Mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh vừa qua đã nhận được nhiều phản hồi đa chiều từ dư luận. Bài viết dưới đây nhìn nhận đề án dưới góc độ pháp lý.

Chính quyền đô thị là mô hình theo đó tổ chức địa bàn thành phố thành chuỗi đô thị với 13 quận nội thành là đô thị trung tâm và bốn thành phố vệ tinh (TP Đông, Tây, Nam, Bắc). Bộ máy chính quyền được tổ chức thành hai cấp.

Cụ thể là chính quyền đô thị TP.HCM gồm cấp TP.HCM trực thuộc trung ương và cấp cơ sở.

Cấp cơ sở gồm TP trực thuộc (hay thị xã), xã, thị trấn. Các đơn vị thuộc cấp cơ sở này được xác định có địa vị pháp lý như nhau và mỗi cấp cơ sở là một pháp nhân công quyền. Nghĩa là, nếu đã là cấp chính quyền thì phải có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, đề án cũng phân định rõ ba loại công vụ: loại hai cấp cùng làm ; đa số là loại công vụ từng cấp riêng rẽ và loại nhiệm vụ cấp dưới thực hiện theo cơ chế ủy nhiệm của cấp trên. Đề án này đồng thời thay đổi chức năng quản lý nhà nước của sở, ngành. Sở, ngành không chỉ tham mưu mà thực sự tham gia quản lý nhà nước.

Như vậy, với việc 4 thành phố vệ tinh được lập ra thì TP. Hồ Chí Minh sẽ hình thành “thành phố trong thành phố”. Tuy nhiên, nội dung này không được quy định trong Hiến pháp nước ta.

Để bộ máy chính quyền mới có thể đi vào hoạt động thống nhất và đồng bộ thì cần có sự điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật mới quy định rõ quyền - nghĩa vụ, trách nhiệm của hệ thống cơ quan chức năng, cán bộ công nhân viên chức.

Song song, các nhà làm luật cũng cần có phương án bãi bỏ, thay thế những văn bản quy phạm pháp luật “chênh” với cơ chế hoạt động của bộ máy chính quyền mới.

Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động của bộ máy nhà nước như Luật Tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, Luật Tố tụng hành chính, Luật Cán bộ công chức, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật… cũng có thể sẽ bị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ.

Chưa kể đến hàng loạt văn bản, quyết định hành chính do Hội đồng, ủy ban nhân dân, các sở ban ngành tại TP.HCM cũng sẽ bị ảnh hưởng một khi đề án mới này được thông qua.

Để làm được những điều này, thành phố cần thời gian chuẩn bị, kinh phí cùng một đội ngũ nhân lực giỏi để sàng lọc, đề xuất, xây dựng hệ thống văn bản mới cho sự vận hành trơn tru của bộ máy chính quyền đô thị mới.

Bên cạnh hệ thống pháp luật, các vấn đề về xây dựng cơ sở hạ tầng, đội ngũ nhân sự, địa giới hành chính, sự bất tiện ban đầu của người dân khi thích nghi với các thiết kế mới về bộ máy tổ chức quản lý, chính sách mới… là những nội dung đáng lưu ý khi xem xét tính khả thi của chế định quản lý hành chính mới này.

Doanh nhân Sài Gòn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.