Các chuyên gia kinh tế, nhà văn hóa… hiến kế cho ý tưởng xây dựng TP Đà Nẵng ngang tầm với các TP phát triển của khu vực ASEAN và châu Á vào năm 2030.

Sự giàu có về vật chất phải gắn với sự phát triển về đời sống tinh thần; phải lấy người dân làm vị trí trung tâm của sự phát triển; biết tập hợp, sử dụng tài năng; phát triển nhưng không làm mất đi hoặc biến dạng hệ sinh thái… Hàng loạt đề xuất của các chuyên gia để Đà Nẵng thành “TP sống tốt” tại hội thảo “Xây dựng Đà Nẵng ngang tầm với các TP phát triển của khu vực ASEAN và châu Á” ngày 5-3.

Phát triển kinh tế trên nền tảng văn hóa

Tiến sĩ Trần Du Lịch khái quát: Phát triển một đô thị sống tốt là đề cập đến sự phát triển hài hòa, bền vững với mục tiêu cuối cùng là đời sống cư dân khá giả hơn, sống thoải mái hơn, hạnh phúc hơn cả về vật chất lẫn tinh thần ở mức hưởng thụ cao. Cơ sở vật chất tiên tiến, hiện đại và quan hệ giữa người với người tốt đẹp, mọi cá nhân có cơ hội phát triển như nhau.

“Với thực tiễn và tiềm năng, điều kiện của mình, Đà Nẵng nên đặt mục tiêu trong 20 năm tới phải thật sự là một trong những TP hiện đại, phát triển nhanh và năng động nhất khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương, thành một trong các đô thị sống tốt nhất khu vực châu Á” - ông Lịch nói.

Với ý tưởng trên, nhiều ý kiến đề xuất: Muốn thành “TP sống tốt”, Đà Nẵng phải phát triển bền vững: Kinh tế tăng trưởng liên tục và ổn định. Tăng trưởng kinh tế phải gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người dân thông qua các tiêu chí về sự hài lòng của người dân về dịch vụ đô thị, dịch vụ công.

alt

TS.KTS Trương Văn Quảng: việc mở những tuyến đường đô thị quá lớn và đi quá gần mép biển đã tạo nên sự ngăn cách giữa biển với công trình. trong ảnh: Đường Nguyễn Tất Thành mở quá sát mép biển Đà Nẵng. Ảnh: Hải Châu

“Để phát triển bền vững, mọi kế hoạch, chương trình, mục tiêu phải chứa đựng cả ba mặt: kinh tế, văn hóa-xã hội và môi trường. Phát triển kinh tế phải hài hòa với phát triển văn hóa-xã hội. Đặt người dân Đà Nẵng vào vị trí trung tâm của sự phát triển. Sự giàu có về vật chất phải đi liền với sự phát triển tương xứng về đời sống tinh thần!” - TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc VN, đánh giá: Hiện Đà Nẵng chỉ mới phát triển kinh tế còn văn hóa thì chưa phát triển tương xứng. Đà Nẵng chỉ có nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, việc biểu diễn cũng chỉ “qua loa, không có ấn tượng” thì làm sao “địch” nổi với nhiều TP hấp dẫn khác ở Đông Nam Á và châu Á? “Đà Nẵng cần đầu tư hơn nữa cho văn hóa để tạo nền tảng cho kinh tế phát triển” - giáo sư đề nghị.

Biết tập hợp và sử dụng tài năng

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, nói: Khoảng bốn năm trước, tôi có đợt công tác cả tháng tại Đà Nẵng. Tôi thấy TP cố gắng rất nhiều để phát triển nhưng sức cuốn hút lao động, nhà đầu tư vẫn chưa như mong muốn. Tỉ lệ tăng dân số cơ học của Đà Nẵng không mạnh. Muốn TP Đà Nẵng phát triển hơn, phải hội tụ cho được nguồn lực lao động, tìm cách để các nhà đầu tư chọn Đà Nẵng làm nơi dừng chân thì mới có cơ hội phát triển.

“Thời gian qua, Đà Nẵng mới làm được việc là tạo cơ sở hạ tầng đô thị tốt nhưng chưa tạo được việc làm, thu nhập cao. Vì thế, cư dân, lao động từ các nơi chưa hội tụ. Người ta phải cân nhắc đến đây có tìm được việc hay không, thu nhập như thế nào? Nếu chúng ta phát triển “nóng” đô thị dựa theo chủ quan mà không dựa vào những yếu tố khách quan, không có lợi thế cho con người thì chắc chắn không ai đến đấy cả!” - GS Đặng Hùng Võ cảnh báo.

Ông cho rằng trước khi hướng đến một TP chất lượng cao, Đà Nẵng cần tận dụng lợi thế để tạo việc làm, tạo thu nhập cuốn hút mọi người rồi mới xây dựng bước tiếp theo.

GS Hoàng Chương thì cho rằng Đà Nẵng đang có sức hấp dẫn rất lớn. “Bản thân tôi đang sống ở Hà Nội, có ngôi nhà có thể bán được vài chục tỉ nhưng vợ con tôi cứ xui tôi phải về Đà Nẵng ở. Đà Nẵng đang có sức thu hút kinh khủng. Vấn đề là Đà Nẵng phải biết cách tập hợp, sử dụng tài năng”.

Đà Nẵng cần mạnh dạn tìm cách tiếp cận mới cho công tác quy hoạch đô thị để tạo sự đột phá, hướng tới một TP có chất lượng cuộc sống tốt cho người dân, có bản sắc hấp dẫn và có khả năng thu hút cư dân đến sống và làm việc, thu hút doanh nhân trong và ngoài nước, khách du lịch…

TS-KTS HOÀNG VĨNH HƯNG, Phó Chủ nhiệm khoa Quản lý đô thị - Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội

Muốn thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, bên cạnh sự hiếu khách vốn có, người dân Đà Nẵng cần nhận thức trách nhiệm của mình về TP du lịch văn minh. Đây là điều cần phải có thời gian và sự quan tâm của nhà quản lý.

PGS-TS PHẠM TRUNG LƯƠNG, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch

Đà Nẵng dường như đang phát triển quá mạnh, quá “bạo” làm mất đi hoặc biến dạng hệ sinh thái nội và ngoại vùng. Đà Nẵng mở những tuyến đường đô thị quá lớn và quá gần mép biển, tạo sự ngăn cách giữa biển và công trình? Diện mạo kiến trúc Đà Nẵng, kiến trúc hai bờ sông Hàn và ven biển ở phía đông có nét nào riêng, ấn tượng cho Đà Nẵng chưa? Đâu là bản sắc của đô thị Đà Nẵng tạo nên sự khác biệt đủ sức cạnh tranh trong quá trình đô thị hóa?

TS-KTS TRƯƠNG VĂN QUẢNG, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị-nông thôn, Bộ Xây dựng

Tag: Tp Da Nang, du lich, noi de o

Cafeland.vn - Theo Hải Châu (Pháp Luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland