Nhiều dự án tỷ USD xuất hiện, những cuộc đua tranh quyết liệt để chiếm vị trí tòa nhà cao nhất Việt Nam, siêu lợi nhuận và siêu lỗ 300%...

Nhiều siêu dự án tỷ USD

Đứng đầu về quy mô vốn đăng ký có thể kể đến dự án án Khu du lịch tổng hợp cao cấp Mũi Dinh, tỉnh Ninh Thuận, với tổng vốn đầu tư lên tới 4,5 tỷ USD, triển khai trên diện tích 1.500 ha. Dự án gồm các hạng mục nghỉ dưỡng, biệt thự cao cấp, giải trí tổng hợp quy mô lớn, khu công trình công ích...
Xếp ngay sau là dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp phức hợp Nam Hội An với tổng vốn 4 tỷ USD. Dự kiến, chủ đầu tư sẽ xây các hạng mục khách sạn, khu resort, biệt thự và khu vui chơi...

Còn nhiều dự án tỷ USD như vậy rải đều trên cả 3 miền Bắc – Trung - Nam như Khu giải trí lớn nhất Việt Nam - Happyland có vốn đầu tư gần 2 tỷ USD; dự án Sân golf khách sạn 2 tỷ USD Hoàng Đồng Lạng Sơn ở đại lộ 1A thị trấn Cao Lộc (Lạng Sơn) vừa được ra mắt tháng 11/2010; dự án Khu đô thị sinh thái Du lịch nghỉ dưỡng thể thao Tam Nông với tổng vốn đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD...

Thế nhưng, cũng không nên lóa mắt trước các siêu dự án tỷ USD hoành tráng này. Sẽ không thừa khi nhắc lại một số dự án bất động sản tỷ USD khác vừa bị rút giấy phép hoặc thu hồi trong năm qua vì đã “bất động” trong một thời gian dài. Đó là dự án khu du lịch sinh thái Bãi biển Rồng (Quảng Nam) có vốn đầu tư 4,15 tỷ USD bị hồi giấy phép đầu tư; dự án thành phố sáng tạo Nam Tuy Hòa (Phú Yên) cũng đang trong diện làm thủ tục thu hồi dự án...

Đua tranh giành ngôi “cao kỷ lục”

Giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, khách sạn Daewoo Hà Nội xuất hiện như một ngôi sao sáng đã xô đổ kỷ lục 11 tầng được giữ trong nhiều năm của khách sạn Hà Nội. Nay, đi qua nút giao thông Daewoo, mới thấy “người hùng” này thật quá khiêm tốn so với những “gã cao kều” mới trong thế kỷ 21 của Hà thành.

Chỉ sau hơn 2 năm thi công, tổ hợp Keangnam Hanoi Landmark Tower đã cơ bản hoàn thành phần thô. Đây là tòa nhà cao nhất Việt Nam đã được xây dựng ở thời điểm hiện tại với 70 tầng và chiều cao 336m. Tuy nhiên, kỷ lục chiều cao của tổ hợp Keangnam đang bị “đe dọa” bởi dù có số tầng ít hơn (68 tầng), nhưng dự án VietinBank Tower lại cao tới 362 m.

Dự án nằm trong quần thể khu đô thị Ciputra, quận Tây Hồ, Hà Nội, do Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam làm chủ đầu tư với số vốn đầu tư 400 triệu USD, tổng diện tích sử dụng 300.000 m2. Tổ hợp bao gồm 2 tòa tháp, được liên kết với nhau bằng khối đế 7 tầng. Dự án đã được động thổ vào 20/10/2010, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào đầu năm 2014.

Kẻ “khủng bố” còn tiếp tục ở phía sau với dự án tòa nhà 102 tầng trị giá 1 tỷ USD của Tập đoàn Đại Dương và Tổng Công ty xây lắp dầu khí - PVN Tower. Chiều cao dự kiến của tòa nhà theo công bố của nhà đầu tư lên tới 400m. Tuy nhiên, do PVN Tower chưa chính thức khởi công xây dựng, VietinBank Tower thì còn đang đào móng, vậy nên Tháp Keangnam vẫn là “nóc nhà” của Hà Nội và Việt Nam tại thời điểm hiện tại.

Lời và… lỗ kỷ lục

Năm 2010 ghi nhận nhiều cơn sốt nóng cục bộ kỳ lạ và đáng nhớ của thị trường bất động sản miền Bắc. Kinh khủng nhất là cơn sốt đất hồi đầu quý II/2010 tại một số huyện “hẻo lánh” phía Tây Hà Nội như Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai... Trong đó, “sốt’ cao nhất là tại một vài xã thuộc huyện Ba Vì. Chỉ kéo dài trong khoảng 45-50 ngày song người ta sẽ còn nhớ mãi năm 2010 ở Ba Vì bởi tỷ suất lợi nhuận khủng lên tới 300%.

Tuy nhiên, cơn sốt đã nhanh chóng bị dập tắt khi các cơ quan chức năng vào cuộc. Kết quả, đất Ba Vì rớt còn nhanh hơn khi trèo lên đỉnh. Chỉ trong vòng 2 tuần, giá đất ở nhiều vị trí giảm tới 200-300% mà không ai dám mua!

Giải mã cơn sốt này, giới chuyên môn khẳng định, toàn bộ do giới đầu cơ thao túng, làm giá. Hệ lụy của cơn sốt Ba Vì không chỉ hại các nhà đầu tư chót ôm đất núi, liền sau đó, thị trường đất nền các quận huyện phía Tây như Hà Đông, Từ Liêm, Đan Phượng, Hoài Đức... cũng bị lây kích thích từ Ba Vì, tạo nên cơn sốt rộng khắp trong quý II-2010. Khác với Ba Vì, đất ở những vùng “nóng” này chỉ lên chứ không hề giảm.

Đền bù kỷ lục

Cuối tháng 11/2010, Công ty CP Thời đại mới T&T, chủ dự án xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở (tại địa chỉ 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm) đã gây sốc khi đưa ra mức bồi thường thu hồi đất lên tới 500 triệu đồng/m2 đất. Đây có thể xem là mức giá bồi thường kỷ lục từng được báo chí ghi nhận ở Việt Nam. Bởi theo bảng giá đất do Nhà nước quy định, giá bồi thường cao nhất cũng chỉ 81 triệu đồng/m2.

Song, điều khiến người ta kinh ngạc hơn là mức giá này vẫn bị một số hộ dân tẩy chay. Họ tuyên bố chỉ di dời với mức giá bồi thường 1 tỷ đồng/m2. Đứng trước khả năng thỏa thuận giữa các bên có thể đổ bể và dự án tiếp tục bị kéo dài (trước đó, dự án này đã “treo” hơn 6 năm do vướng GPMB), chính quyền quận Hoàn Kiếm đứng ra tuyên bố, sẽ cưỡng chế thu hồi nếu hộ dân tiếp tục mức đòi bồi thường vô căn cứ.

Giữa lúc mọi việc còn đang nhùng nhằng, vào những ngày cuối cùng của năm 2010, chính nhà đầu tư này lại một lần nữa xô đổ kỷ lục đã tạo lập khi chấp thuận bồi thường với mức giá 600 triệu đồng/m2 cho hai hộ dân. Như vậy, chỉ với diện tích đất 32,1 m2 (trên đó có xây dựng nhà cấp 4), chủ đầu tư đã phải chi bồi thường số tiền 19,26 tỷ đồng, tức xấp xỉ 1 triệu USD.

Cafeland.vn - Theo Doanh Nhân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland