Citigroup cảnh báo: “Nới lỏng quá sớm luôn là rủi ro lớn tại Việt Nam. Quyết định này gây ra rủi ro về khả năng áp lực mất giá lên tiền đồng trở lại sau vài tháng bình ổn.”

NHNN đã giảm 100 điểm cơ bản lãi suất trên thị trường mở kỳ hạn 7 ngày từ 15%/năm xuống 14%/năm.


Như vậy lãi suất OMO đã trở lại mức 14%/năm sau quyết định tăng lãi suất lên 15%/năm vào ngày 17/5.


Động thái này không khỏi khiến các chuyên gia kinh tế ngạc nhiên.


Ông Francois Chavasseau, chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán thuộc ngân hàng Sacombank, nói: “Nếu họ nới lỏng quá sớm, áp lực lạm phát vào quý 1/2012 sẽ có thể tăng lên, chỉ số CPI không thể hạ xuống mức mà lẽ ra nó sẽ hạ.”


Ông nói: “ Động thái này có thể đồng nghĩa với việc chính phủ Việt Nam vẫn quan tâm nhiều đến tăng trưởng kinh tế.” Ông cho biết công ty của ông đã dự báo về một quyết định hạ lãi suất nhưng ở thời điểm muộn hơn của năm 2011.


Gần đây, chính phủ Việt Nam đã nhấn mạnh đến mục tiêu kiềm chế lạm phát chứ không phải kích thích tăng trưởng kinh tế.


Còn theo ông Võ Trí Thành, phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, quyết định hạ lãi suất trên OMO cho thấy thanh khoản của các ngân hàng thương mại đã tốt hơn.


Ông khẳng định tất nhiên mục tiêu chung sẽ vẫn là thắt chặt chính sách tiền tệ thế nhưng việc điều hành còn phải phụ thuộc vào các diễn biến xảy ra hàng ngày.


Chuyên gia thuộc ANZ cho biết họ rất bất ngờ với quyết định hạ lãi suất mới bởi lạm phát dự kiến sẽ vẫn duy trì ở mức 2 con số cho đến năm 2012. Chuyên gia ANZ cũng chia sẻ quan điểm rằng quyết định có thể được đưa ra ở thời điểm quá sớm.


Chuyên gia Dariusz Kowalczyk từ Credit Agricole CIB cũng cho biết họ ngạc nhiên với quyết định mới và dường như phản ánh quan điểm lạm phát sẽ sớm lên đỉnh và không cao hơn nữa.


Chuyên gia HaiPham thuộc ngân hàng ANZ tại Singapore nói: “Chúng tôi cho rằng quyết định nới lỏng này được đưa ra hơi sớm.”


ANZ từng dự báo lãi suất tái cấp vốn sẽ lên mức 16% vào tháng 9/2011 còn HSBC dự báo lãi suất này trong cùng thời gian lên mức 17%.


Bà Johanna Chua, chuyên gia kinh tế tại Citigroup Hồng Kông, cảnh báo: “Nới lỏng quá sớm luôn là rủi ro lớn tại Việt Nam. Quyết định này gây ra rủi ro về khả năng áp lực mất giá lên tiền đồng trở lại sau vài tháng bình ổn.”


Ông Tai Hui, trưởng bộ phận phân tích tại ngân hàng Standard Chartered ở Singapore, không quá lo lắng như vậy. Ông cho rằng lãi suất tái cấp vốn, hiện đang ở mức 14% phản ảnh tốt nhất về mục tiêu của chính phủ. Thế nhưng khi chính phủ đang chịu áp lực hạ lãi suất từ phía các doanh nghiệp gặp khó khăn, quyết định có thể được đưa ra hơi sớm.


Một số nhà đầu tư và tài trợ như WB cũng thể hiện sự lo lắng về việc quyết định đưa ra quá sớm và Việt Nam không nên lặp lại sai lầm cũ.

Theo Ngọc Tuấn (CafeF/FT,Reuters)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0