04/10/2019 8:24 AM
Trên website của Địa ốc Alibaba đưa ra số liệu sau hơn 3 năm, Tập đoàn Địa ốc Alibaba từ 4 nhân sự ban đầu đã lên 2.506 người, vốn điều lệ từ khoảng 100 triệu đồng lên đến 5.600 tỷ đồng. Cũng theo thông báo từ website công ty thì hiện nay Alibaba có tới 48 dự án với gần 29.000 sản phẩm. Những con số này cho thấy tầm vóc của Địa ốc Alibaba là vô cùng to lớn.
Việc đăng ký vốn điều lệ rất lớn nhằm tạo lòng tin cho nhà đầu tư, nhân viên là một trong những chiêu lợi hại của Luyện. Với số vốn 5.600 tỷ đồng thì khách hàng hoàn toàn yên tâm khi đầu tư vào công ty. Không ít khách hàng đã ký hợp đồng với Alibaba vì tin tưởng vào số vốn điều lệ khủng mà Địa ốc Alibaba công bố.
Tuy nhiên, trên thực tế số vốn điều lệ của Alibaba chỉ là vốn ảo. Theo Luật doanh nghiệp thì công ty tự khai báo vốn điều lệ mà không cần phải chứng minh số vốn thực góp. Do đó đây chỉ là vốn ghi trên giấy phép đăng ký kinh doanh chứ không phải là vốn chủ sở hữu doanh nghiệp, không phải là số vốn mà cổ đông đã góp vào công ty. Do đó, còn số này thực tế không có ý nghĩa đảm bảo việc Alibaba sẽ trả được nợ cho khách hàng như trong các hợp đồng đã thỏa thuận.
Alibaba còn dẫn dụ khách hàng bằng cách cam kết lợi nhuận khủng cho người mua. Alibaba luôn tung hô khẩu hiệu “Mua gì thì lỗ, chứ mua thổ không bao giờ lỗ” rót vào tai khách hàng. Giá bán bất động sản của Alibaba chỉ bằng 50-70% giá thị trường và đồng thời cam kết thu mua lại với chênh lệch giá 30-36%/năm. Nhân viên sale của Alibaba cũng liên tục dụ khách hàng rằng tiềm năng sinh lời của bất động sản có thể 10, thậm chí 100 lần trong tương lai. Không chỉ có vậy, họ còn cam kết đất nền có sổ hồng riêng và thổ cư 100%.
Bản chất thực sự của địa ốc Alibaba
Công an TP.HCM chính thức thông tin, đến nay đủ cơ sở xác định Nguyễn Thái Luyện có vai trò cầm đầu, chủ mưu vụ án lừa đảo đình đám này. Luyện đã lập ra công ty địa ốc Alibaba và các công ty thành viên, có quy mô tổng cộng khoảng 2.600 nhân viên.
Thủ đoạn của Luyện và đồng bọn là đi thu gom 600 ha đất nông nghiệp ở nhiều tỉnh, thành cho các cá nhân đứng tên. Các khu đất này, Luyện giao cho 2 người em ruột là Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực và một số người thân khác đứng tên.
Luyện chỉ đạo nhân viên tự vẽ các khu đất nông nghiệp thành dự án khu dân cư cao cấp, thực tế là chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt dự án, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở. Đội ngũ hùng hậu Alibaba đã sử dụng nhiều kênh thông tin, rao bán các đất nền cho khách hàng từ các dự án “ma” đó.
Cho đến thời điểm trước khi Luyện bị khởi tố, địa ốc Alibaba có 40 dự án “ma” ở nhiều tỉnh thành, trong đó tại tỉnh Đồng Nai có 29 dự án, Bà Rịa - Vũng Tàu 9 dự án và Bình Thuận 2 dự án.
Tính đến ngày 30/6/2019, địa ốc Alibaba và các công ty trực thuộc đã ký hợp đồng với 6.700 khách hàng, chiếm đoạt số tiền 2.500 tỷ đồng.
Lừa đảo kiểu Ponzi
Theo điều tra của cơ quan chức năng, những lô đất trong các dự án của công ty Alibaba được chia làm 3 đợt bán. Mỗi đợt bán đều phân ra làm 2 loại khách: Nhóm 1 là khách nhận nền, nhóm 2 là khách không nhận nền mà chỉ nhận tiền lãi.
Theo đó, khi bán giai đoạn 1, số tiền bán được Alibaba chia theo tỉ lệ 30-70. Nghĩa là 30% sẽ trích ra làm hạ tầng như đường nhựa, điện đường, cây xanh... để chiêu dụ khách hàng sau này. 70% còn lại sử dụng để lãi suất và đi mua đất nông nghiệp khác để làm dự án “ma” mới.
Những người mua giai đoạn 1, được xem là những người tuyến đầu mua đất nền thông qua hình thức góp vốn với giá gốc. Sau khi có hợp đồng góp vốn, người mua giai đoạn 1 có trách nhiệm dẫn dắt người khác vào mua giai đoạn 2 để hưởng lãi suất cao.
Khi bán giai đoạn 2, Alibaba sẽ chia theo nguyên tắc 20-80. Theo đó, 20% là khách hàng chọn nhận nền đất và 80% số còn lại chọn nhận lãi suất cao lên đến 36%/năm. Ai chọn nhận lãi suất sẽ có thêm điều kiện là nền đất đó được Alibaba toàn quyền sử dụng, tức là bán lại cho người khác.
Giá bán đợt 2 là giá gốc đã bán đợt 1 + lãi suất phải trả cho khách hàng mua đợt 1 + 10% chi phí quản lý của Alibaba. Những người mua đợt 2 này đa phần là bạn bè, người thân, đồng nghiệp của người mua đợt 1.
Cũng là lô đất “ma” trong dự án đấy, Alibaba lại tiếp tục tổ chức bán đợt 3 theo nguyên tắc 30-70. Theo đó, 30% sẽ nhận đất và 70% sẽ nhận mức lãi hấp dẫn lên đến 38%/năm. Giá bán của đợt 3 tương tự như giá bán đợt 2. Những người mua đợt 3 này đa phần đều là người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người mua đợt 2 dẫn dắt vào.
Cứ như thế, Alibaba tiếp tục bán đợt 4 và cách thức được lập lại như bán đợt 2 và 3. Với phương thức bán hàng này, Alibaba ngày càng thu hút nhiều người tham gia và giá luôn tăng cao tạo ra cảm giác ai cũng có lợi nhuận.
Cho đến nay chỉ khoảng 1.000 trong số 6.700 khách hàng làm đơn tố cáo Công ty Alibaba có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Có lẽ không ít khách hàng của Alibaba vừa là nạn nhân cũng vừa là thủ phạm khi nó đã trực tiếp hoặc gián tiếp giúp Alibaba có thêm khách hàng mới là những bạn bè, người thân của mình. Do đó họ cũng sẽ khó khăn trong việc tố cao công ty mình đã đặt niềm tin.
Ắt hẳn số tiền mà nhà đầu tư thu hồi được chẳng đáng là bao bởi vì phần lớn tiền này Luyện đã trả cho nhân viên của mình, tổ chức những sự kiện hoành tráng tốn kém và chi phí cho hoạt động khác quá lớn. Những tài sản còn lại chủ yếu là những mãnh đất nông nghiệp với giá trị thấp. Ngoài ra, với những hợp đồng pháp lý lỏng lẽo thì việc lấy lại tiền chắc chắn sẽ mất không ít thời gian. Đây chính là cái giá nhà đầu tư phải trả do liều, tham, kém hiểu biết khi đầu tư bất động sản.
Minh Nhật - Hoàng Sang
CAFELAND TV