16/02/2011 2:18 AM
Trước áp lực của việc điều chỉnh tỉ giá mạnh của Ngân hàng Nhà nước lên 9,3%, trao đổi với phóng viên, TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa - phân tích:

- Đây là bước điều chỉnh cần thiết để thu hẹp khoảng cách mà lâu nay ta vẫn gọi là 2 tỉ giá giữa NH thương mại và thị trường chợ đen. Có thể thấy, tác động của điều chỉnh tỉ giá sẽ khiến thị trường ngoại tệ lập lại trật tự. Cả thời gian dài trước tết, NHNN neo giữ tỉ giá, không tăng, nên lượng ngoại tệ bị hút vào các kênh bên ngoài. Nay sẽ thu hút trở lại vào Nhà nước, việc găm giữ ngoại tệ trong dân sẽ không còn. Cung - cầu ngoại tệ sẽ ổn định hơn. Tuy nhiên, một chính sách đưa ra đều có tính 2 mặt, điều chỉnh tỉ giá thì mục đích lớn nhất là khuyến khích DN xuất khẩu, giảm nhập siêu, từ đó giảm bội chi ngân sách, cân bằng cán cân XNK. Nhưng đối với những DN vẫn còn phải NK nhiều hàng hóa, máy móc thiết bị thì sẽ bị đội chi phí.


Các DN XK sẽ thuận lợi khi điều chỉnh tỉ giá. Ảnh: G.H

Thưa ông, việc điều chỉnh tỉ giá trong bối cảnh đầu năm, DN chịu nhiều sức ép về giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, giờ thêm việc điều chỉnh tỉ giá, nhiều DN cho rằng họ đang phải chịu tăng thêm chi phí?

- Đúng như tôi nói, điều chỉnh tỉ giá luôn có tính 2 mặt. Hơn nữa, lần điều chỉnh giá này lại rất mạnh, có biên độ lớn, nên tác động đến DN là khó tránh khỏi. Nhưng tôi cũng cho rằng, đứng về phương diện NHNN điều chỉnh tỉ giá là việc nên làm và đây chính là thời điểm thích hợp. Nếu không điều chỉnh thời điểm này, thì thực tế vẫn phải lựa chọn một thời điểm để điều chỉnh tỉ giá, vì cứ giữ tỉ giá chênh lệch cao so với giá thị trường (19.000-19.500đ/USD, trong khi giá thị trường tự do đã lên tới 21.500đ/USD) sẽ rất bất lợi, khiến cung - cầu bất cập. Hơn nữa, chính sách tạo điều kiện để các DN phải chuyển hướng dần để thích nghi. Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát là con số 1 nên bằng mọi cách phải giảm nhập siêu, giảm bội chi ngân sách, mà tăng tỉ giá sẽ khuyến khích DN phải tìm cách giảm NK, từ đó giảm tác động của nhập siêu lên nền kinh tế.

Nhưng đó chỉ là kỳ vọng lâu dài, thực tế thì ngay cả các DN thế mạnh về xuất khẩu của VN như ngành dệt may, da giày, dù XK là chính, nhưng để XK thành phẩm, những ngành này còn phải NK tới 70-80% nguyên phụ liệu cho XK. Vậy tăng tỉ giá càng khiến cho DN tăng chi phí đầu vào, giảm lợi nhuận?

- Đây là điểm yếu của các DN VN do còn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài. Vì vậy, cùng với các động thái của chính sách tiền tệ, thì còn cần nhiều giải pháp khác để tăng sức cạnh tranh của DN trong nước, đầu tư công nghiệp phụ trợ, đẩy mạnh nội địa hóa để giảm nhập siêu. Đặc biệt, kiên quyết không NK những mặt hàng tiêu dùng xa xỉ. Bên cạnh đó, để kiềm chế lạm phát, kéo giá cả xuống thì phải kết hợp cả các biện pháp khác như thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, giảm bội chi công. Hiện tổng mức chi ngân sách của VN vẫn ở mức 5-6% là khá lớn, một số lĩnh vực còn có thể giảm bội chi thêm nữa.

Ông dự báo tác động của tỉ giá lên CPI trong năm nay?


- Tôi cho rằng với mức tỉ giá hiện nay, dự báo tác động lên CPI là có. Bên cạnh đó, do các yếu tố hình thành giá cũng đang có tốc độ tăng đột biến, nên để thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, các bộ, ngành, doanh nghiệp phải đồng thời thực hiện tốt các giải pháp trong điều hành của Chính phủ như tổ chức tốt sản xuất, lưu thông, không được để thiếu nguồn cung, bình ổn giá cả thị trường, kiểm soát giá, tránh tình trạng tăng giá bất hợp lý. NHNN cũng cần chủ động điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, đảm bảo kiểm soát, ổn định tỉ giá ngoại tệ, giá vàng và lãi suất. Điều quan trọng cần lưu ý là muốn chống lạm phát thì chính sách tiền tệ phải thắt chặt, nhưng phải được kiểm soát chặt chẽ và minh bạch.

- Cảm ơn ông.

Cafeland.vn - Theo Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland