03/01/2011 9:13 AM
2010 là năm được coi là nhiều biến động của ngành xây dựng. Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 gây ra nhiều tranh cãi trong giới kiến trúc sư, người dân và thu hút được sự quan tâm của khá nhiều chuyên gia, báo chí. 2010 cũng được coi là năm của thị trường bất động sản khi người người, nhà nhà đều có nhu cầu về đất ở.

Quy hoạch hay “bánh vẽ”?

Sau khi có triển lãm về Quy hoạch Hà Nội 2030 – 2050, đa phần người dân khi tham dự, đều tin rằng Trung tâm hành chính dự kiến sẽ chuyển về chân núi Ba Vì. Buổi triển lãm thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người dân, trong đó chiếm phần lớn là giới đầu cơ bất động sản.

Khi thông tin về Quy hoạch Hà Nội 2030 – 2050 bắt đầu rò rỉ ra cũng là lúc giá đất ở khu vực Ba Vì, Quốc Oai, Xuân Mai… tăng chóng mặt. Dạo quanh một vòng 5 khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh và Sóc Sơn, đâu đâu cũng thấy các văn phòng nhà đất mọc lên san sát. Từ bà bán nước, anh buôn trứng cũng trở thành những “cò đất” chuyên nghiệp, biết săn đón khách từ ngay đầu làng, báo cho người ở giữa làng để dẫn khách đi mua.


Khi thông tin về Quy hoạch Hà Nội 2030 – 2050 bắt đầu rò rỉ ra cũng là lúc giá đất ở khu vực Ba Vì, Quốc Oai, Xuân Mai… tăng chóng mặt.

Giá đất ruộng tăng lên. Những ngôi làng quê ven Hà Nội không còn bình yên khi nườm nượp các xe ô tô sang trọng ào ạt về mua đất. Ở Ba Vì, anh đào vàng hết thời về làng trở thành "đại gia" khi nhanh tay ôm rất nhiều ruộng đất để bán với giá cả chục tỷ cho dân thành phố.

Ở huyện Quốc Oai, người buôn trứng bỗng nhiên có vài trăm triệu trong tay khi giao dịch thành công một suất đất ngay dưới chân cây cầu vượt vào làng mà anh miêu tả “như một thắng cảnh”. Chưa bao giờ, đất ruộng ven đô lại có giá chóng mặt 150 triệu/ mét dài.

Đất ở Ba Vì tăng chóng mặt. Người ta tranh cướp nhau để mua những mảnh đất không có giấy tờ, nhưng có thế “tựa sơn đạp thủy”. Thậm chí, ngay cả khi “cò đất” còn chưa chỉ được trung tâm hành chính nằm chính xác chỗ nào ở chân núi Ba Vì, chỉ biết chỉ “đằng xa kia kìa” thì tiền vẫn được trao cả cục. Nhiều người dân còn liều mình vay ngân hàng vài tỉ để đầu tư mạnh tay cho tương lai.

Ngày 15/6, trước phiên họp toàn thể tại Hội trường thảo luận về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân nêu rõ, phải hiểu rằng toàn bộ Thủ đô Hà Nội (theo ranh giới hành chính) là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia của cả nước. Do vậy, không có khái niệm Trung tâm Hành chính quốc gia cho một địa điểm hoặc một khu vực nào đó trong Thủ đô và càng không thể có chuyện “dời đô”.

Vậy là, giới đầu tư chỉ còn biết âm thầm khóc. Đất Ba Vì, Quốc Oai ồ ạt hạ giá. Người ta lại đua nhau bán tống bán tháo mà chẳng ai mua. Kể cả đến khi Hà Nội đã đồng thuận với Bộ Xây dựng về trục Hồ Tây - Ba Vì, do đó nhiều khả năng trục này sẽ thành hiện thực thì giới đầu cơ vẫn thở dài “không thể tin vào bánh vẽ”.

Theo một số người, quy hoạch mới chỉ là... quy hoạch. Các nhà đầu tư bất động sản đủ rút được nhiều bài học từ đợt sốt đất Ba Vì trước đó. Giờ họ đủ "tinh khôn" để biết rằng, cần một thời gian rất lâu nữa để những "thế mạnh" trên thành hiện thực. Có lẽ vì thế nên hiện nay, trên khắp các website mua bán bất động sản, đất biệt thự, nghỉ dưỡng ở khu vực Ba Vì được rao bán khá nhiều, nhưng lại không có khách.

“Ôm đất theo quy hoạch công bố kiểu này chẳng khác gì ôm bom ba càng!” – một người chuyên đầu cơ bất động sản đã phải thốt lên như vậy trên một website mua bán.

Phát khóc vì nhà ở thu nhập thấp

Từ các năm trước, dự án nhà ở cho người thu nhập thấp đã rậm rịch công bố khắp nơi. Người dân khấp khởi mừng thầm vì trong tương lai sẽ có nơi ăn chốn ở để “an cư lạc nghiệp”. Nhưng đến năm 2010, khi dự án nhà ở cho người thu nhập thấp đầu tiên CT1 Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông, Hà Nội) đã chính thức tiến hành bốc thăm quyền mua căn hộ cho những cá nhân có hồ sơ đủ điều kiện, thì cơn sốt nhà ở thu nhập thấp mới chính thức “bốc” lên.

Cuối tháng 11, nhà ở thu nhập thấp Ngô Thì Nhậm mới được bốc thăm. Nhưng tràn ngập trên các website giao dịch bất động sản từ mấy tháng trước đó, nhiều người đã rao bán suất nhà ở chung cư này với giá chênh hàng trăm triệu đồng. Nhiều người cả tin đã giao cả hồ sơ, tiền bạc mình có cho những người này để rồi khóc òa khi ông Đặng Hoàng Huy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai (chủ đầu tư) cho biết, ngày 24/11, công ty mới tổ chức bốc thăm công khai. Tất cả các trường hợp rao bán căn hộ với giá chênh hàng trăm triệu đồng đều là lừa đảo.



Người thu nhập thấp lại được lần nữa phải nức nở khi chứng kiến cảnh những người cùng xếp hàng với mình toàn đi xế hộp đắt tiền. Người nghèo cho rằng, hình như mình đang bị đối xử bất công?

Rồi đến ngày nộp hồ sơ xét duyệt, hàng nghìn người đã đổ về khu chung cư của Công ty Vinaconex Xuân Mai (thị trấn Xuân Mai, Hà Nội) cùng bộ hồ sơ trong tay với hy vọng được sở hữu 1 trong 328 căn hộ dành cho người thu nhập thấp. Trong khi đó, người thu nhập thấp lại được lần nữa phải nức nở khi chứng kiến cảnh những người cùng xếp hàng với mình toàn đi xế hộp đắt tiền. Người nghèo cho rằng, hình như mình đang bị đối xử bất công?

Sau rất nhiều ngày chờ đợi, đến sáng 24/11, chủ đầu tư Dự án nhà ở cho người thu nhập thấp đầu tiên CT1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông, Hà Nội đã chính thức tiến hành bốc thăm quyền mua căn hộ cho những cá nhân có hồ sơ đủ điều kiện. Xếp hàng từ 3,4h sáng, mang theo bánh mỳ để có sức ăn mà chờ bốc nhà thu nhập thấp, những người đủ điều kiện và bốc được nhà đã bật khóc nức nở vì sung sướng.

Họ hạnh phúc, vì biết rằng, giấc mơ có một nơi ăn chốn ở sẽ thành hiện thực chỉ trong hơn một tháng nữa.

Và trong những người khóc òa tại buổi bốc thăm hôm ấy, còn có những giọt nước mắt tiếc nuối và mệt mỏi vì một lần nữa, giấc mơ có nhà ở lại trượt ra khỏi tầm tay của họ.

Người dân đang chờ đợi, với nhiều dự án nhà ở, trong năm 2011, nhu cầu thiết yếu của họ sẽ trở thành hiện thực, khi giá nhà sẽ không còn cao ngất ngưởng như năm qua.
Cafeland.vn - Theo Vietnamnet
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland