Trong vòng 3 năm tới, cứ 5 ngày Trung Quốc sẽ lại hoàn tất việc xây dựng một tòa cao ốc mới. Con số ước tính này cho thấy phần nào làn sóng xây dựng cao ốc được xem là lớn nhất trong lịch sử, đang diễn ra tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Được soạn thảo bởi "Motian City", một trang web của những người mê cao ốc Trung Quốc, bản Báo cáo danh sách các thành phố cao ốc Trung Quốc 2011 cho thấy Trung Quốc đại lục và hòn đảo Đài Loan đang có trong tay 10 tòa cao ốc với chiều cao lớn nhất thế giới.

Mỗi năm xây dựng một thành phố Chicago mới

Những cao ốc này gồm Taipei 101 nằm ở Đài Bắc, hiện đứng ở vị trí số 2 thế giới, với chiều cao 509m. Tiếp đó là tháp Trung tâm Tài chính Thế giới (ITC) Thượng Hải, 492m (thứ 3), Trung tâm Thương mại Quốc tế Hong Kong, 484m (số 4), và tháp Citic Plaza, Quảng Châu, cao 391m (số 9).

Hiện Trung Quốc chưa có kế hoạch nào trong việc đánh bại kỷ lục tòa nhà cao nhất thế giới, công trình Burj Khalifa, với chiều cao 828m ở Dubai. Nhưng đến năm 2015, Trung Quốc sẽ chiếm lấy vị trí số 2 và số 3 với tháp Thượng Hải cao 632m và Trung tâm Greenland ở Vũ Hán, cao 606m. Tốc độ xây dựng rất nhanh của Trung Quốc cũng cho thấy trung tâm kinh tế toàn cầu đang dần chuyển sang phương Đông, với việc nước này chiếm gần nửa trong số 50 cao ốc trên thế giới sẽ hoàn tất trong vòng 6 năm tới.

Trung Quốc: Cao ốc mọc lên, kinh tế đi xuống
Vô số các cao ốc đang thi nhau mọc lên với tốc độ nhanh chưa từng thấy tại nhiều đô thị lớn của Trung Quốc như thành phố Thượng Hải

Hiện Trung Quốc có hơn 200 cao ốc đang được xây dựng. Đây là những công trình có chiều cao hơn 152m. Con số 200 có nghĩa lượng cao ốc ở Trung Quốc sẽ tương đương với tổng lượng cao ốc của Mỹ. Trong vòng 5 năm tới, báo cáo nói rằng Trung Quốc sẽ có 800 cao ốc.

Nếu tốc độ phát triển kinh tế của nước này tiếp tục theo quỹ đạo hiện nay, mỗi năm cho tới tận năm 2030, họ có thể xây dựng cả một thành phố Chicago mới, tức khoảng 1.500 tòa nhà mới có chiều cao hơn 30 tầng. Đây là con số được đưa ra trong báo cáo 'China's cities in the Sky' (tạm dịch Các thành phố Trung Quốc hướng tới trời cao) do công ty tư vấn McKinsey & Co công bố hồi đầu năm.

Phô trương

Tuy nhiên nghiên cứu Motian cũng cảnh báo về mối nguy hiểm của các dự án "voi trắng", ám chỉ tới những cao ốc mà các chính quyền địa phương xây dựng để khoe khoang và để chứng tỏ họ đã đạt mức đô thị chuẩn quốc tế. Nó cho thấy các cao ốc Trung Quốc hiện nằm dưới sự sở hữu của phần lớn các nhà phát triển bất động sản, không giống với Mỹ, nơi 2/3 các cao ốc thuộc sở hữu của nhiều công ty lớn trong các lĩnh vực tài chính, hóa dầu, xe hơi, cảng biển và hàng không. Việc đa số cao ốc nằm trong tay các công ty phát triển bất động sản có thể làm tăng nguy cơ bị thao túng giá và bong bóng nhà đất.

Báo cáo cũng cảnh báo mức độ nguy hiểm của việc đầu tư quá mức vào thị trường bất động sản Trung Quốc. Nó chỉ ra vài thành phố như Côn Minh, Nam Kinh, Đông Quan, đã lên kế hoạch xây cao ốc trong khi thực sự không có nhu cầu cấp thiết phải sử dụng tới chúng.

Trong một ví dụ rõ nhất, thành phố cảng Phòng Thành ở tỉnh Quảng Tây hiện cũng đang có kế hoạch xây dựng tháp Trung tâm Tài chính Quốc tế (IFC) châu Á cao 527m, tức còn lớn hơn cả tòa nhà IFC ở Thượng Hải, dù dân số thành phố chỉ chưa đầy 1 triệu người.

Ngày càng nhiều các nhà phân tích đã cảnh cáo rằng làn sóng bùng nổ xây dựng ở Trung Quốc đang được tiếp sức bởi việc cho vay vốn quá dễ từ chính quyền địa phương ở nước này. Trong các hợp đồng cho vay vốn, người ta thường dựa vào giá trị ước tính của lô đất để cấp vốn cho vay và nếu bong bóng bất động sản xì hơi, đó sẽ là thảm họa với mọi bên.

Thế giới đã có nhiều bài học về mối liên hệ giữa làn sóng bùng nổ xây cao ốc và các cuộc sụp đổ kinh tế, gần đây nhất là làn sóng xây nhà ở Dubai và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. "Liệu có phải Trung Quốc đang thổi bong bóng bất động sản" - nhà phân tích Andrew Lawrence ở công ty tư vấn Barclays Captial đánh giá - "Trong vòng 140 năm qua, đã có một mối quan hệ không lành mạnh giữa việc xây các tòa nhà cao nhất thế giới và nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính. New York trong năm 1930, Chicago 1974, Kuala Lumpur 1997 và Dubai 2010. Cần nhớ rằng việc bùng nổ xây dựng các tòa cao ốc luôn đi kèm với sự điều chỉnh đi xuống về mặt kinh tế".

Theo Gia Bảo (TT & VH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0