Cách thức kiềm chế lạm phát đang đi đúng hướng. Để hiệu quả hơn nữa, phải thực hiện tiết kiệm toàn diện, như tiết giảm đầu tư công, tiết chế tiêu dùng hàng xa xỉ, sử dụng tối đa hàng tái chế…

Lạm phát ở Việt Nam có hai nguồn gốc cơ bản, một là từ chính sách tiền tệ và tài khóa trong nước; hai là từ giá cả thế giới bao gồm các mặt hàng dầu thô, lương thực, vàng, sự ổn định của các đồng tiền mạnh như USD, nhân dân tệ, yen, euro. Trong năm 2010, các nhà kinh tế đã tính ra, đại thể, chính sách tiền tệ, tín dụng, tài khóa đóng góp khoảng 70% - 80%; giá cả thế giới đóng góp 20% - 30% vào chỉ số lạm phát ở nước ta. Như vậy, phần chủ yếu thuộc về chính sách trong nước.


alt

Các quỹ bình ổn giá góp phần ổn định thị trường. Trong ảnh: Gạo bình ổn giá tại FoocoMart, quận 1 - TPHCM. Ảnh: HỒNG THÚY

Siết chặt đầu tư công
Chính phủ với quyết tâm thực hiện Nghị quyết 11 đã ban hành nhiều biện pháp, hạn chế bội chi ngân sách, cắt giảm đầu tư công và tiết giảm đầu tư từ các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt một cách thận trọng với nhiều biện pháp như nâng lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn... Tuy vậy, mức tín dụng trong 2 tháng đầu năm 2011 đã tăng 2,7% so với 1,5% của cùng kỳ năm 2010. Do đó, những tháng tới phải siết chặt hơn nữa tín dụng mới thực hiện được mức tăng 20% so với mức tăng thực tế gần 30% của năm 2010.
Hy vọng các biện pháp mạnh tay về đầu tư công năm nay sẽ đem lại hiệu quả thiết thực hơn so với năm 2008 và góp phần kiềm chế lạm phát hiệu quả.
Hạn chế tác động từ giá thế giới
Ẩn số lớn trong kiềm chế lạm phát năm 2011 lại đến từ tác động giá thế giới, có thể gây ra những ảnh hưởng không thể kiểm soát được. Trước hết là giá dầu thô đang tăng trong những ngày gần đây.
Giá dầu thô thế giới báo ngày 11-3 cho biết vẫn ở mức cao, trong khi dự báo từ ngày 11-4 trở đi, giá dầu có thể xuống mức 107 USD/thùng. Tuy vậy, giá dầu thô còn tùy thuộc nhiều vào diễn biến ở Trung Đông, nhất là Libya. Động đất ở Nhật Bản chắc chắn cũng sẽ tác động đến giá nhiên liệu thế giới. Trong nước, giá xăng dầu đã được điều chỉnh vừa qua vẫn chưa phản ánh hết chi phí của mức giá tăng cao và sẽ còn phải tăng nữa nếu Nhà nước không muốn tiếp tục bù lỗ xăng dầu. Đó là thách thức rất lớn đối với nền kinh tế nước ta. Hơn thế nữa, giá dầu tăng cao còn đẩy giá phân bón, sợi tổng hợp, phí vận tải viễn dương... lên thêm. Vì vậy, tiết chế sử dụng xăng dầu chính là giải pháp thiết thực để kiềm chế nhập khẩu lạm phát qua giá xăng dầu.
Một ẩn số nữa là giá lương thực thế giới đã được đẩy lên rất cao trong những ngày qua. Giá gạo tháng 2-2011 đã lên đến 535 USD/tấn so với 486 USD/tấn hồi tháng 8-2010. Chính phủ đã chỉ đạo thu mua gạo tạm trữ là đúng đắn. Giá gạo tăng làm lợi cho khoảng 25% nông dân có gạo bán ra thị trường trong khi toàn dân sẽ được chia sẻ mức giá thế giới tăng lên. An toàn lương thực trở nên rất quan trọng trong tình hình hiện nay.
Như vậy, tỉ trọng các nhân tố bên ngoài vào lạm phát của nước ta trong năm 2011 có thể sẽ cao hơn đáng kể so với năm 2010.
Toàn xã hội vào cuộc
Để kiềm chế tác động của giá thế giới, cần có nỗ lực vượt bậc trong việc tiết kiệm tối đa vật tư, sử dụng tối đa hàng tái chế, giảm nhập siêu, tăng nguồn cung từ công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ trong nước đối với hàng xuất khẩu cũng như đối với hàng sản xuất trong nước, tăng giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu. Cần áp dụng mọi biện pháp phù hợp mà cam kết WTO cho phép để kiềm chế nhập khẩu mà không tạo ra ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế. Nên đánh thuế hàng tiêu dùng xa xỉ cao hơn để tiết chế tiêu dùng trong lúc các nhà sản xuất trong nước nỗ lực chiếm lĩnh thị phần ở những mặt hàng có thể thay thế; đồng thời, cần kêu gọi người dân tiết kiệm hơn nữa.
Làm được những điều trên, bên cạnh những chính sách vĩ mô đúng đắn của Chính phủ, rất cần sự hợp tác tối đa của doanh nghiệp và toàn xã hội.

Bình ổn giá: Chưa thật hiệu quả

Các biện pháp bình ổn giá do 2 TP lớn nhất nước thực hiện (TPHCM và Hà Nội) có thể góp phần khiêm tốn vào việc bình ổn giá vì tỉ trọng khối hàng hóa bình ổn còn ít so với tổng sức mua và diện mặt hàng được bình ổn chủ yếu được bán trong các siêu thị chứ không phải ngoài chợ. Được lợi nhất có lẽ là các doanh nghiệp thụ hưởng quỹ trợ cấp này, còn việc kiềm chế được lạm phát bao nhiêu thì chưa ai tính được.
Cụ thể là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở TPHCM và Hà Nội trong tháng 2-2011 vẫn tăng cao và chắc chắn CPI sẽ ở mức cao trong tháng 3-2011, chủ yếu bị ảnh hưởng bởi giá điện và giá xăng dầu tăng.
Cafeland.vn - Theo NLĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland