để trả nợ và số tiền còn lại hơn 1.465 tỷ đồng để chi “chăm sóc khách hàng”.

Đây là những vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động cho vay tại ngân hàng. Điều đáng nói là hiện tượng này ở các ngân hàng Việt Nam không phải là hiếm. Đặc biệt, việc “đảo nợ” lòng vòng diễn ra khá phổ biến ở nhiều dự án bất động sản.

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.