Trong bối cảnh Chính phủ thắt chặt chính sách tiền tệ, ngân hàng gần như nói không với cho vay kinh doanh bất động sản (BĐS), nhiều dự án BĐS đình trệ, thị trường BĐS sẽ ra sao? Có chuyên gia cho rằng đây lại là cơ hội để thị trường BĐS sôi động và lành mạnh hơn.

Doanh nghiệp kêu khó

Đến công trình bất động sản đang thi công tại khu đô thị Ngô Thì Nhậm (Hà Đông), hàng trăm công nhân xây dựng làm việc cầm chừng dù hạn bàn giao nhà sắp tới gần.

Ông Bùi Ngọc Cảnh - Trưởng ban điều hành tòa nhà Ngô Thì Nhậm thuộc Cty Bất động sản Vinaconex Xuân Mai cho biết: “Hiện hai tòa nhà CT1 và CT2 vẫn còn hàng chục hạng mục dang dở. Số công nhân tại 2 công trình 300 người, chỉ bằng 1/3 số công nhân khi mới khởi công xây dựng. Thế mà chúng tôi cũng chỉ dám cho công nhân làm cầm chừng vì thiếu vốn đầu tư. Trong khi các hợp đồng đã được chốt giá trước khi giá xi măng, sắt, thép... tăng khiến doanh nghiệp chúng tôi loay hoay. Không làm thì chết, làm thì lỗ”.

Theo ông Cảnh, khi giá mọi thứ đều tăng, công nhân có mức lương từ 2 - 3 triệu/tháng không đủ chi tiêu nên họ cũng đòi tăng lương. Nếu không tăng họ sẽ bỏ đi. Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện gặp khó khăn chồng chất.

Ông Cảnh cũng cho biết thêm, tại thời điểm hiện tại, việc huy động vốn ngân hàng cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vô cùng khó.

“Chính sách thắt chặt tín dụng cho vay bất động sản khiến nhiều chủ đầu tư ngại làm. Họ vừa phải tìm cách huy động vốn, vừa phải tính toán giá sao cho phù hợp với thi công. Nếu đẩy giá lên cao quá thì sẽ không bán được. Khi dân không mua, nhà nằm đấy khiến doanh nghiệp đau đầu vì phải trả lãi vay. Thời gian tới sẽ ít doanh nghiệp mạo hiểm đầu tư vào thị trường bất động sản” - Ông Cảnh nói.

Vòng qua nhiều công trình khu đô thị Mỹ Đình, nhiều doanh nghiệp đã phải dừng thi công do thiếu vốn và giá cả đầu vào tăng cao. Một chủ công trình ở khu Mỹ Đình (giấu tên) cho biết: “Hiện công trình của tôi đang chết dở khi sắp hoàn thành mà cạn vốn. Giá vật liệu tăng cao buộc chúng tôi phải thương lượng với khách hàng điều chỉnh giá lên nhưng cũng chỉ ở mức độ nhất định. Không có vốn đầu tư, một ngày chậm tiến độ chúng tôi bị phạt 50 triệu đồng”.


Nhiều hạng mục của 2 tòa nhà chung cư Ngô Thì Nhậm thi công cầm chừng.

Ông Ngân Văn Chuyên, Phó tổng giám đốc Cty CP Quan hệ quốc tế đầu tư sản xuất (Tổng Cty XDCT Giao thông 8) thì cho rằng: “Không một doanh nghiệp nào đầu tư BĐS mà không dùng tới vốn ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận vay với giá cao hơn thực tế nhiều, lên tới 21%/năm nhưng cũng khó huy động được vốn. Nguồn vốn cho vay đầu tư bất động sản với đặc thù là lượng vốn lớn và dài hạn trong khi nguồn vốn ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn”.

“Khó khăn trong vay vốn tín dụng, đặc biệt là nguồn vốn vay trung và dài hạn dẫn đến tình trạng các chủ đầu tư thiếu vốn để triển khai dự án, hạn chế nguồn cung và tiềm ẩn nguy cơ thiếu hàng hóa cho thị trường xét trong trung, dài hạn” - một chủ doanh nghiệp BĐS nói.

Sẽ không sốt giá nhà đất

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, việc khống chế mức tăng trưởng tín dụng dưới 20%, hạn chế cho vay kinh doanh BĐS mà Chính phủ đưa ra là nhằm chống lạm phát. Xưa nay, khi kinh tế khủng hoảng, lạm phát tăng cao thì BĐS gặp khó khăn đầu tiên.

Tuy nhiên, trong điều kiện bình thường thì doanh nghiệp BĐS vẫn gặp phải khó khăn về vốn. Bởi lẽ vốn chủ sở hữu nhỏ nhưng quy mô dự án lớn. Việc huy động vốn từ khách hàng cũng bị khống chế bởi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS.

Ví dụ như các công trình riêng lẻ thì chủ đầu tư phải xây xong móng mới được huy động vốn từ khách hàng mà cũng chỉ được tối đa 70%... Vì thế, theo ông Nam, các doanh nghiệp phải có sự thay đổi khi đầu tư.

Hiện, thị trường BĐS đang có sự phân khúc rõ rệt. Một số phân khúc thị trường giá cao thì bão hòa. Đặc biệt là khu vực phía Nam, các căn hộ chung cư cao cấp khó bán. Trong khi đó, đầu tư vào căn hộ giá rẻ lại được người dân hướng đến như khu đô thị Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội).

Ông Nam khẳng định: “Vì nhu cầu mua nhà của người dân vẫn có, đặc biệt là nhu cầu gắn với khả năng thanh toán nên thị trường bất động sản trong thời gian tới sôi động. Giá đầu vào tăng ắt giá thành căn hộ sẽ tăng theo nhưng tăng ở một mức độ ổn định, hài hòa”.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng phân tích: “Thời gian tới giá BĐS sẽ bị đẩy lên cao theo quy luật nhưng với mức độ vừa phải chứ không sốt giá nhà đất như trong năm 2010 tại nhiều dự án. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp linh hoạt hơn khi đầu tư bất động sản. Khi nguồn cầu vẫn còn thì không lý gì nguồn cung lại ngưng trệ”.

Ông Trịnh Huy Thục, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam:

Thị trường sẽ lành mạnh hơn

Tiền Việt Nam đang mất giá nên dòng tiền có xu hướng đầu tư vào bất động sản, thay vì đầu tư vào vàng và đô la. Hiện, lợi nhuận cho bất động sản vẫn rất hấp dẫn nên những khó khăn trong thời điểm hiện tại là dịp cho các doanh nghiệp rà soát lại mình.

Muốn vậy, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS bên cạnh việc huy động tối đa nguồn lực của từng Cty thì cần có sự hợp tác giữa các Cty với nhau để tập trung đầu tư dứt điểm từng dự án hoặc từng phân đoạn của dự án lớn.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà đầu tư với các nhà môi giới sẽ đem lại hiệu quả và góp phần thúc đẩy thị trường BĐS sôi động hơn, lành mạnh dần.

Cafeland.vn - Theo TPO
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland