Ông Vượng đã giải đáp một số thông tin liên quan đến việc Vincom đầu tư vào khu đất tại Cao su Sao Vàng, rượu Bình Tây, Thanh Đa.

Vincom Center - Dự án đóng góp chính vào doanh thu, lợi nhuận năm 2010 của Vincom

Ngày 26/2, CTCP Vincom (VIC) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2011.

Cập nhật tình một số dự án có liên quan tới Vincom
Ông Phạm Nhật Vượng – thành viên HĐQT đồng thời là cổ đông lớn nhất của VIC – đã trả lời một số thông tin về các dự án khác của công ty.

Xây dựng đường trên cao trên tuyến đường vành đai 2: hiện nay ở giai đoạn có chủ trương thực hiện. Bộ Xây dựng và Uỷ ban nhân dân Tp. Hà Nội đã đồng ý cho phép xây dựng và đang chờ Thủ tướng chấp thuận. Đến khi đó thì mới triển khai thực hiện và công ty sẽ công bố thông tin đầy đủ.

Royal City: Tính đến hiện tại, đã bán được 3.000 căn trên tổng số 4.000 căn hộ của dự án; tuy nhiên chưa hạch toán vào doanh thu và lợi nhuận. Công ty sẽ hạch toán khi hoàn tất việc xây dựng, bàn giao cho khách hàng. Như vậy thì vào năm 2013 – khi dự án hoàn thành, thì VIC sẽ “bùng nổ” về lợi nhuận.

Về việc VIC lập dự án tại khu đất của Cao su Sao Vàng (SRC): Đúng là VIC làm thủ tục để triển khai dự án tại đó nhưng khi nào có thông tin cụ thể rõ ràng thì sẽ thông báo sau.

Rượu Bình Tây, Q.6, Tp.HCM: Khu đất nằm tại quận 6, trên đại lộ Đông Tây, trước đây, UBND Tp.HCM đề xuất nhờ Vincom quy hoạch và sau đó nếu có mong muốn thì sẽ đầu tư vào khu 22ha trong đó bao gồm cả khu vực Rượu Bình Tây để “vực dậy” cả khu vực này.

Khu vực Q6 hiện tương đối xập xệ; VIC sẽ quy hoạch giúp còn việc có đầu tư hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Theo quan điểm của HĐQT Vincom thì sẽ không đầu tư vào đây.

Lý do thứ nhất là khu đất này có tỷ lệ xây dựng thấp và hiệu quả chưa cao tại thời điểm này.

Bên cạnh đó thì các thủ tục phức tạp do có nhiều chủ đầu tư trên khu đất này (Rượu Bình Tây có khu đất 4ha). Vincom sẽ xem xét đầu tư hay không trong giai đoạn sau. Ông Vượng cho biết “Nếu ko có việc gì làm thì chúng ta sẽ làm dự án này”.

Dự án Thanh Đa: VIC có gửi văn bản cho UBND Tp. HCM đề nghị tham gia làm BT một số tuyến đường. Để đối ứng lại công ty sẽ xem xét đầu tư vào dự án này. Dự án vẫn trong giao dịch chủ trương.

Theo ông Vượng thì dự án Thanh Đa có thể cũng không phải là dự án Vincom sẽ nhắm đến một cách quyết liệt. Lý do lớn nhất là chi phí đền bù cao: giả sử với giá đền bù là khoản là 6 triệu đồng/m2 (trong khi Quận muốn mức giá là 12 triệu đồng) thì chi phí đền bù tối thiểu cũng lên đến hơn 24.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mật độ xây dựng cũng thấp.

Ông Vượng cũng chia sẻ với các cổ đông: “ Mỗi ngày công ty nhận được nhiều lời mời tham gia đầu tư vào các dự án nên việc quyết định tham gia hay không phải là do chuyên gia tính toán kỹ; chỉ tham gia dự án phải đảm bảo hiệu quả kinh tế cao. Quan điểm của chung tôi là không ôm đồm quá nhiều. Cái gì thực sự hiệu quả và thúc đẩy sự phát triển của những khu xung quanh thì chúng ta làm. Công ty chỉ hướng đến những công trình ra tấm ra món. Còn những công trình nhỏ gọi là để rau cháo qua ngày thì chúng ta đã qua rồi.

Báo cáo của Vincom cũng cho biết: Năm 2011, công ty sẽ tận dụng lợi thế và kinh nghiệm vốn có để tiếp tục đầu tư có trọng điểm vào các dự án bất động sản như: trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, văn phòng và căn hộ cho thuê cao cấp tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; tập trung vào các dự án bất động sản có thể mang lại tỷ suất thu hồi nội bộ (IRR) lớn hơn 25%.

Khi được hỏi về định hướng tăng vốn điều lệ, ông Vượng cho biết: “Không phải cứ có dự án là phải tăng vốn; tài sản của VIC hiện đã tương đối lớn và có thể tự cấn đối được dòng tiền của mình”.

Khi hoàn thành vào năm 2013 - Royal City sẽ làm VIC "bùng nổ" về lợi nhuận

Kết quả kinh doanh 2010

Năm 2010, VIC đạt 3.873 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 1.899 tỷ (96%) so với năm 2009.

Doanh thu thuần tăng chủ yếu là từ doanh thu chuyển nhượng bất động sản (bao gồm chuyển nhượng các căn hộ và một phần khu văn phòng tại Vincom Center) với doanh thu là 3.128 tỷ đồng, tăng 88% so với năm 2009.

Doanh thu hoạt động cho thuê trung tâm thương mại, văn phòng đạt 715 tỷ đồng, tăng 156% so với năm 2009.

Lợi nhuận sau thuế đạt 2.432 tỷ đồng, tăng 1.330 tỷ đồng (121%) so với năm 2009. EPS năm 2010 đạt 6.837 đồng.

Lợi nhuận sau thuế năm 2010 tăng mạnh so với năm 2009 do các nguyên nhân chủ yếu sau:

- Tỷ lệ lãi gộp từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản là 78% doanh thu đã mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho công ty.

- Trong năm công ty có thêm nguồn thu nhập tài chính từ các hoạt động đầu tư đặc biệt là khoản đầu tư vào dự án 180-192 Nguyễn công Trứ (dự án liên doanh với CTCP Du lịch Việt nam tại TPHCM).

Những sự kiện chính trong hoạt động năm 2010:

- Tháng 1 năm 2010, khởi công Dự án Royal City tại 72A Nguyễn Trãi, Hà Nội. Trong năm 2010, số lượng căn hộ mà khách hàng đã đăng ký là 1.892 căn và 60% diện tích tại khu TTTM cũng đã được đăng ký thuê.

- Tòa nhà Vincom Center tại 72 Lê Thánh Tôn, Quận 1, Tp HCM với 27 tầng nổi và 6 tầng hầm đã được khai trương vào ngày 30/4.

- Tháng 12/2010, tòa nhà văn phòng hiện đại Vincom Financial Tower 25 tầng có diện tích 2.146m2, kéo dài 34 m trên phố Nguyễn Công Trứ, tại khu trung tâm tài chính của Thành phố Hồ Chí Minh đã được hoàn thành.

VIC sẽ trích 2.300 tỷ đồng lợi nhuận năm 2010 để chia cổ tức. Dựa trên kế hoạch dòng tiền dự kiến cho năm 2011, HĐQT dự kiến lịch chi trả cổ tức như sau:

  • Trong tháng 4/2011 chi trả 800 tỷ đồng;
  • Trong tháng 5/2011 chi trả 800 tỷ đồng;
  • Trong tháng 6/2011 chi trả 700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, HĐQT sẽ căn cứ kế hoạch dòng tiền thực tế năm 2011 để điều chỉnh và quyết định mọi vấn đề liên quan đến việc chi trả cổ tức.

Kế hoạch năm 2011

Bên cạnh việc khai thác tối đa hiệu suất sử dụng của các Bất động sản hiện có, Vincom hướng tới việc tập trung mọi nguồn lực để thực hiện các dự án Bất động sản như dự án Royal city, Eco city và Vincom Village tại Hà Nội, dự án Eden A tại TP Hồ Chí Minh.

Về kế hoạch năm 2011, Vincom đặt mục tiêu đạt 5.151 tỷ đồng doanh thu thuần; LNTT và LNST lần lượt là 3.057 tỷ và 2.293 tỷ đồng.
Doanh thu và lợi nhuận năm 2011 vẫn chủ yếu từ việc cho thuê văn phòng, TTTM và chuyển nhượng các dự án bất động sản.

Chuyển đổi cổ phiếu và niêm yết tại Singapore

Diễn biến giá VIC trong 6 tháng

Tính đến 21/1/2011, VIC đã chuyển đổi 68,7 triệu USD mệnh giá trái phiếu thành gần 21,5 triệu cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng/cp.

Lượng còn lại là 31,3 triệu USD trái phiếu tính theo mức giá chuyển đổi hiện tại là 60.000 đồng/cp thì sẽ chuyển đổi thành 9,8 triệu cổ phiếu, tương đương 2,6% lượng đang lưu hành.

Công ty cũng đang tiến hành các thủ tục để chào bán và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Singapore.

ĐHCĐ của VIC đã tiến hành bầu bổ sung thành viên HĐQT và thành viên ban kiểm soát độc lập là người cư trú tại Singpore – đây là một trong những yêu cầu để có thể niêm yết cổ phiếu tại thị trường chứng khoán nước này.

Thành viên HĐQT mới là ông Roy Chung Yee Ling, Quốc tịch Singapore, Giám đốc điều hành RL Capital Management.

Cafeland.vn - Theo Cafef
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland