Theo dõi Kênh CafeLand TV trên

Phập phồng hiểm họa cháy chung cư cũ

31/08/2019 12:22 PM

Hiện nay tại Tp HCM có rất nhiều chung cư cũ có độ tuổi từ 40 đến 60 năm đang xuống cấp trầm trọng; không đáp ứng yêu cầu về PCCC; có nguy cơ gây thương vong cao cho cư dân khi xảy ra hỏa hoạn. Cải tạo và di dời các chung cư này là điều cần thiết. Thế nhưng, cho đến nay do nhiều vướng mắc việc di dời người dân ra khỏi các chung cư cũ chờ sập này rất chậm trễ. Điều lo lắng của người dân là tình trạng cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và ai sẽ là người bồi thường thiệt hại nếu có hỏa hoạn xảy ra.

Vụ hỏa hoạn tại khu nhà tập thể - KTX Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (số 931 - 937 Trần Hưng Đạo, P.1, Q.5) xảy ra vào trưa 11.7 vừa qua là một điển hình.

Theo ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - HoREA), trong tổng số hơn 1.000 chung cư của TP.HCM, có 474 chung cư xây trước năm 1975 đã hết niên hạn sử dụng. Những chung cư này không có hệ thống PCCC; nhiều căn hộ bị cơi nới, rào chắn, không có lối thoát hiểm... nguy cơ tiềm ẩn cháy rất cao, khiến cư dân sống ở những chung cư này lo lắng.

Lo lắng, bất an, các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ muốn được di dời sớm nhưng còn vướng mắc nhiều vấn đề về đền bù cũng như chính sách tái định cư.

Công an TP.HCM cho biết, tại TP còn rất nhiều chung cư được xây khi chưa có luật PCCC nên không được thẩm duyệt, nghiệm thu về an toàn PCCC. Qua khảo sát, nhiều công trình này không đảm bảo các điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ xe chữa cháy; giải pháp ngăn cháy, lối thoát nạn, hệ thống PCCC không được duy tu; nhiều nơi tự ý xây dựng, cơi nới, lấn chiếm hành lang...

Trước thực trạng trên, nhiều người dân sống trong chung cư cũ vừa lo sợ vừa thắc mắc nếu bị thiệt hại do hỏa hoạn gây ra, ai sẽ là người bồi thường cho cư dân nhất là với những chung cư đã lâu đời như vậy? Theo luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh (Đoàn Luật sư TP HCM) về nguyên tắc, khi vụ cháy xảy ra, những cư dân bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường về thiệt hại đối với tài sản, yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, tinh thần và các khoản bồi thường khác nếu có thiệt hại trên thực tế và có căn cứ chứng minh thiệt hại mà những cư dân phải gánh chịu. Xét về trách nhiệm pháp lý, căn cứ vào từng nguyên nhân gây ra vụ cháy khác nhau mà trách nhiệm sẽ thuộc về những chủ thể tương ứng như người trực tiếp gây ra vụ cháy, chủ đầu tư, ban quản trị, ban quản lý dự án, cơ quan bảo hiểm...

Để bảo vệ mình và gia đình, nhiều người sống trong chung cư cũ đã chủ động mua bảo hiểm để đề phòng bất trắc.

Theo Nghị định 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Bên mua bảo hiểm và DN bảo hiểm triển khai bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu theo quy định. Theo quy định, đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ gồm: nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm). Số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của các tài sản trên tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Có thể thấy, việc mua bảo hiểm buộc chúng ta có ý thức hơn trong việc PCCC để tránh xảy ra cháy nổ do lỗi chủ quan con người. Người dân cần căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành và trong các điều khoản hợp đồng mua hay thuê chung cư với chủ đầu tư để ràng buộc trách nhiệm pháp lý một cách rõ ràng với cơ quan, tổ chức và nghiêm túc thực hiện, tuân thủ các quy định của pháp luật về PCCC để bảo đảm quyền lợi, sự an toàn cho mình.

CAFELAND TV

Đăng ký kênh Youtube CafeLand để theo dõi các video bất động sản mới nhất!

Mã Nhúng