29/07/2019 8:40 AM
Từ đầu năm 2019 đến nay, các ngân hàng đã giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống 40%. Hệ số rủi ro với các khoản vay bất động sản cũng nâng từ 150% lên 200%.
Do đó, đa phần các dự án được cấp tín dụng mới trong giai đoạn này đều phải đạt được những yêu cầu rất cao, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường BĐS trong thời gian qua. Còn theo đánh giá của Savills Việt Nam, việc siết tín dụng sẽ làm giảm nhu cầu thị trường, thời gian hoàn vốn dự án theo đó sẽ dài ra, buộc chủ đầu tư phải đưa ra các chính sách bán hàng tốt hơn
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam đánh giá "đối với nhà phát triển hoặc những thành phần đầu tư trên thị trường, chính sách thắt chặt vốn đổ vào cũng ảnh hưởng đến khả năng tiếp tục phát triển dự án trong tương lai, cũng như gánh nặng tài chính bổ sung. Đối với những công cụ vốn khác, phân tích vốn cho thấy rằng chính sách cũng mang ý nghĩa tích cực, trong việc điều chỉnh nguồn cầu, trong điều kiện khá thú vị ở thị trường Việt Nam là giá nhà tăng nhanh và chúng ta nên khuyến khích những chính sách nếu hiệu quả.”
Theo nhiều chuyên gia, việc siết tín dụng dù tạo áp lực cho doanh nghiệp nhưng là những áp lực lành mạnh và có tính tích cực, từ đó giúp các doanh nghiệp địa ốc có thể tự chủ động tìm kiếm được những nguồn vốn bất động sản khác thay thế cho nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Hoài Sơn – Giám đốc kinh doanh Công ty Gamiland, thắt chặt tín dụng là cách để thanh lọc thị trường bất động sản, là cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản thể hiện năng lực của mình.
Theo chuyên gia Bùi Quang Tín, doanh nghiệp có thể xem xét huy động vốn xã hội và định hướng trở thành công ty đại chúng để niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Ngoài ra doanh nghiệp địa ốc cũng có thể huy động thêm nguồn vốn FDI từ các nhà đầu tư nước ngoài để hợp tác đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án, nhằm tăng cường nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp.
CAFELAND TV