Theo dõi Kênh CafeLand TV trên

Khách hàng dự án Calla Residence vạch trần chiêu lừa đảo bán đất nền

17/09/2019 10:42 AM

Nối tiếp chuyên đề “Tiền mất tật mang khi mua dự án đất nền mập mờ pháp lý” phản ánh Công ty bất động sản Evoreal, có trụ sở tại TP.HCM mập mờ về giá bán, đưa thông tin không chính xác, hứa hẹn nhưng sau đó lại không thực hiện đúng cam kết với người mua, khiến cho người mua có nguy cơ mất trắng số tiền đã đặt cọc vào dự án Calla Residence mà công ty này phân phối. Hiện tại những nạn nhân của dự án Calla Residence đang sống trong tâm trạng như thế nào, họ phải đối mặt với những rủi ro gì. Và những nguyên nhân nào không chỉ khiến họ mà nhiều khách hàng khác vướng vào những dự án đất nền mập mờ pháp lý giống như dự án Calla Residence. Những câu hỏi trên sẽ được bật mí trong chuyên đề hôm nay.

Nhiều tháng nay, cuộc sống của gia đình chị Nguyễn Thị Hồng (tên đã được thay đổi) ngụ tại TP.HCM hoàn toàn bị xáo trộn, khi số tiền gần 400 triệu đồng từ vay mượn bạn bè và tích góp trong nhiều năm có nguy cơ bị mất trắng, do trót tin theo lời tư vấn vô cùng hấp dẫn từ nhân viên của Công ty Evoreal đầu tư vào dự án Calla Residence tại xã An Viễn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, để rồi sau đó mới ngậm ngùi phát hiện ra mình đã bị công ty Evoreal lừa.

Chị Hồng chia sẻ: “Bên nhân viên công ty Evoreal tư vấn cho tôi lô đất có giá trị 500 triệu, thì tôi thấy vừa tầm tài chính của mình, sau đó tôi đặt cọc 150 triệu để mua miếng đất. Sau khi đặt cọc thì tôi biết giá trị thật của lô đất lên đến 1,2 tỷ. Tôi có nói lô đất chênh lệch rất là cao nên tôi không mua, nhưng nhân viên bên đó không cho tôi rút cọc lại và bảo tôi thanh toán thêm 51% thì công ty sẽ hỗ trợ tôi bán lại. Sau đó tôi về vay mượn thêm tiền để thanh toán cho đủ 51%. Một tuần sau thì bên phía công ty nói chủ đầu tư không chịu đồng ý gia hạn, bắt tôi phải thanh toán thêm cho đủ 1,2 tỷ, đúng giá trị của lô đất. Việc này vượt quá khả năng tài chính của gia đình tôi.

Tôi rất là bức xúc, cảm giác như mình bị lừa vậy. Họ nói pháp lý đã có sổ đỏ rồi, 100% luôn, chỉ cần thanh toán 95% là ra sổ. Sau này về, tôi có xuống xã hỏi thì phát hiện lô đất này thuộc đất trồng cây lâu năm và chưa có quy hoạch 1/500 luôn. Có nghĩa là tự công ty lập tên dự án, tự phân lô và bán cho tôi thôi.

Lúc mà lên công ty Evoreal để mà thanh toán tiền, thì công ty có đưa ra pháp lý, tôi thấy tờ bản đồ số 6 là đúng, nhưng thửa đất lại khác. Sau khi phát hiện vụ việc thì tôi xuống chủ đầu tư để làm việc trực tiếp. Thì chủ đầu tư lại đưa ra một thửa đất khác cũng trên tờ bản đồ số 6 luôn. Và bây giờ tôi cũng không biết lô đất mình mua thuộc lô nào, thuộc thửa đất số mấy, tờ bản đồ số bao nhiêu”.

Tương tự trường hợp của chị Hồng, anh Lê Văn Sơn (tên đã được thay đổi), ngụ tại TP.HCM cũng là 1 trong những nạn nhân của công ty Evoreal. Do nhẹ dạ, cả tin nghe theo những lời đường mật của nhân viên tư vấn, anh Sơn đã đóng 100 triệu đồng tiền cọc để sở hữu 1 mảnh đất tại dự án Calla Residence, thế nhưng sau đó anh mới biết mình bị lừa. Mặc dù nhiều lần lên trụ sở của chủ đầu tư và công ty Evoreal để đòi lại tiền cọc, đồng thời gửi đơn kêu cứu nhiều nơi nhưng anh Sơn vẫn chưa thể đòi lại tiền.

Anh Sơn chia sẻ: “Những thông tin mà họ chia sẻ lúc đầu với đi xem thực tế rất khác nhau. Thứ nhất họ nói đất đã có pháp ly nhưng mà mình đi đến dự án đất vẫn chưa có pháp lý. Thứ hai là giá tư vấn là từ 5-7 triệu/m2. Nhưng khi đến thực tế lên tới 12-15 triệu/m2.

Họ nói đất đã có sổ, thực tế đất chưa có sổ, chỉ là sổ chung, thửa đất chưa phân lô, thấy không đúng với thực tế nên tôi không tiếp tục giao dịch mua bán nữa nhưng mà bên đó họ không đồng ý trả. Họ tìm mọi lý do đổ trách nhiệm cho mình, họ nói làm theo hợp đồng, nếu mà không thanh toán tiếp sẽ bị mất tiền cọc.

Rất là bức xúc vì không chỉ riêng tôi mà nhiều khách hàng khác họ cũng bị giống tôi, việc này làm ảnh hưởng đến tài sản của khách hàng. Nếu như mà không giao dịch được thì họ phải hoàn trả lại cho khách hàng nhưng họ lại có ý định chiếm đoạt luôn nên tôi không đồng ý với việc làm này của họ”.

Thời gian qua, không chỉ Đồng Nai là điểm nóng của thực trạng phân lô bán nền trái phép, khiến cho nhiều khách hàng rơi vào tình trạng tiền mất tật mang, mà tại TP.HCM, Long An, Vũng Tàu… tình trạng này cũng không kém.

Vậy, đâu là nguyên nhân khiến cho những khách hàng này sa vào cạm bẫy của những dự án phân lô bán nền trái phép và những nạn nhân của thực trạng trên đang phải đối mặt với những rủi ro gì. Để có câu trả lời cho thắc mắc trên, Cafeland đã liên hệ với luật sự Đàm Bảo Hoàng – thuộc Đoàn luật sư TP.HCM để tìm lời giải.

Theo luật sự Đàm Bảo Hoàng, rủi ro mà những nạn nhân trên gặp phải là mất tiền, rồi mất thời gian đi khiếu nại, kiện tụng để lấy lại tiền. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chính quyền buông lỏng, không kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ nên để xảy ra tình trạng như thế. Thứ hai là do các công ty, đơn vị môi giới họ đánh vào tử huyệt là lòng tham của người dân đó là hám lợi, mua rẻ. Khi mà người dân đến các công ty thì bộ phận bán hàng họ thúc người dân phải đặt cọc ngay ngày hôm nay bởi vì đất đang lên, rất nhiều người tranh mua đất này, nếu không mua ngày hôm nay sẽ không có cơ hội nữa. Đó là lý do họ đánh vào để cho người dân không có cơ hội tìm hiểu tính pháp lý của dự án.

Tiếp theo nữa là vấn đề được coi là quan trong nhất đó là việc làm này của các công ty, đơn vị môi giới đang có dấu hiệu của tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các công ty này cung cấp thông tin sai sự thật, để cho người mua hiểu đó là sự thật rồi từ đó họ đưa tiền mua. Ví dụ, các dự án này chưa được duyệt 1/500, chưa có giấy phép xây dựng, chưa được cơ quan chức năng cấp phép dự án, tóm lại là chưa có gì hết nhưng lại cho nhân viên quảng cáo rầm rộ nhưng tấc cả thông tin này đều sai sự thật, đó là dấu hiệu lừa đảo.

Thực tế, điểm chung của thực trạng trên là những chủ đầu tư, đơn vị phân phối cố tình vi phạm, nếu bị cơ quan chức năng phát hiện sai phạm thì họ chấp nhận nộp phạt với số tiền vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên mức phát này còn rất thấp so với việc mà công ty trên thu về từ khách hàng, do đó, có nhiều công ty bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục sai phạm. Do vậy, để ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền trái phép, theo luật sư Đàm Bảo Hoàng cần có những biện pháp xử lý thật nghiêm những trường hợp mặc dù biết sai vẫn cố tình sai phạm.

Cũng theo luật sư Đàm Bảo Hoàng, khi chưa tìm hiểu kỹ tính pháp lý của một dự án bất động sản mà mình muốn mua thì người dân hãy khoan làm việc đặt cọc. Sau khi tìm hiểu pháp lý thì mới đặt cọc. Người dân tìm hiểu pháp lý bằng cách đi đến xã, phường, quận, huyện để kiểm tra dự án mà mình mua như thế nào, có bị kê biên, giải tỏa, tính pháp lý ra sao, chủ đầu tư là ai… rồi kiểm tra khu vực này có được phân lô bán nền hay không, có được xây dựng nhà hay không. Nếu kiểm tra xong mà người dân chưa hiểu rõ các văn bản pháp lý này thì có thể đến công ty luật để được tư vấn. Tốt hơn nữa là người dân nên đồng hành cùng luật sư trong việc đặt cọc, nếu người dân làm chặt các điểm này thì sẽ tránh được những rủi ro khi mua phải những dự án chưa hoàn chỉnh pháp lý.

Minh Nhật - Hoàng Sang

CAFELAND TV

Đăng ký kênh Youtube CafeLand để theo dõi các video bất động sản mới nhất!

Mã Nhúng

CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.