Khoảng 10 ngân hàng sẽ bị phạt vì không đưa được tỷ trọng tín dụng phi sản xuất xuống 22% đúng thời hạn 30/6. Nhưng phạt bằng cách tăng dự trữ bắt buộc có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Các ngân hàng cần thêm một lộ trình ngắn hạn.

Xử lý ngân hàng vượt tín dụng phi sản xuất, cách nào?

Hiện còn khoảng 10 ngân hàng chưa đưa được tỷ trọng tín dụng phi sản xuất về 22%


Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng TMCP than thở, thời gian qua, ngân hàng ông không dám cho vay mới đối với các món vay phi sản xuất, đồng thời tích cực đốc nợ, thu hồi các khoản nợ đến hạn. Thế nhưng, tính đến ngày 30/6, dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất của ngân hàng ông vẫn xấp xỉ 40%.


Cũng trong tình cảnh như vậy, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng TMCP khác cho biết, tính đến cuối tháng 4, tỷ lệ cho vay tín dụng phi sản xuất của ngân hàng là 38%, đến cuối tháng 5 kéo xuống còn 31%. Mặc dù rất cố gắng, nhưng đến ngày 30/6, dư nợ cho vay phi sản xuất tại ngân hàng cũng chỉ giảm xuống 25%. Theo vị lãnh đạo này, còn khoảng 10 ngân hàng chưa đưa được tỷ trọng tín dụng phi sản xuất xuống 22% vào ngày 30/6 như theo yêu cầu của NHNN.


Nhìn chung, lãnh đạo các ngân hàng cho biết, đầu tháng 3, khi Chỉ thị 01/CT-NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại phải giảm dư nợ phi sản xuất về 22% vào ngày 30/6 và 16% vào ngày 31/12 được ban hành, ngân hàng đã tuân thủ nghiêm túc yêu cầu. Cụ thể, dừng hẳn việc cho vay lĩnh vực phi sản xuất từ khi có chỉ đạo, tích cực đàm phán với khách hàng đang có dư nợ tín dụng phi sản xuất để thu hồi vốn trước hạn, tích cực phát triển tín dụng phục vụ sản xuất, xuất khẩu…


Tuy nhiên, các khoản tín dụng như chứng khoán, vay tiêu dùng thì có thể đàm phán thu hồi nợ do thời gian vay ngắn, còn tín dụng bất động sản thì "lực bất tòng tâm", bởi thời gian vay dài từ 3 - 7 năm và hiện chưa phải là thời điểm đáo hạn. Trong khi đó, gần đây nhất, người đứng đầu NHNN, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định, không giãn thời gian và những ngân hàng nào không đáp ứng được lộ trình giảm tỷ trọng cho vay phi sản xuất xuống 22% vào cuối tháng 6 và 16% vào cuối năm 2011 sẽ bị áp dự trữ bắt buộc gấp đôi như quy định đã ban hành (Chỉ thị 01).


Trao đổi với ĐTCK, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu quan điểm, thông điệp NHNN đưa ra thể hiện sự cương quyết là tốt. Nhưng các biện pháp kỹ thuật như tăng dự trữ bắt buộc gấp đôi chưa hẳn là biện pháp hay, mặc dù nó tốt ở cái nghĩa là thông điệp mạnh mẽ. Những ngân hàng có tỷ trọng cho vay phi sản xuất lớn cũng thường là những ngân hàng khá yếu về thanh khoản, do tình trạng "bóc ngắn, cắn dài". Nếu tăng dự trữ bắt buộc, các ngân hàng sẽ kém thanh khoản, cuộc chạy đua lãi suất càng ráo riết hơn, rủi ro trong toàn hệ thống lớn hơn. "Vấn đề 'cách chơi' như thế nào là một câu chuyện hoàn toàn khác", TS. Thành nhấn mạnh.


Đồng quan điểm trên, một chuyên gia ngân hàng cho biết, theo thông lệ quốc tế, việc tăng dự trữ bắt buộc không thể nào làm cho từng ngân hàng, mà phải làm đại trà. Các ngân hàng phải bình đẳng như nhau trong việc áp dụng các công cụ của hệ thống, nếu không NHNN sẽ không thể quản lý được các ngân hàng. "Tuy nhiên, một vấn đề đang được đặt ra là nếu một vài ngân hàng bị buộc tăng dự trữ bắt buộc vì không giảm tỷ trong tín dụng phi sản xuất xuống 22% thì liệu việc họ bị trừng phạt có hợp lý hay không", vị chuyên gia này nói.


Theo vị chuyên gia trên, tăng dự trữ bắt buộc có thể đưa đến các ngân hàng này phải tăng vốn huy động và do đó sẽ phải tăng lãi suất tiền gửi để thu hút khách hàng, đồng thời tăng cạnh tranh vốn huy động. Nếu tình trạng này xảy ra thì việc giảm lãi suất đầu vào càng trở nên xa vời hơn trong năm nay.


Để xử lý các ngân hàng chưa thể đưa tỷ trọng tín dụng phi sản xuất giảm theo đúng yêu cầu, để tránh "nhờn" chính sách, các chuyên gia ngân hàng cho rằng, nên đặt những ngân hàng này vào diện giám sát đặc biệt liên quan đến tất cả các chỉ số an toàn trong một thời hạn nhất định, từ nay đến cuối năm, thậm chí sang đầu năm sau. Hoặc là hạn chế việc tái cấp vốn hay hạn chế những giao dịch trên thị trường mở với những ngân hàng đó. Đồng thời, đặt ra yêu cầu các ngân hàng phải cơ cấu lại dư nợ thông qua nhiều cách khác nhau.


Về phía NHNN, cần thêm một lộ trình ngắn hạn đưa tỷ trọng dư nợ phi sản xuất xuống theo đúng yêu cầu. Bởi lẽ, tiến độ các dự án bất động sản đang được khẩn trương hoàn thiện, ngân hàng buộc phải giải ngân để hoàn thành dự án. Có như vậy mới bán được bất động sản và thu hồi được nợ, nếu không hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ phải chịu rủi ro về nợ xấu trong thời gian tới.

Theo Hồng Dung (ĐTCK Online)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0