“Hành chính hóa các công cụ thị trường” là bài học sâu sắc trong điều hành tiền tệ mà ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, người trả lời phỏng vấn TBKTSG dưới đây, rút ra khi nhìn lại một trong những vấn đề được quan tâm nhất của kinh tế vĩ mô là tỷ giá.

TBKTSG: Chính phủ đã tuyên bố đến Tết không điều chỉnh tỷ giá. Tuyên bố này liệu có tiếp tục có hiệu lực sau Tết không, thưa ông?

- Ông Lê Xuân Nghĩa: Chính phủ đã nhấn mạnh năm 2011 sẽ ổn định kinh tế vĩ mô với hai trụ cột: ổn định giá và giảm dần lãi suất. Điều này cho phép dự đoán Chính phủ sẽ đặt tỷ giá hối đoái trên nền tảng căn bản là ổn định. Nếu có điều chỉnh sẽ linh hoạt theo biến động thị trường. Như vậy khó có thể nói lúc nào là mốc điều chỉnh.

TBKTSG: Từ trước đến nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn nói điều chỉnh tỷ giá linh hoạt theo thị trường, nhưng năm qua sự linh hoạt tỏ ra thiếu vắng?

- Theo tôi, chính sách tỷ giá lúc này cần toàn diện và đồng bộ hơn. Trước hết phải điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc của tiền gửi nội tệ và ngoại tệ ở mức chênh lệch hợp lý theo hướng dự trữ bắt buộc ngoại tệ phải cao hơn nội tệ. Mức chênh lệch hợp lý này sẽ giúp tăng uy tín cho đồng nội tệ và giảm áp lực điều chỉnh tỷ giá.

Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi ngoại tệ phải thật thấp trong tương quan với tiền gửi nội tệ. Trái lại, lãi suất cho vay ngoại tệ phải thật cao. Tiếp đến NHNN có thể can thiệp thị trường hối đoái ở vai trò người mua - bán cuối cùng để cân đối cung cầu và khi cần thiết có thể điều chỉnh linh hoạt.

TBKTSG: Như vậy, theo ông đâu là vấn đề cốt lõi của tỷ giá hiện nay? Lãi suất, dự trữ bắt buộc hay là cán cân thương mại?

- Tôi dự đoán năm 2011 cán cân thanh toán tổng thể có thể cân bằng hoặc thâm hụt không đáng kể. Nếu không tính cái gọi là “sai sót” trong cán cân thanh toán quốc tế, thì tổng thu ngoại tệ so với tổng chi của Việt Nam đều dương. Năm 2009, dương 4 tỉ đô la Mỹ, nhưng sai sót 12,8 tỉ nên cán cân thương mại âm 8,8 tỉ đô la Mỹ. Năm ngoái dương 6 tỉ đô la Mỹ, sai sót đã giảm mạnh nên thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể chỉ còn 2,5 tỉ đô la Mỹ. Nếu sai sót tiếp tục giảm, năm nay cán cân tổng thể có khả năng cân bằng.

TBKTSG: “Sai sót” là từ đâu ra, thưa ông?

- Nhiều chuyên gia cho rằng sai sót phần lớn là do nhập khẩu vàng, cả chính thức và phi chính thức. Áp lực chủ yếu lên tỷ giá không phải từ cán cân thanh toán, mà chủ yếu từ lạm phát, tâm lý thiếu niềm tin vào đồng Việt Nam và một phần là do cách thức điều hành tỷ giá cả về liều lượng, thời điểm và trí tuệ quản lý.

TBKTSG: Đang có ý kiến phải khôi phục lại một số chính sách để tỷ giá linh hoạt thực sự, không phải linh hoạt “giật cục” như cho phép giao dịch qua một ngoại tệ thứ ba, cho phép mua bán hoán đổi, kỳ hạn, tương lai… Ông có đồng ý với kiến nghị này?

- Cơ chế tỷ giá hiện hành có vẻ đã lạc hậu so với sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào thương mại và tài chính toàn cầu. Trong trung hạn chúng ta nên chuyển sang cơ chế tỷ giá “thả nổi” có kiểm soát thay cho cơ chế “neo có biên độ” như hiện nay.

TBKTSG: Năm năm trước chúng ta đã từng thực thi cơ chế tỷ giá thả nổi có kiểm soát, thưa ông?

- Đúng thế. Việc cho phép sử dụng các công cụ phái sinh như hoán đổi (swap), kỳ hạn (forward), tương lai (futures), quyền chọn (option) nghiễm nhiên trở nên cần thiết khi đa dạng hóa đồng tiền thanh toán và đặc biệt khi thực hiện cơ chế thả nổi có kiểm soát. Việc cho phép giao dịch qua một ngoại tệ thứ ba là một vấn đề khác.

Cách làm này nhằm “lách” quy định cứng về tỷ giá và trần của nó một khi áp lực vượt trần đã quá căng thẳng. Chính xác là lợi dụng quy định tỷ giá chính thức và trần chỉ áp dụng cho đô la Mỹ, mà không khống chế đối với các ngoại tệ khác. Trong nhiều trường hợp, đây là lối thoát của ngân hàng và doanh nghiệp khi tỷ giá đã qua kịch trần, có thể giải quyết bằng con đường này.

TBKTSG: Năm ngoái tăng trưởng tín dụng ngoại tệ rất cao. Ông có nghĩ rằng sự đột biến đó đã và đang ảnh hưởng đến tỷ giá?

- Tăng trưởng tín dụng ngoại tệ quá cao vừa qua phản ánh sự bất hợp lý của hệ thống lãi suất nói chung và chênh lệch lãi suất nội - ngoại tệ nói riêng. Đây có thể coi là bài học đáng tiếc về điều hành lãi suất và tỷ giá. Hậu quả nhãn tiền là áp lực về cầu ngoại tệ khi các khoản vay đáo hạn. Các ngân hàng thường chỉ cho vay ngoại tệ với các nhà xuất khẩu cam kết bán lại ngoại tệ cho ngân hàng khi thu tiền về. Tuy nhiên, nhiều nhà nhập khẩu cũng tham gia vào quá trình này.

TBKTSG: Mới đây Tổng công ty xăng dầu Petrolimex cho biết năm 2010 họ gửi ngân hàng đến 5.000-6.000 tỉ đồng, nhưng ngân hàng không có ngoại tệ bán cho họ và họ bắt buộc phải vay hàng trăm triệu đô la Mỹ. Không phải nhà nhập khẩu nào cũng muốn vay ngoại tệ?

- Vấn đề là họ đã vay. Điều này dẫn đến hai rủi ro đáng lo ngại: rủi ro hối đoái và rủi ro tích tụ nợ xấu. Như tôi đã nói, tháo gỡ bây giờ là phải áp dụng đồng bộ các công cụ dự trữ bắt buộc, lãi suất, can thiệp tỷ giá để thu hẹp tỷ giá chính thức và thị trường tự do. Nếu năm nay không giải quyết thành công vấn đề này, thì đô la hóa sẽ trầm trọng thêm.

TBKTSG: Nhìn lại năm qua, tín dụng tăng trưởng gần 30%, tổng phương tiện thanh toán cũng tăng tới 25% nhưng lãi suất vẫn cao, các cơn sốt tỷ giá, giá vàng xảy ra không chỉ một lần. Thưa ông, thực tế đó giúp chúng ta rút ra bài học gì trong xây dựng và điều hành chính sách tiền tệ?

- Tôi chia sẻ cái nhìn năm 2010 tỷ giá, lãi suất, giá vàng căng thẳng. Đáng ngại nhất là lãi suất trở nên méo mó. Lãi suất tiền gửi không còn phân biệt rủi ro theo kỳ hạn, kỳ hạn ngắn lãi suất lại cao hơn kỳ hạn dài. Lãi suất cao công khai và chi phí ngầm khá phổ biến. Nó cho thấy điều hành chính sách tiền tệ còn có vấn đề mà bài học sâu sắc là hành chính hóa các công cụ thị trường. Bài học này cần phải được rút kinh nghiệm.

Cafeland.vn - Theo TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland