Theo dõi Kênh CafeLand TV trên

Khó đòi quyền lợi nếu mua phải dự án “ma”

30/12/2019 8:44 AM

Sau sự sụp đổ của hệ thống chân rết Alibaba, nhiều doanh nghiệp chuyên vẽ dự án, và lừa đảo chiếm đoạt tài sản người tiêu dùng cũng được nêu lên. Dự án ma là tên gọi chung của những dự án do các doanh nghiệp này vẽ lên từ đất nông nghiệp, đất quy hoạch hạ tầng công cộng hoặc đã có kế hoạch phát triển khác. Đến lúc này, nhiều người mới đặt câu hỏi: vì sao thị trường có thể tồn tại nhiều dự án ma như vậy? Và quyền lợi của khách hàng - những nạn nhân bị lừa sẽ như thế nào?

Sau sự sụp đổ của hệ thống Alibaba, đến lượt Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Angel Lina do Phạm Thị Tuyết Nhung làm giám đốc bị truy tố cùng tội danh. Trước khi bị bắt, bà Nhung cũng đã kịp lừa 200 người đầu tư mua 9 dự án do công ty này vẽ ra, với tổng giá trị khoảng 300 tỷ đồng.

Tiếp sau đó, hàng chục cái tên khác cũng được điểm mặt đặt tên là có mô hình kinh doanh “kiểu Alibaba”, như: Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Tiến Thêm, Công ty TNHH Phát triển nhà ở Nabla Land, Công ty Hoàng Kim Land, Công ty Đất Vàng Hoàng Gia…

Bên cạnh chiêu trò của các đơn vị lừa đảo, theo luật sư Phạm Ngọc Hưng – trưởng văn phòng luật sư Phạm Hưng, điểm chung của những dự án này là đưa ra cam kết hoặc vẽ ra viễn cảnh sinh lời rất cao, trong khi giá bán thấp, chỉ 200-300 triệu đồng mỗi nền, thậm chí nhà đầu tư chỉ cần trả trước tiền cọc là có thể kiếm lợi nhuận. Điều này đã đánh trúng tâm lý ham lợi nhuận cao của người dân.

Một nguyên nhân khách quan khác là việc giá bất động sản tại Việt Nam liên tục thiết lập mặt bằng mới trong những năm gần đây. Không riêng TP HCM, giá đất tại các khu vực giáp ranh đã có mức tăng cao trong thời gian ngắn, nhiều nơi có giá tăng gấp đôi chỉ trong vòng nửa năm. Một số thị trường diễn ra cơn sốt giá ảo, nhưng sau đó, giá đất có chững lại hoặc giảm đôi chút nhưng vẫn cao hơn so với giá trước thời điểm sốt đất. Thực tế này khiến nhiều người yên tâm rằng, mua đất thì không thể lỗ.

Ông Nguyễn Quốc Bảo – Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản TP HCM "Xung quanh bạn bè hàng xóm mình đều mua và có lời nếu mình mua chậm thì dở. Ai cũng muốn mình là người thông minh, ai cũng muốn mình có thu nhập tốt. Tâm lý như vậy nên dễ đi mua phải những dự án không tốt hoặc kích thích giá đi lên trong thời gian ngắn. Rồi bỏ tiền vào mà không kiểm tra pháp lý hay việc xây dựng cơ sở hạ tầng nên dễ bị mua lầm, dự án không chuẩn".

Còn theo một chuyên gia giấu tên, trong việc lộng hành của các đơn vị làm ăn không chân chính, không thể phủi bỏ trách nhiệm của các đơn vị quản lý. Bởi việc mua bán nhà đất không thể diễn ra trong bí mật. Thực tế, Alibaba nhiều lần tổ chức trót lọt những sự kiện giới thiệu dự án, thu hút hàng nghìn người tham dự. Nếu có sự kiểm soát tốt hơn từ các nhà quản lý, thì có lẽ đường dây này đã không thể lừa được nhiều người đến vậy.

Để bảo vệ quyền lợi của mình khi dính phải những dự án ma, ông Phạm Ngọc Hưng cho biết, các nhà đầu tư có thể kiện lên toà án giải quyết. Tuy nhiên, thực tế nhiều người không đòi được quyền lợi dù đã thắng kiện.

Ông Phạm Ngọc Hưng – trưởng văn phòng luật sư Phạm Hưng "Nhưng nó khó là khi toà đã xử cho mình thắng nhưng chủ đầu tư không còn tài sản để trả. Họ đem tiền đi làm chuyện khác hoặc lấy của người sau trả cho người trước, đến khi kiện ra thì không còn gì nữa. Việc thi hành án là khó khăn"

Do đó, theo luật sư Hưng, cách tốt nhất để tự bảo vệ mình là các nhà đầu tư nên chủ động trong bước lựa chọn dự án, yêu cầu các chủ đầu tư cung cấp đầy đủ giấy tờ pháp lý. Theo quy định, một dự án đất nền chỉ được mở bán khi đáp ứng các giấy tờ như phê duyệt dự án, quy hoạch chi tiết 1/500, đã hoàn thành xây dựng hạ tầng và có chứng thư bảo đảm của ngân hàng.

Với các dự án căn hộ, chủ đầu tư cũng phải cung cấp được giấy chứng nhận đủ điều kiện mở bán nhà ở hình thành trong tương lai trước khi mở bán. Trong trường hợp không thể thẩm định, các chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư nên nhờ sự hỗ trợ từ những người có chuyên môn.

Hiện nay, các luật sư theo tôi biết thì mức phí cũng thấp lắm, chúng ta không nên tiếc khoảng phí này để mua nhằm những dự án không chuẩn.

Thực tế, sau nhiều vụ doanh nghiệp bán dự án ma bị phanh phui, thị trường đất nền TP HCM và các khu vực vùng ven đã dần hạ nhiệt, sau thời gian dài liên tục sốt giá. Khảo sát của DKRA Việt Nam cho thấy, trong các tháng 7-8-9, toàn thành phố chỉ đón nhận 3 dự án đất nền mới, cung cấp khoảng 473 nền, chỉ bằng 62% rổ hàng so với cùng kỳ năm 2018. Nguồn cung mới khiêm tốn nhưng tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 75%, tức còn tồn kho 25%.

Như vậy, các khung pháp lý dù có nghiêm ngặt như thế nào vẫn sẽ có những kẽ hở bị lợi dụng. Trong bối cảnh này, khách hàng dù là người mua để ở hay nhà đầu tư đều cần cân nhắc thân trọng trước khi quyết định xuống tiền cho tài sản có giá trị lớn.

CAFELAND TV

Đăng ký kênh Youtube CafeLand để theo dõi các video bất động sản mới nhất!

Mã Nhúng