Mặc dù thị trường bất động sản tại TP.HCM bị ngưng trệ trong thời gian dài, nhưng giá bán tại các dự án lại không giảm.

Từ nay đến tháng 6/2011, thị trường địa ốc TP.HCM sẽ phải đối mặt với áp lực nguồn vốn và lãi suất.

Theo các doanh nghiệp địa ốc, so với chi phí đầu tư, giá bất động sản thời gian tới khó giảm, thậm chí có thể bị đẩy lên do chi phí đầu tư vào các dự án tăng.

Báo cáo mới nhất của Công ty CBRE về thị trường bất động sản TP.HCM cho thấy, trong quý IV/2010, số lượng dự án nhà ở mới chào bán giảm 50% so với quý III/2010. Nguyên nhân, theo ông Rudolf Hever, Phó giám đốc Công ty CBRE, là do các chủ đầu tư hoãn kế hoạch chào bán để chờ thời điểm tốt hơn.

“Trong quý IV, mặc dù lượng khách hàng tăng 12%, nhưng số lượng giao dịch thành công lại giảm 20% so với quý III. Với mức lãi suất cao hiện nay cùng việc vay vốn đầu tư bất động sản khó khăn, lạm phát đang ở mức cao…, chưa thể kỳ vọng vào sự phát triển của phân khúc thị trường này”, ông Rudolf Hever nhận định và cho biết, năm 2011, TP.HCM sẽ có thêm 79 dự án với khoảng 40.000 căn hộ chào bán. Tuy nhiên, các chủ đầu tư sẽ không tung sản phẩm đồng loạt, mà sẽ đưa ra từng đợt để thăm dò thị trường.

Theo ông Trần Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhà Việt Nam, trong 2 quý đầu năm 2011, thị trường địa ốc TP.HCM vẫn đối mặt với nhiều khó khăn chuyển tiếp từ năm 2010, như lạm phát, lãi suất tăng cao cùng các chính sách liên quan đến bất động sản.

Vẫn theo ông Thành, càng về cuối năm 2010, thanh khoản trên thị trường địa ốc TP.HCM càng giảm và dự báo, sắp tới, nguồn cung cũng sẽ giảm, do hiệu quả đầu tư thấp. Trên thực tế, tại TP.HCM, hiện có một số dự án đưa ra mức giá chào bán thấp hơn 20-30% so với giá vốn đầu tư, nhưng hầu hết là do các dự án này tích lũy được quỹ đất có giá thành thấp từ trước, hoặc phải bán ra vì lý do nào đó. Còn hầu hết doanh nghiệp địa ốc đều phải mua đất đầu tư, cộng với sự trượt giá của chi phí đầu vào, cũng như đầu ra không được cải thiện, thì không thể bán với giá thấp được.

“Nếu sắp tới, lạm phát được kiềm chế, lãi suất hạ nhiệt, thì khả năng quý III và IV/2011, thị trường sẽ tốt hơn, song giá bất động sản không thể giảm, thậm chí còn tăng”, ông Thành nhận định và cho rằng, với nhà đầu tư có tiềm lực vốn, đây là thời điểm hấp dẫn để đầu tư vào thị trường địa ốc TP.HCM.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đức Khải cũng tỏ ra lo lắng, từ nay đến tháng 6/2011, thị trường địa ốc TP.HCM sẽ phải đối mặt với 2 áp lực: nguồn vốn và lãi suất.

“Đầu ra càng bí, nguy cơ giá bất động sản sẽ càng tăng cao, bởi không doanh nghiệp địa ốc nào khi đầu tư dự án không phải vay vốn ngân hàng. Từ đây, nếu chủ đầu không bán được sản phẩm, chi phí lãi suất tăng lên và tất yếu, phần chi phí này sẽ cộng vào giá thành sản phẩm”, ông Lâm phân tích và cho rằng, với tình hình hiện nay, Nhà nước cần có chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp địa ốc, đây cũng là giải pháp để người dân có thể mua được bất động sản với mức giá phù hợp.

Về phía doanh nghiệp địa ốc, theo ông Lâm, đây là lúc doanh nghiệp không nên đặt mục tiêu lợi nhuận quá cao. “Với phương châm của Đức Khải, sau khi trừ chi phí đầu tư, đặt mục tiêu lợi nhuận 10% là thực hiện bán sản phẩm. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện tại, mức lợi nhuận 10% này đã được xem là thành công”, ông Lâm nói.

Cafeland.vn - Theo Báo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland