Theo dõi Kênh CafeLand TV trên

Rủi ro tiềm ẩn khi đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng Bình Thuận

11/09/2019 8:35 AM

Trong những năm gần đây, bất động sản nghỉ dưỡng ven biển Bình Thuận luôn được giới đầu tư trong Nam ngoài Bắc săn đón, đặc biệt tại các dự án biệt thự biển nghỉ dưỡng vị trí đẹp, sở hữu lâu dài,… khiến thị trường này luôn “nóng sốt”. Thế nhưng, bên cạnh những khu vực có tiềm năng sinh lời cao thì người mua cần cẩn trọng vì hiện tại nhiều doanh nghiệp có dự án bất động sản ven biển Bình Thuận phải bỏ của chạy lấy người, để cho hàng loạt resort chưa thành hình phơi nắng phơi mưa, thậm chí có những resort đã đưa vào hoạt động nhưng hiện nay không một bóng người, hoang vắng đến rợn người. Vậy nguyên nhân do đâu khiến cho hàng loạt resot rơi vào tình trạng đắp chiếu như vậy. Trong chuyên đề Cafeland TV hôm nay chúng tôi sẽ làm sáng tỏ.

Sau Mũi Né, Mũi Kê Gà từng được kỳ vọng sẽ trở thành thiên đường du lịch nghỉ dưỡng thứ hai của Bình Thuận. Thế nhưng, số phận của hàng loạt resort nghỉ dưỡng nơi đây cũng gắn liền với sự “lỗi hẹn” của dự án cảng Kê Gà.

Từ năm 2000, đón đầu xu hướng du lịch nghỉ dưỡng, nhiều nhà đầu tư đã tìm đến vùng đất ven biển Mũi Kê Gà, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận xây dựng resort. Đến năm 2007, dự án cảng biển tổng hợp Kê Gà được quy hoạch để phục vụ cho việc vận chuyển bôxit từ Tây Nguyên xuống.

Dự án cảng biển này có tổng mức đầu tư 1 tỷ USD và dự kiến sẽ thi công vào năm 2009. Để có đất triển khai dự án, hàng loạt resort nghỉ dưỡng buộc phải dừng hoạt động kinh doanh để nhường đất cho dự án.

Thế nhưng dự án cảng biển Kê Gà giậm chân tại chỗ một thời gian dài, đến năm 2013 Chính phủ yêu cầu dừng triển khai vì không hiệu quả. UBND tỉnh Bình Thuận được giao phối hợp cùng các bộ ngành giải quyết hậu quả thiệt hại cho các nhà đầu tư.

Có mặt tại Mũi Kê Gà, ám ảnh của nhóm phóng viên Cafeland TV khi đến đây là hàng loạt biệt thự, resort... nằm ven biển bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, không người trông coi. Một số dự án bắt đầu được đầu tư xây dựng trở lại nhưng chỉ nhỏ giọt, cầm chừng, lẻ loi giữa "làng du lịch ma".

Tại khu du lịch Thế Giới Xanh, tọa lạc tại mặc tiền đường ĐT719, xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, nơi từng đi vào hoạt động thì hiện nay lại u ám, hoang vắng vì chủ đầu tư đã đóng cửa khu du lịch. Các dãy nhà bên trong điểm nghỉ dưỡng này đang dần xuống cấp, những tấm la-phông đã bong tróc, nhiều hàng dừa đã chết khô. Bên trong khuôn viên dự án, cỏ dại mọc um tùm.

Cũng trong tình trạng hoang tàn, tại khu vực này còn có khu du lịch Ánh Dương Resort, Đồi Sứ Resort, khu Resort Đồi Phong Lan... hình ảnh chung tại các dự án này là các dãy nhà đã xây dựng xong phần thô nhưng bỏ hoang thời gian dài, nhiều hạng mục đã xuống cấp.

Bên cạnh những dự án bị ảnh hưởng trực tiếp từ dự án cảng biển Kê Gà, nhiều năm qua, các khu resort liền kề nằm trên trục đường ĐT719 đi qua các xã Tiến Thành thuộc TP.Phan Thiết, xã Thuận Quý và Tân Thành thuộc huyện Hàm Thuận Nam cũng rơi vào tình trạng ngừng xây dựng. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ việc nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng. Trong đó có nhiều chủ đầu tư xây dựng gần hoàn thiện, sắp đưa vào kinh doanh nhưng do thiếu vốn nên ngừng triển khai.

Còn tại Phan Thiết, với lợi thế bờ biển Mũi Né dài và đẹp, lại chỉ cách TP.HCM hơn 200km, giúp thị trường bất động sản nghỉ dưỡng biển tại khu vực này luôn sôi động và thu hút nhiều nhà đầu tư. Thế nhưng bên cạnh những địa điểm có vị trí đẹp, hút khách du lịch, tại Mũi Né vẫn còn nhiều dự án nghĩ dưỡng bị bỏ hoang, đó là các dự án nằm tại khu đô thị Long Sơn - Suối Nước.

Cụ thể, theo đề án chi tiết được UBND tỉnh Bình Thuận ban hành năm 2008, khu đô thị Long Sơn - Suối Nước có diện tích quy hoạch lên đến hơn 700 ha, sẽ là khu đô thị du lịch đa năng đầu tiên và lớn nhất Bình Thuận.

Khoảng 1/3 diện tích tại đây sẽ dành phát triển du lịch sinh thái, dã ngoại, đua ngựa trên cát và các loại hình thể thao khác. Diện tích còn lại để xây dựng hệ thống biệt thự cao cấp, biệt thự vườn, khu nghỉ dưỡng… Sự hấp dẫn của đề án đã thu hút nhiều chủ đầu tư vào kinh doanh, xây dựng

những resort nghỉ dưỡng dọc theo bãi biển. Tưởng chừng khu vực này sẽ mở ra một khu du lịch đô thị biển phát triển song song cùng “thủ đô resort” Hàm Tiến - Mũi Né, nhưng hàng loạt doanh nghiệp tại đây đành phải dứt áo ra đi khi đề án bao năm vẫn nằm trên giấy.

Theo khảo sát của Cafeland TV những ngày cuối tháng 8, dọc 2 bên đường Nguyễn Cơ Trạch và Xuân Thủy, thuộc khu đô thị Long Sơn - Suối Nước, xen lẫn với những resort đang hoạt động có nhiều resort xây dựng dở dang rồi bị bỏ hoang. Cụ thể, có những dãy nhà sắp xây dựng xong phần thô nhưng rồi bị bỏ mặc, bên trong các căn nhà cỏ dại mọc um tùm, thậm chí còn có 1 cây thông to lớn mọc ngay trong căn nhà đang xây dựng dở dang.

Đặc biệt, có những resort đã nên hình nên dáng nhưng rêu phong phủ đầy, lạnh ngắt, cô quạnh nằm khép mình bên bờ biển rì rầm sóng. Những resort bỏ hoang này tạo nên sự tĩnh lặng đáng sợ khiến du khách cũng ngại đến tham quan, nghỉ dưỡng. Thậm chí có những resort đã đi vào hoạt động nhưng do nhiều nguyên nhân, chủ đầu tư đành phải đóng cửa và bỏ hoang. Một trong số đó là khu du lịch Kim Hồng Thủy. Hiện tại, bên trong dự án này, các khu nhà đã bỏ hoang lâu năm nên bây giờ rất hoang tàn, sụp sệ, cây cối đua nhau mọc um ùm. Vì dự án bỏ hoang nên người dân đã tận dụng khu vực này để chăn thả gia súc.

Theo người dân, dự án Kim Hồng Thủy đã bỏ hoang 10 năm nay, nhiều dãy nhà bên trong dự án bị đập phá chỉ còn trơ khung, gạch và cửa kính nằm ngổn ngang. Có căn tuy chưa bị đập phá nhưng cũng đang bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, nhìn không khác gì 1 căn nhà ma. Để thuận tiện cho việc xuống biển, người dân tại khu vực này đã di chuyển xuyên qua dự án, từ đó hình thành nên 1 lối mòn xuống biển. Trước kia khu du lịch này là điểm đến nghỉ dưỡng của du khách thì bây giờ, đây là nơi tìm kiếm thức ăn của cả đàn bò này.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân khiến cho nhiều khu resort tại khu vực này rơi vào cảnh đắp chiếu như vậy là do giá thuê đất cao và tăng liên tiếp các năm sau, cộng với việc chuyển đổi 20% đất kinh doanh du lịch dưới tán rừng sang 100% kinh doanh dịch vụ du lịch đối với khu vực này để tính tiền thuê đất hàng năm là quá lớn, trong khi việc kinh doanh thì ế ẩm do lượng khách du lịch đến nghỉ dưỡng ít ỏi, chủ yếu là trong 3 tháng hè, chính những lý do trên khiến cho các doanh nghiệp không thể cầm cự nổi nên đành dứt áo ra đi.

Những năm qua, hệ thống du lịch ven biển Bình Thuận đã có những bước phát triển vượt bậc, góp phần làm thay đổi diện mạo cũng như khẳng định thương hiệu của điểm đến. Tuy nhiên, đằng sau đó để lại nhiều hệ lụy không nhỏ, bởi nhiều dự án nghỉ dưỡng đang bị bỏ hoang, gây lãng phí tiền của, ảnh hưởng chung đến sự phát triển của ngành du lịch.

Bởi vậy, trước khi đầu tư vào bất động sản ven biển, người mua cần cân nhắc và tìm hiểu kỹ lưỡng về quy hoạch, tính pháp lý và tiềm năng sinh lời của dự án để tránh rơi vào cảnh tiền mất tật mạng như những dự án bỏ hoang trên.

Minh Nhật - Hoàng Sang

CAFELAND TV

Đăng ký kênh Youtube CafeLand để theo dõi các video bất động sản mới nhất!

Mã Nhúng