Trong bối cảnh nguồn vốn có hạn từ các tổ chức tín dụng (TCTD), thị trường cổ phiếu gặp nhiều khó khăn thì việc huy động vốn qua phát hành trái phiếu đang dần trở thành xu hướng mới và là sự lựa chọn ưu tiên của nhiều DN lớn.
Vốn từ kênh trái phiếu

Năm 2009 Cty cổ phần Vincom thông báo đã phát hành thành công 100 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế, kỳ hạn 5 năm

Từ sau thành công của đợt phát hành trái phiếu Chính phủ VN ra thị trường quốc tế cuối năm 2005, thị trường trái phiếu DN đã có những chuyển biến tích cực.

Xu hướng mới

Trước kia, các giao dịch phát hành trái phiếu DN chỉ thưa thớt vài giao dịch quy mô nhỏ vào cuối những năm 90 và đầu năm 2000 như trái phiếu BIDV, Xi măng Hoàng Thạch, Cơ điện lạnh REE, Petrolimex VN... nhưng đến nay, số lượng và quy mô giao dịch phát hành trái phiếu của DN đã tăng đáng kể. Cụ thể: Năm 2009, có 39 giao dịch phát hành với tổng khối lượng vốn huy động đạt gần 30.000 tỉ đồng, năm 2010, có 45 giao dịch phát hành với tổng khối lượng vốn huy động đạt gần 45.500 tỉ đồng.

Ngoài ra, thị trường xuất hiện xu hướng chuyển dịch trong cơ cấu thành phần các DN phát hành trái phiếu. Nếu như tại thời điểm 2007 các DNNN chiếm 76% giá trị phát hành thì sang năm 2009 tỉ lệ này chỉ ở mức 28%, còn lại 72% trái phiếu phát hành là của các Cty cổ phần, TNHH. Đáng chú ý, các DN bất động sản nổi lên là một trong các tổ chức phát hành chiếm tỉ trọng cao với tỉ lệ lần lượt 40% năm 2009, 55% năm 2010 trong tổng số dư phát hành trái phiếu DN (không bao gồm trái phiếu của các TCTD).

Sự phát triển của thị trường đã phần nào giải quyết bài toán vốn cho một số ít DN thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, quy mô thị trường vẫn chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong GDP (khoảng 8-9% GDP), và thấp so với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Cụ thể: tại Nhật Bản giá trị thị trường trái phiếu bằng gần 200% GDP, trong khi tại Trung Quốc và Malaysia tỉ lệ này lần lượt đạt 52,4% và 81%. Trong khi đó, nhu cầu vốn đầu tư cho nền kinh tế để đáp ứng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong các năm tới cần được duy trì ít nhất tương đương khoảng 40% GDP. Như vậy, xét về nhu cầu và xu hướng, thị trường trái phiếu VN còn rất nhiều tiềm năng phát triển

Cơ hội tiếp cận

Cơ hội nào cho các DN VN tiếp cận và huy động nguồn vốn từ phát hành trái phiếu ?

Năm 2011, kinh tế VN tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như lạm phát đang ở mức cao, thâm hụt cán cân thương mại, quản lý thị trường vàng, ngoại tệ còn nhiều bất cập... Nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát , Chính phủ đang thực thi các giải pháp thắt chặt tiền tệ, tài khóa khiến nguồn vốn trên thị trường suy giảm đáng kể. Đây là giai đoạn khó khăn cho các hoạt động phát hành trái phiếu trên thị trường. Tuy nhiên, về mặt dài hạn, DN vẫn có nhiều thuận lợi để tiếp cận vốn trên thị trường trái phiếu:

Thứ nhất, hệ thống hành lang pháp lý đối với hoạt động phát hành trái phiếu của DN đã được ban hành và đang dần hoàn thiện, giúp DN có cơ sở pháp lý vững chắc để tiếp cận nguồn vốn trên TTCK.

Thứ hai, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ sự phát triển thị trường của Chính phủ, trong đó nổi bật là chính sách ổn định kinh tế vĩ mô hiện Chính phủ đang thực thi, được nhiều chuyên gia đánh giá cao và hi vọng đem lại hiệu quả tích cực trong thời gian tới.

Thứ ba, nhu cầu nắm giữ đa dạng các sản phẩm đầu tư của nhà đầu tư trên thị trường ngày càng cao nhằm gia tăng lợi nhuận và hạn chế rủi ro. Các trái phiếu của các DN lớn hoạt động hiệu quả phát hành trên thị trường thời gian quan như HUD, Vinaconex, Sông Đà, Vincom... đã thu hút sự quan tâm rất lớn của các NĐT trong và ngoài nước. Điều này chứng tỏ nhu cầu nắm giữ trái phiếu DN có chất lượng của NĐT là rất lớn.

Thứ tư, các ngân hàng thương mại và Cty chứng khoán cung ứng các dịch vụ trung gian tài chính giúp phân phối trái phiếu của DN đến tay nhà đầu tư một cách hiệu quả. Hiện nay số lượng các trung gian tài chính phát triển ngày càng nhiều trên thị trường và chất lượng dịch vụ cũng được cải thiện đáng kể, giúp DN tối thiểu hóa chi phí huy động vốn, tiếp cận đúng đối tượng nhà đầu tư và góp phần vào thành công của đợt phát hành.

Tuy nhiên, để DN tiếp cận nguồn vốn trái phiếu vẫn cần những giải pháp đồng bộ phát triển thị trường. Cụ thể là cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát và hoàn thiện đồng bộ hành lang pháp lý tạo sự phát triển cho thị trường; Ổn định kinh tế vĩ mô; Thực hiện chính sách hỗ trợ và cơ chế điều tiết thị trường linh hoạt, phù hợp với tính chất và đặc thù phát triển của thị trường; Phát triển toàn diện thị trường TPCP định hướng cho thị trường TPDN.

Mặt khác, đối với các tổ chức trung gian tài chính, các tổ chức hỗ trợ thị trường cũng cần nâng cao chất lượng nghiệp vụ trung gian tài chính trên thị trường, bao gồm các trung gian tư vấn thu xếp phát hành trái phiếu trên thị trường sơ cấp, các trung gian kinh doanh trái phiếu tạo thanh khoản trên thị trường thứ cấp. Đồng thời cần xây dựng tổ chức định hạng tín nhiệm DN chuyên nghiệp nhằm định hạng trái phiếu phát hành chuẩn mực làm cơ sở xem xét đánh giá, đầu tư; Nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của hiệp hội nghề nghiệp (VBMA), hướng tới việc xây dựng và thiết lập hệ thống hành vi ứng xử của các thành viên tham gia thị trường cũng như thông lệ phát hành trái phiếu DN chuẩn mực.

Một việc làm không kém phần quan trọng là cần phải khuyến khích sự tham gia đa dạng các đối tượng NĐT vào thị trường ngoài những đối tượng NĐT truyền thống. Đồng thời, thiết lập hệ thống nhà kinh doanh định hướng và tạo lập thị trường thứ cấp nhằm gia tăng tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu thứ cấp, giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu sơ cấp.

Những lưu ý khi DN muốn tiếp cận kênh huy động vốn từ phát hành trái phiếu

Thứ nhất, một trong những lý do chính DN ít chú ý tới kênh huy động vốn qua phát hành trái phiếu chính là nhận thức hạn chế của DN về trái phiếu và thị trường trái phiếu. Hiện nay, trong bối cảnh huy động vốn tín dụng từ các NHTM hoặc phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán gặp nhiều khó khăn, nhiều DN đã tìm đến loại hình huy động qua phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, hầu hết các DN vẫn coi trái phiếu đồng nghĩa với vay tín dụng mà không xem đó là một chứng khoán nợ trên thị trường vốn, do đó, trái phiếu dường như chưa phát huy hết lợi thế của nó.

Thứ hai, cần nâng cao, đổi mới tư duy quản lý DN và sử dụng vốn có hiệu quả. Sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả là bài toán nan giải đối với hầu hết các DN VN. Chính vì thế mà VN bị đánh giá là quốc gia có hệ số ICOR (hệ số đánh giá đầu tư của nền kinh tế) thuộc loại cao. Điều này gây lo ngại lớn đối với các nhà đầu tư khi xem xét đầu tư trái phiếu DN. Do đó, DN cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn để tạo được niềm tin cho NĐT; bảo đảm an toàn tài chính; yêu cầu các DN phát hành trái phiếu phải tuân thủ theo chuẩn mực kiểm toán VN và quốc tế; đầu tư đổi mới công nghệ, các số liệu phải được hạch toán kịp thời, chính xác với thực trạng và DN

Thứ ba, công khai, minh bạch thông tin tổ chức phát hành. Việc phát hành trái phiếu yêu cầu DN phải thực hiện công bố thông tin minh bạch và chính xác về tình hình hoạt động, tình hình tài chính, kế hoạch và chiến lược cụ thể của doanh nghiệp trong tương lai,... Chính vì vậy, các NĐT thường đánh giá cao các DN đã có thông tin tín dụng/tín nhiệm trên thị trường, đã từng huy động trên thị trường vốn hoặc có quan hệ tín dụng tại chính các tổ chức tín dụng. Do đó, những DN có mức độ minh bạch càng cao thì thu hút sự quan tâm của NĐT càng lớn.

Thứ tư, yêu cầu định hạng tín nhiệm tổ chức phát hành. Một trong những yếu tố quan trọng để nhà đầu tư xem xét, quyết định đầu tư trái phiếu chính là định hạng tín nhiệm của Tổ chức phát hành. Đây là một khác biệt lớn giữa trái phiếu và tín dụng, nếu như việc xem xét cấp tín dụng phụ thuộc vào việc xem xét đánh giá hiệu quả dự án sử dụng vốn, dòng tiền DN thì việc đầu tư trái phiếu chủ yếu dựa vào uy tín của DN căn cứ vào định hạng tín nhiệm của Tổ chức phát hành. Theo thông lệ quốc tế, chỉ những DN có định hạng tín nhiệm mới có thể phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, hiện phần lớn các DN VN chưa có thói quen với việc định hạng tín nhiệm nên đã hạn chế rất nhiều đến khả năng thu hút sự quan tâm của NĐT, đặc biệt các NĐT nước ngoài đối với trái phiếu phát hành.
Đỗ Ngọc Quỳnh
Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu VN,
Giám đốc Ban Vốn & Kinh doanh vốn,
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN
Theo DDDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0