Nét nổi bật tại thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2010 là năm của các nhà đầu tư bất động sản người Việt Nam. Chính các nhà đầu tư bất động sản trong nước đã xây những tòa nhà cao nhất, hoành tráng nhất bằng việc đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ mới và các chuyên viên tư vấn quốc tế và nội địa.
Cuối năm qua tòa nhà Bitexco Financial Tower cao 68 tầng, cao nhất nước - khánh thành ngay tại trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh đã làm gia tăng đáng kể thị trường văn phòng hạng A. Văn phòng cho thuê tại đây đang có giá cao nhất thành phố, trong khi giá cho thuê các văn phòng hạng A khác tại Thành phố Hồ Chí Minh lại giảm 4,45% so với quý trước, khoảng 35 USD/m2.

Theo ông Rudolf Hever, Phó giám đốc Công ty CBRE, lần đầu tiên trong năm qua tỷ lệ trống của văn phòng trên toàn thành phố tăng vượt mức 17%, trong đó tỷ lệ văn phòng hạng A trống rất nhiều. Lý do là bởi có nguồn cung đáng kể tham gia thị trường, tới 230.000m2, tăng gần 50% so với năm 2009.


Tuy nhiên, diện tích thực thuê mới trên thị trường trong quý 4 là 34.534m2, giúp đưa tỷ lệ thực thuê cả năm 2010 lên hơn 200.000m2, tăng gần 50% so với năm 2009.


Trong khi đó các tòa nhà văn phòng hạng C đạt mức thuê mới cao nhất. Điều đó cho thấy khách đang có xu hướng chuyển đến các tòa nhà chuyên dụng.


Trong quý 4 có 9 dự án cung cấp thêm gần 2.900 căn hộ, giảm 47% so với quý trước. Xu hướng đầu tư dự án phân khúc bình dân vẫn vượt trội, chiếm 54% và hầu hết các dự án tập trung ở các quận ven, cách trung tâm thành phố khoảng 12km. Giá chào bán từ 523-840 USD/m2.


Tuy nhiên, các căn hộ tồn chưa bán được còn gần 50%. Các chủ đầu tư phải cố gắng tìm ra những phương thức khác biệt để cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường nhằm bán hoặc cho thuê căn hộ.


Xu hướng của người Việt Nam vẫn muốn “an cư mới lạc nghiệp”, vì thế khuynh hướng mua nhà có khuôn viên đất vẫn tăng mạnh, cho dù có phải ra xa trung tâm thành phố, ở các quận ven đô. Người tiêu dùng Việt Nam muốn mua nhà là mua đất, làm cho giá mua nhà biệt thự tăng, trong khi giá mua căn hộ cao cấp lại giảm.


Ông Rudolf Hever nhận định Thành phố Hồ Chí Minh là thị trường tiềm năng đối với các nhà đầu tư phía Bắc.


Thiên Sơn Plaza đi vào hoạt động vào tháng 11/2010 với tỷ lệ lấp đầy 65% và có giá chào thuê khá cạnh tranh, làm tỷ lệ trống của mặt bằng trung tâm thương mại ở thành phố dừng ở mức 8,7%. Trong khi giá chào thuê tại các trung tâm thương mại tại khu vực trung tâm thành phố tăng 1% so với quý trước, đạt 125 USD/m2, thì giá thuê trung tâm thương mại bên ngoài khu trung tâm tiếp tục giảm, chỉ khoảng 36 USD/m2.


Nhiều thương hiệu thời trang hàng đầu nổi tiếng như Burberry, Catier đã khai trương ngay tại Rex Arcade ở trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Sắp tới chuẩn bị khai trương Chanel, BVLGari, Ralph Lauren. Các thương hiệu lớn mở thêm cửa hàng ở khu vực gần trung tâm như G2000, Breadtalk, Kichi-Kichi.


Nhu cầu thị trường bán lẻ tiếp tục tăng mạnh khi ngày càng có nhiều cửa hàng được mở ra trên các con đường bán lẻ ở trung tâm và các quận gần trung tâm thành phố. Do nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại trung tâm thành phố có giới hạn, không có trung tâm thương mại lớn nào mở trong năm 2011, dự đoán nhiều khu vực mới, nhà phố sẽ được nâng cấp, chuyển đổi sang mặt bằng bán lẻ để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng.


Theo ông Rudolf Hever, các nhà bán lẻ quốc tế tiếp tục gia nhập thị trường Việt Nam thông qua phương thức hợp tác với các công ty bán lẻ trong nước. Các nhà bán lẻ Nhật Bản đang khảo sát thị trường cho các chuỗi cửa hàng tiện ích như Ministop, FamilyMart mở rộng và chuỗi trung tâm thương mại tổng hợp Takashimaya và Isetan Mitsukoshi.
Cafeland.vn - Theo Vietnam+
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland