Bên cạnh đó, những diễn biến sau việc ông Trầm Bê thâu tóm Sacombank làm cho thương vụ sáp nhập này trở thành một thương vụ ly kỳ và bí ẩn nhất trong giới tài chính thời gian qua.
Sau khi sáp nhập Southernbank, quy mô của Sacombank tăng lên rất mạnh. Theo báo cáo hợp nhất năm 2015 ngân hàng này có vốn điều lệ 18.852 tỷ đồng, với tổng tài sản là 292.542 tỷ đồng. So với năm trước vốn điều lệ của Sacombank đã tăng 50%, tổng tài sản tăng 60%. Hiện nay, Sacombank trở thành ngân hàng thương mại cổ phần không có nguồn gốc Nhà nước lớn nhất Việt Nam cả về quy mô vốn lẫn hệ thống mạng lưới.
Ngược lại với quy mô tăng mạnh, lợi nhuận của Sacombank năm 2015 đã sụt giảm thảm hại. Báo cáo tài chính hợp nhất của Sacombank cho thấy lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này năm 2015 đạt 1.146 tỷ đồng, giảm 48% so với năm trước. Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của Sacombank chỉ vỏn vẹn hơn 600 đồng và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ còn khoảng 5%. Đây là một kết quả kinh doanh thấp nhất trong lịch sử ngân hàng này.
Nguyên nhân chủ yếu kết quả kinh doanh kém cỏi này chính là việc dự phòng rủi ro tín dụng của Sacombank trong năm 2015 lên tới 2.132 tỷ đồng, tăng đến 1.170 tỷ đồng so với năm 2014. Tương ứng với đó là tổng nợ xấu của ngân hàng này hiện lên tới 3.448 tỷ đồng, cao hơn gần 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank cũng tăng từ mức 1,19% đầu năm lên mức 1,85% cuối năm 2015. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu này không phải là cao so với các ngân hàng khác nhưng có lẻ là mức cao nhất của Sacombank từ trước đến nay.
Tuy nhiên, điều đáng nói là con số nợ xấu của Sacombank không chỉ dừng trên các con số báo cáo mà còn tiềm ẩn dưới rất nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn ngân hàng này có tới 15.124 tỷ đồng là chứng khoán do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành và số dự phòng rủi ro khoản này lên tới 1.386 tỷ đồng, tăng gần gấp 6 lần so với cuối năm 2014. Trong thuyết minh báo cáo tài chính không nêu rõ là trong này có bao nhiêu là trái phiếu do VAMC phát hành, bao nhiêu do doanh nghiệp phát hành. Tuy nhiên, dù là trái phiếu từ đâu thì số dự phòng rủi ro lớn này cho thấy có Sacombank đang có một lượng trái phiếu “xấu” rất lớn.
Vẫn chưa dừng lại ở những con số có thể nhìn thấy được tình trạng tài chính thực sự của Sacombank có thể còn ẩn sâu trong báo cáo tài chính. Vào thời điểm công bố đề án sáp nhập Southernbank được chính thức công bố trước đó không lâu nợ xấu lên đến 52%, tức là nợ xấu của ngân hàng này lên tới hơn 20.000 tỷ đồng, trong khi đó con số công bố chính thức chỉ có khoảng 6%. Như vậy, chỉ có giải pháp thần kỳ thì nợ xấu của Sacombank mới có thể giảm xuống con số “lý tưởng” như hiện nay được.
Còn nhớ cách đây 4 năm, việc ông Trầm Bê thâu tóm Sacombank và đẩy ông Đặng Văn Thành - người đã gây dựng Sacombank ra khỏi ngân hàng này. Đây là một thương vụ về tài chính tốn nhiều giấy mực nhất của báo chí trong một khoảng thời gian dài. Vào lúc công bố đề án sáp nhập Sacombank và Southernbank không ít người cho rằng như vậy là ông Trầm Bê đã đạt được mục tiêu của mình.
Tuy nhiên, giới tài chính lại một phen không khỏi bất ngờ khi ông Trầm Bê ủy quyền không hủy ngang toàn bộ cổ phiếu của mình và người có liên quan tại Sacombank và SouthernBank cho NHNN. Trước khi ủy quyền, ông Trầm Bê và gia đình đang sở hữu 20,14% tại Southernbank và 6,89% tại Sacombank. Một thông báo mới đây cho biết NHNN đang nắm quyền chi phối khoảng 51% cổ phần tại Sacombank sau sáp nhập. Nguyên nhân là do rất nhiều nhà đầu tư liên quan đến ông Trầm Bê cũng phải ủy quyền cho NHNN do sử dụng số cổ phần này để thế chấp vay vốn ngân hàng.
Hiện nay giá cổ phiếu STB đang được giao dịch quanh mức 11.000 đồng/cổ phiếu, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng nói từ chỗ là một cổ phiếu dẫn dắt thị trường, được nhiều nhà đầu tư ưa thích với thanh khoản cao thì hiện nay STB trở thành một cổ phiếu có rất ít giao dịch. Cái tên STB chỉ còn là dĩ vãng trong giới đầu tư chứng khoán. Thời hoàng kim của cổ phiếu này đã chấm dứt và khó có cơ hội quay trở lại.