Tỷ lệ tiền nhà ở tính trong tiền lương quá thấp, trong khi giá nhà ở đứng ở mức cao khiến đại bộ phận người lao động khó có thể tự tạo chỗ ở. Để người lao động có chỗ ở, Bộ Xây dựng cho rằng cần minh bạch hóa thị trường, dùng công cụ thuế để điều tiết, đồng thời có chính sách hỗ trợ cho từng đối tượng cụ thể.
Người lao động hưởng lương khó tạo lập chỗ ở

Nhiều dự án nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp đã được hoàn thành đưa vào sử dụng. Ảnh: Linh Tâm


Kể từ khi bỏ chế độ phân phối nhà ở và thực hiện đưa tiền nhà ở vào tiền lương, Nhà nước hầu như không bố trí ngân sách để đầu tư phát triển nhà ở. Chỉ một số ít đối tượng được ở nhà công vụ hoặc được cơ quan, đơn vị cấp đất làm nhà ở; còn phần đông cán bộ, công chức và người hưởng lương phải tự lo nhà ở. Chính sách này khắc phục tình trạng bao cấp về nhà ở nhưng vẫn chưa bảo đảm công bằng. Những người đã được phân phối nhà ở vẫn tiếp tục được hưởng khoản tiền nhà tính trong tiền lương. Trong khi đối với người chưa được phân phối nhà, tiền nhà ở trong tiền lương lại quá thấp so với giá nhà ở trên thị trường. Nếu năm 1993 khi thực hiện cải cách tiền lương, với mức lương tối thiểu là 120.000 đồng/tháng, tiền nhà ở được tính là 9.000 đồng, chiếm tỷ lệ 7,5%, thì hiện nay mức lương tối thiểu tăng lên 730.000 đồng/tháng mức tiền nhà ở trong tiền lương cũng chỉ là 54.750 đồng/tháng.

Mặc dù Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách tăng nguồn cung về nhà ở cho thị trường, song do chưa đồng bộ, nên giá nhà ở luôn tăng cao, vượt quá khả năng về tài chính của một bộ phận lớn dân cư. Hiện nay, xét chỉ số giá nhà/thu nhập của người dân, Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực. Cụ thể, chỉ số này ở Việt Nam từ 24,5 đến 26,6, trong khi ở khu vực Nam Á là 6,25; Đông Á: 4,14; châu Phi: 2,21; châu Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ: 6,25; Mỹ La tinh và Caribê: 2,38. Theo tính toán của Liên hợp quốc, chỉ số giá nhà/thu nhập của người dân khoảng 3-4 là hợp lý. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hầu hết những người làm công ăn lương đều không thể mua được nhà ở, nhất là người dân tại các đô thị lớn.

Cần phải minh bạch thị trường

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Huế... vẫn còn 7% nhà đơn sơ, tương ứng với hơn 1,6 triệu căn hộ; hơn 10% tổng số căn hộ có diện tích dưới 30m2, trong đó tỷ lệ căn hộ có diện tích quá chật hẹp dưới 15m2 còn chiếm 2,38% (riêng khu vực đô thị là 4,0%). Tỷ lệ nhà ở có diện tích rộng từ 60m2 trở lên chiếm 51%, nhưng thực tế số hộ gia đình có diện tích nhà ở chật chội dưới 15m2 hầu như không giảm trong 10 năm qua (vẫn chiếm khoảng 14%) cho thấy hiện tượng có một nhóm đối tượng có điều kiện kinh tế khá giả có sở hữu nhiều nhà ở với diện tích rộng. Thực tế này đã gia tăng chênh lệch về điều kiện ở giữa các tầng lớp dân cư, kéo giãn khoảng cách giàu - nghèo, ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Nguyên nhân làm cho thị trường nhà ở mất ổn định, giá leo cao là do thiếu minh bạch, Bộ Xây dựng đề xuất nghiên cứu, bổ sung quy định thông báo công khai thông tin, lấy ý kiến góp ý của người dân có liên quan quá trình triển khai thực hiện dự án phát triển nhà ở (gọi đầu tư, lựa chọn nhà thầu; lập, phê duyệt quy hoạch và dự án; xây dựng; giao dịch...) trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các trụ sở cơ quan nhà nước để người dân dễ tiếp cận, kiểm tra, giám sát các dự án nhà ở. Đồng thời, thực hiện chế tài không đăng ký quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đối với các bất động sản không giao dịch đúng theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, Bộ Xây dựng cho rằng cần điều chỉnh tăng thuế nhà đất nhằm khuyến khích sử dụng có hiệu quả BĐS và hạn chế đầu cơ. Có thể đánh thuế lũy tiến với các trường hợp sử dụng nhiều nhà, đất hoặc có sở hữu nhà ở với quy mô lớn. Đồng thời, quy định sử dụng một tỷ lệ nhất định thuế sử dụng đất (khoảng 50%) để hỗ trợ cho những người bị thu hồi đất nông nghiệp trong một thời gian nhất định (10-15 năm) để họ có điều kiện chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, nên giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi bán nhà để hạn chế thất thu, nhưng sẽ quy định áp mức thuế TNCN cao hơn nếu cá nhân mua bán nhà ở trong thời gian ngắn (1-2 năm).

Ngoài ra, mỗi đối tượng có khó khăn về nhà ở sẽ có chính sách hỗ trợ riêng, trong đó đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách, gặp khó khăn về nhà ở được giải quyết theo hướng Nhà nước đầu tư hoặc khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội để cho thuê; phát triển nhà ở giá thấp (có diện tích trung bình và nhỏ) để bán trả dần. Người mua, thuê nhà ở giá thấp được vay vốn ưu đãi. Quan trọng hơn, cần từng bước điều chỉnh cơ cấu tiền lương và thu nhập theo hướng bổ sung chi phí nhà ở để cán bộ, công chức, viên chức có đủ khả năng tự giải quyết chỗ ở của mình.

Tag: nguoi lao dong, bat dong san, huong luong, ti le tien nha, chinh sach,....
Cafeland.vn - Theo Hà Nội mới
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland