Tăng trưởng GDP và đầu tư trì trệ
Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế quý 2 đạt 5%, quý 1 đạt 4,76% và tính trong 6 tháng đạt 4,90%. Tốc độ tăng này kém xa so với mục tiêu cả năm 2013 là hơn 5,5%. Mức tăng này cũng thấp hơn cùng kỳ 3 năm trước đó. Như vậy, dù kinh tế quý 2 có cải thiện so với quý 1 nhưng hầu hết các chỉ tiêu đều tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Một chỉ tiêu khác cho thấy kinh tế vẫn hết sức khó khăn đó là tổng đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 29,6% GDP, thấp hơn rất nhiều sơ với mức 34,5% cùng kỳ năm trước và tất nhiên thấp hơn mức 40% một số năm trước đó. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư và luôn có tỷ lệ đầu tư rất cao. Việc tỷ lệ đầu tư giảm xuống dưới 30% cho thấy quá trình đầu tư trong nền kinh tế đang bị ngưng trệ.
Điểm sáng trong đầu tư là FDI đăng ký 6 tháng đầu năm đạt 10,47 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và vốn FDI giải ngân trong 6 tháng đạt 5,7 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng GDP trong những năm vừa qua
Nguồn: TCTK
Xuất nhập khẩu tăng trưởng chủ yếu nhờ khu vực FDI
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 62 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 20,9 tỷ USD, tăng 2,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 41,1 tỷ USD, chiếm 66,3% tổng kim ngạch. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh là điện thoại các loại và linh kiện đạt 9,9 tỷ USD, tăng 97%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 4,7 tỷ USD, tăng 39,3%; giày dép đạt 4,1 tỷ USD, tăng 16,4%. Ngược lại các mặt hàng nông sản như hạt điều, cafe, gạo, cao su, sắn, lạc đều giảm khá mạnh.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt 63,4 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2012, cao hơn nhiều so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2012). Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 6 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 27,7 tỷ USD, tăng 6,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 35,7 tỷ USD, tăng 27,8%. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh là hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 8,6 tỷ USD, tăng 52,3%.
Như vậy, xuất nhập khẩu trong 6 tháng vừa qua tăng trưởng khá mạnh nhưng chủ yếu là xuất khẩu của khu vực FDI với mặt hàng là linh kiện điện tử. Các công đoạn sản xuất hàng điện tử xuất khẩu thực hiện tại Việt Nam thường có hàm lượng giá trị gia tăng rất thấp nên không đóng góp nhiều cho nền kinh tế.
Như vậy, rõ ràng việc tăng mạnh của xuất khẩu không phản ánh nhiều sự tích cực nói chung của nền kinh tế. Khu vực kinh tế trong nước vẫn hết sức trì trệ và tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu đều thấp. Đặc biệt, mặt hàng chủ lực của Việt Nam là hàng nông sản đều có kim ngạch xuất khẩu giảm rất mạnh. Việc nhập siêu thấp chỉ cho thấy tình trạng tiêu dùng và đầu tư của nền kinh tế vẫn đang hết sức trì trệ.
Đối diện với nguy cơ thâm hụt ngân sách trầm trọng
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/6/2013 ước tính đạt 324,4 nghìn tỷ đồng, bằng 39,8% dự toán năm. Thu ngân sách một số lĩnh vực thu từ xuất nhập khẩu, thu từ doanh nghiệp Nhà nước giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tổng chi ngân sách Nhà nước đạt 409,1 nghìn tỷ đồng, bằng 41,8% dự toán năm.
Theo con số này thì thâm hụt ngân sách 6 tháng vào khoản 84,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,59% giá trị GDP. Thâm hụt ngân sách trở thành một vấn đề lớn đối với nền kinh tế trong thời gian tới. Với việc lương tối thiểu từ ngày 1/7 tới, dự kiến ngân sách nhà nước phải chi thêm 22 nghìn tỷ đồng làm cho việc cân đối ngân sách càng thêm khó khăn.
Trong bối cảnh nguồn thu sụt giảm toàn diện và kinh tế có chiều hướng ngày càng khó khăn sẽ làm cho triển vọng thu những tháng còn lại khó khả quan hơn. Trong khi đó Chính phủ lại chịu áp lực rất nhiều để tăng chi để để kích thích nền kinh tế. Như vậy, Chính phủ đang đứng trước những lựa chọn rất khó khăn.
Lạm phát giảm là điều tất yếu
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2013 tăng 0,05% so với tháng trước. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng ở mức nhẹ hoặc là suy giảm. CPI tháng 6 tăng 2,24% so với đầu năm và tăng 6,69% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ hàng hóa tính CPI là lương thực, thực phẩm từ đầu năm đến nay chỉ tăng 1,72% và so với cùng kỳ năm trước tăng 1,64%.
Nguyên nhân chính khiến lạm phát chỉ tăng ở mức thấp đó chính là tăng trưởng cung tiền của toàn nền kinh tế suy giảm. Tính đến giữa tháng 5, tín dụng mới chỉ tăng chưa đến 3%, còn tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 5,46%. Cùng với tăng trưởng tín dụng thấp là sức mua của toàn nền kinh tế suy giảm khá mạnh. Bên cạnh đó, thì giá cả hàng hóa thế giới trong 6 tháng vừa qua cũng liên tục suy giảm. Tất cả những yếu tố đó cộng hưởng làm đã khiến lạm phát luôn tăng ở mức thấp.
Hiện nay, Chính phủ vẫn đặt mục tiêu “phấn đấu” lạm phát cả năm tăng dưới 7%. Với xu thế hiện nay nếu không bơm tiền quá nhiều thì mục tiêu này không cần phấn đấu mà chắc chắn sẽ đạt được, thậm chí lạm phát cả năm sẽ dưới 5%. Như vậy, việc lạm phát thấp là hệ quả tất yếu của sự suy giảm kinh tế, suy giảm tăng trưởng tín dụng chứ không phải là một phép màu hay một sự thành công trong chính sách điều hành của Chính phủ như nhiều người nhầm tưởng.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Việt Nam trong những năm qua
Nguồn: TCTK
Lãi suất tiếp tục giảm
Cùng với tăng trưởng chậm lại của lạm phát trong 6 tháng vừa qua lãi suất thị trường cũng không ngừng giảm. Lãi suất cho vay từ mức 18-20% đầu năm hiện nay phổ biến mức 12-14%. Lãi suất huy động cũng giảm về mức 7-10% tùy theo kỳ hạn.
Về chính sách tiền tệ, NHNN cũng không ngừng giảm lãi suất chính sách. Hiện tại, lãi suất tái chiết khấu chỉ còn 5%, lãi suất tái cấp vốn 7%, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2009 đến nay. Bên cạnh đó NHNN cũng hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng đối với VND là 7%, ngoại tệ 1%. Điều này cho thấy NHNN gần như nới rộng chính sách tiền tệ hết cở để hạ lãi suất hỗ trợ cho nền kinh tế.
Tỷ giá tăng nguy cơ rút vốn hiện diện
Sau một năm tỷ giá khá bình yên, tỷ giá những tháng đầu năm 2013 lại có sự biến động khá mạnh. Ngay đầu năm tỷ giá đã lên cơn sốt với việc tỷ giá thị trường chợ đen lên đến 21.300 VND/USD, cao hơn tỷ giá chính thức khoảng 300 đồng. Tuy nhiên, sau đó tỷ giá bắt đầu ổn định trở lại trong tháng 3 đến tháng 5. Những ngày cuối tháng 6 vừa qua một lần nữa tỷ giá lại có sự biến động khá mạnh với việc tỷ giá trên thị trường tự do lên đến 21.400 VND/USD.
Trước sức ép đó vào cuối tháng 7 vừa qua NHNN đã nâng tỷ giá tham chiếu lên thêm 1%. Vào này 01/07, tỷ giá bình quân liên ngân hàng là 21.036 VND/USD, tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng phổ biến quanh mức 21.200 VND/USD.
Việc tỷ giá tăng nhẹ là nằm trong dự báo của nhiều người. Việc điều chính tỷ giá của NHNN sau một khoản thời gian dài giữ nguyên là điều rất thiết. Hơn nữa, trên thế giới đồng USD cũng lên giá rất mạnh so với các đồng tiền khác. Do vậy, việc điều chỉnh tỷ giá là phù hợp với xu thế chung của tỷ giá các đồng tiền khác.
Việc điều chính này cần thiết để duy trì sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, nó giải tỏa sức ép về tỷ giá trên thị trường. Khác với những năm trước, tỷ giá tăng phần lớn do mất cân đối cung cầu ngoại tệ trên thị trường bởi tình trạng nhập siêu quá lớn. Đợt tăng tỷ giá lần này sức ép thiếu ngoại tệ không lớn dù NHNN mất một lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu vàng. Tỷ giá biến động chủ yếu là do đồng USD đang lên giá quá mạnh so với các đồng tiền khác và hiệu ứng tâm lý bởi sự e ngại mất giá của tiền đồng.
Chưa thể kỳ vọng nhiều vào các chính sách
Trong 6 tháng vừa qua Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách quan trọng. Trong đó, quan trong nhất là các chính sách tại Nghị quyết 01 và 02 liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế trọng tâm là thị trường bất động sản vào tháng 1. Bên cạnh đó vào ngày 19/02/2013, Nghị quyết 01 và 02 được kỳ vọng sẽ “cứu” thị trường bất động sản để gỡ nút thắt cho nền kinh tế. Tuy nhiên, mãi đến tháng 6 vừa qua thì Chính phủ, NHNN mới ban hành một số văn bản để thực thi chính sách này. Điều này cho thấy việc triển khai chính sách rất chậm chạp. Bên cách đó việc triển khai chính sách cũng gặp phải nhiều chỉ trích khi mà gói 30.000 tỷ đồng, thực tế là việc bơm tiền vào nền kinh tế.
Một chính sách được quan tâm nhiều nhất là Chính phủ đã ban hành Nghị định 53 về việc thành lập công ty quản tài sản của các tổ chức tín dụng (gọi tắt VAMC). Việc ban hành Nghị định về VAMC sau rất nhiều lần trì hoãn và khá chậm so với kỳ vọng.
Về việc thành lập công ty xử lý nợ xấu cũng có nhiều việc đáng bàn khi mà VAMC được thành lập không thực hiện nhiệm vụ xử lý nợ xấu thực sự như một VAMC thông thường trên thế giới. VAMC xử lý nợ xấu chủ yếu bằng phát hành trái phiếu đặc biệt và nó chỉ như là một công cụ giúp NHNN bơm tiền cho các ngân hàng giải quyết thanh khoản và trì hoãn việc xử lý nợ. Với cách này thì nợ xấu sẽ không được xử lý một cách thực chất.
Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 339/QĐ-TTg về vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế. Ngày 19/06 vừa qua Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg. Theo đó, Chỉ thị nêu rõ một số nhiệm vụ trong giai đoạn 2013 – 2015 nhằm thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020.
Tuy nhiên, thực tế việc tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng gần như giậm chân tại chổ. Một tiền đề quan trọng để làm được điều này là thay đổi trong tư duy điều hành nền kinh tế, thay đổi về cách thức điều hành nền kinh tế. Tuy nhiên, cho đến nay những tiền đề quan trọng nhất cho việc tái cấu trúc thay đổi mô hình vẫn chưa hề xuất hiện. Do vậy, việc tái cấu trúc nền kinh tế gần như là không thể trong một số năm tới nến không gắn liền với các biến cố quan trọng.
Những thảo luận về việc sửa đổi Hiến pháp và Luật Đất đất đai tại Quốc hội và xã hội cho thấy vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Quốc hội trì hoãn việc thông Hiến pháp và Luật đất đai là một lựa chọn được nhiều người đồng tình. Tuy nhiên, tựu chung lại trong bản dự thảo được trình Quốc hội cho thấy vẫn còn quá nhiều quan điểm bảo thủ, tư duy lạc hậu còn đưa vào đó. Đây là một chỉ báo cho thấy việc đổi mới đất nước, đưa Việt Nam hòa nhập vào thế giới còn sẽ còn là một con đường rất xa.
Tóm lại: Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế Việt Nam đang ở mức đáy và phục hồi tốt. Trong phát biểu gần đây Thủ tướng cũng cho rằng kinh tế đang có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thực tế đốt đuốc chúng ta cũng khó tìm được điểm sáng cho nền kinh tế vào lúc này. Những nỗ lực yếu ớt của Chính phủ đi giải quyết các công việc sự vụ khó mang lại những phản ứng tích cực cho nền kinh tế trong dài hạn.