11/01/2011 3:42 AM
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản đề xuất với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về một số giải pháp bình ổn thị trường tiền tệ. Theo đó, VAFI cho rằng, tháng 2/2011 là thời điểm thuận lợi để NHNN hạ dần lãi suất huy động tiền gửi ngoại tệ, giảm lãi suất huy động VND.


Theo nhận định của VAFI, tại thời điểm hiện nay, lãi suất huy động tiền gửi trong hệ thống ngân hàng đã ổn định, đã giảm tình trạng căng thẳng trong huy động vốn với lãi suất cao, và lãi suất huy động sẽ trong xu hướng đi xuống vào tháng 2/2011, tương ứng với chỉ số CPI giảm mạnh.

Do đó, đây sẽ là thời điểm thuận lợi để NHNN đưa ra chính sách khống chế lãi suất tiền gửi ngoại tệ. Theo VAFI, tỷ lệ khống chế bước đầu ở mức từ 3,0-3,5%/năm cho toàn bộ hệ thống ngân hàng là phù hợp. “Việc áp đặt mức khống chế này sẽ góp phần hạ nhanh lãi suất huy động VND, đồng thời có tác dụng thu hẹp chênh lệch về tỷ giá ngoại tệ giữa thị trường tự do và thị trường chính thức...” - ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI phân tích.

Bên cạnh việc hạ dần lãi suất huy động tiền gửi ngoại tệ, VAFI cũng cho rằng, NHNN nên xem xét lại chính sách cho DN xuất khẩu vay ngoại tệ dùng làm vốn lưu động thu mua nguyên liệu, hàng xuất khẩu.Từ đầu quý 2/2010, NHNN có chính sách cho phép DN xuất khẩu được phép vay ngoại tệ để dùng làm vốn lưu động với lý lẽ nhiều ngân hàng chưa giải ngân hết số ngoại tệ tiền gửi của dân cư, DN, trong khi nguồn cung ngoại tệ cho thị trường còn thiếu; và khi cho DN xuất khẩu vay ngoại tệ sẽ giải quyết được vấn đề này, đồng thời DN xuất khẩu lại có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu để trang trải cho số vay trên.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các DN chế biến và kinh doanh hàng xuất khẩu đã tích cực vay ngoại tệ. Các nhà quản lý DN đã tính toán rằng vay ngoại tệ sẽ được hưởng chi phí lãi vay thấp hơn VND trong hoàn cảnh tỷ giá VND/USD đang bình ổn và chưa có dấu hiệu biến động mạnh. Thống kê sơ bộ của năm 2010 cho thấy tín dụng ngoại tệ tăng lên rất nhiều so với các năm trước.

Báo cáo của NHNN cũng cho thấy, tăng tưởng tín dụng năm 2010 tăng 29,81% so với cuối năm 2009, trong đó, tín dụng VND tăng 25,3%; tín dụng ngoại tệ tăng 49,3%.Rõ ràng chính sách này đã làm cho cầu ngoại tệ tăng nhanh, dẫn tới việc các ngân hàng thương mại phải điều chỉnh tăng lãi suất huy động ngoại tệ từ mức 2-3%/năm trước quý 1/2010 lên tới mức 5%/năm vào những tháng cuối năm.

Như vậy, tính chung, mức lãi suất huy động ngoại tệ năm 2010 cao hơn so với các năm trước, đặc biệt là so với năm 2008, 2009 khi nền kinh tế Việt Nam bị tác động nhiều bởi lạm phát cao. “Khi lãi suất tiền gửi ngoại tệ tăng nhanh (khoảng 5%) cộng với những dấu hiệu lạm phát… đã kích thích nhiều người gửi tiền lựa chọn phương thức gửi tiết kiệm ngoại tệ và như vậy càng làm cho cầu ngoại tệ tăng lên, dẫn tới tỷ giá thị trường tự do tăng theo…” - ông Hải phân tích.

Vì vậy, VAFI cho rằng, NHNN nên tổng kết, đánh giá lại chính sách cho DN làm hàng xuất khẩu vay ngoại tệ, đồng thời nhận định tháng 2/2011 là thời điểm thích hợp để bỏ chính sách này và sẽ tạo điều kiện hạ nhanh mặt bằng lãi suất huy động.

Song song với đề xuất trên, VAFI cũng cho rằng, NHNN cần xem xét cơ chế tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Cụ thể là: Khi soạn thảo các văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng mới được Quốc hội thông qua, NHNN cần xem xét tăng tỷ lệ sở hữu của nhàĐTNN trong các ngân hàng thương mại (NHTM) lên mức 40% hoặc 35%; đồng thời cho phép nhà ĐTNN được mua loại cổ phần phổ thông nhưng không có quyền biểu quyết.

Theo VAFI, đây là kinh nghiệm hay của nhiều nước trên thế giới nhằm tạo điều kiện tăng vốn hoạt động cho hệ thống NHTM. Chẳng hạn như Thái Lan, cho phép nhà ĐTNN sở hữu mức không quá 49%/vốn điều lệ đối với cổ phiếu phổ thông, ngoài ra họ cho phép nhà ĐTNN được mua thêm cổ phiếu phổ thông không có quyền biểu quyết.

Đối với các công ty niêm yết đang quy định tỷ lệ sở hữu của nhà ĐTNN không quá 49%/vốn điều lệ, VAFI đề nghị Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nghiên cứu cơ chế cho phép nhà ĐTNN được mua loại cổ phần phổ thông không có quyền biểu quyết nhằm tạo sự hấp dẫn hơn nữa cho thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời tăng cường thu hút nguồn vốn FII. Qua đó tạo động lực ổn định và phát triển thị trường, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Cafeland.vn - Theo VEN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland