02/12/2019 8:42 AM
Hơn 6 giờ sáng một ngày cuối tuần, bao phủ TP.HCM là lớp sương mù dày đặc. Dù dự báo thời tiết báo trời quang, có nắng nhưng bầu trời vẫn âm u như sắp có mưa. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được theo ứng dụng AirVisual lúc 6 giờ 30 phút sáng ở TP.HCM là mức trung bình (màu vàng) - 141.
Chỉ chưa đầy 1 giờ sau, khi xe cộ bắt đầu đổ ra đường nhiều hơn, chỉ số AQI đã nhanh chóng lên mức màu đỏ - 151. Đến khoảng 8 giờ 30 phút, mức độ ô nhiễm không khí tại TP HCM bắt đầu tăng cao – 160 và gia nhập vào danh sách 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, theo AirVisual.
Theo một chuyên gia về khí tượng, mỗi năm TP HCM có ít nhất hơn 150 ngày xuất hiện hiện tường mù quang hóa, do mức độ ô nhiễm quá sức. Trong lớp mù khô này có chứa cả kim loại nặng, bụi mịn…
Một khảo sát nhanh trên một nhóm nhỏ do phóng viên Cafeland thực hiện cho thấy, đa phần người được khảo sát đều tỏ ra quan ngại trước tình trạng ô nhiễm không khí tại TP HCM hiện nay. Tuy nhiên, không nhiều người có ý định sẽ thay đổi nơi sinh sống từ những lo ngại này.
Còn với các nhà đầu tư quốc tế? Khi đặt vấn đề ô nhiễm không khí có làm giảm sức hấp dẫn của thị trường bất động sản TP HCM, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt – Phó giám đốc bộ phận tiếp thị dự án nhà ở, CBRE Việt Nam cho rằng, tác động có thể theo chiều hướng ngược lại.
Theo ông, kẹt xe, ngập nước hay ô nhiễm không khí là những vấn đề của quá trình đô thị hóa quá nhanh. Khi chọn thị trường đang phát triển như Việt Nam, các nhà đầu tư đã xác định hạ tầng sẽ có độ trễ nhất định so với sự phát triển của các khu đô thị. Tuy nhiên, đó lại chính là nguyên nhân để họ tin tưởng thị trường sẽ còn phát triển mạnh trong tương lai. Việc đầu tư vào một quốc gia hoặc khu vực mà mọi thứ đã hình thành và ổn định, tiềm năng gia tăng giá trị sẽ không bằng những nơi đang có xu hướng phát triển mạnh.
"Bản thân CBRE khi làm việc với các nhà đầu tư đến từ các nước phát triển thì họ cũng thấy rằng, ở các nước của họ lúc còn ở giai đoạn đang phát triển thì cũng gặp những vấn đề như vậy và đến thời điểm hiện tại, nó đã được giải quyết. Do đó, họ ý thức được rằng ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, họ sẽ gặp những vấn đề liên quan đến môi trường, hạ tầng và dịch vụ chưa tương xứng. Chính vì yếu tố đó, tương lai của Việt Nam sẽ còn phát triển rất là nhiều, bởi vì chính những yếu tố đấy lại càng khiến cho khoản đầu tư của họ ở thời điểm hiện tại lại còn gia tăng hơn trong tương lai".
CAFELAND TV