Việt Nam ta có câu: “An cư lạc nghiệp”, dân có chỗ ở ổn định thì mới có thể tập trung vào công việc, kinh tế mới phát triển, xã hội mới vững mạnh. Vì vậy, việc ổn định chỗ ở rất quan trọng đối với việc thúc đẩy kinh tế-xã hội đi lên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong một nghiên cứu mới đây của Chương trình Định cư con người (UN - HABITAT) thuộc Liên Hợp Quốc cho thấy lĩnh vực phát triển nhà ở luôn chiếm vai trò trung tâm của nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới, cả các nước phát triển và đang phát triển. Hầu hết các nước mới phát triển (NICs) đều ghi nhận lĩnh vực nhà ở là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, xây dựng xã hội thịnh vượng và là công cụ hữu hiệu để ổn định kinh tế vĩ mô trong giai đoạn suy thoái kinh tế.

Theo thống kê tại các nước phát triển và đang phát triển, lĩnh vực nhà ở đóng góp từ 3 - 10% GDP, riêng tại Mỹ trung bình trong 5 năm từ 2001 đến 2006 lĩnh vực nhà ở chiếm khoảng 16% GDP. Lĩnh vực nhà ở cũng chiếm từ 10 đến 30 % tổng đầu tư xã hội hàng năm và chiếm khoảng 20 - 50 % tổng tài sản tái tạo (reproducible wealth) của phần lớn các quốc gia trên thế giới. Phát triển nhà ở cũng tạo ra nhiều chỗ làm việc, theo kinh nghiệm của Mỹ thì cứ phát triển 1 nhà riêng lẻ sẽ tạo ra 3,5 chỗ làm việc và 1 căn hộ chung cư sẽ tạo ra 1,3 chỗ làm việc mới.

Đối với nước ta, nếu như trước năm 1991 chưa hình thành thị trường nhà ở nói riêng và thị trường bất động sản nói chung thì kể từ sau năm 1991 (sau khi Nhà nước ta ban hành Pháp lệnh nhà ở năm 1991) và đặc biệt là kể từ sau khi Nhà nước ban hành Hiến pháp năm 1992 và có Luật Đất đai năm 1993, với quy định coi đất đai là có giá, quyền sử dụng đất được coi là hàng hoá và được phép tham gia giao dịch, trao đổi trên thị trường thì thị trường nhà ở cũng bắt đầu được hình thành và phát triển.

Đặc biệt từ năm 2001 đến nay, Nhà nước đã tiếp tục ban hành hàng loạt các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ về nhà ở, đất ở cho nhân dân, cũng như cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, mở cửa, khuyến khích thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản nhà ở.

Các chính sách đã dần điều chỉnh thị trường như: Luật nhà ở, Luật đầu tư năm 2005, Luật kinh doanh bất động sản năm 2006 và một số Nghị định của Chính phủ, thông tư của các Bộ liên quan hướng dẫn thi hành các Luật nêu trên đã từng bước tạo hành lang pháp lý cơ bản cho thị trường phát triển, tạo điều kiện để người dân, đặc biệt là người nghèo, các đối tượng xã hội có khó khăn về nhà ở có khả năng cải thiện chỗ ở, đồng thời góp phần thúc đẩy nhanh hợp tác kinh tế quốc tế, làm tăng quỹ nhà ở trong cả nước. Trải qua một số chu kỳ phát triển, đến nay thị trường bất động sản nhà ở nước ta đã có những bước phát triển đáng kể, dần khẳng định là động lực góp phần thúc đẩy các thị trường khác phát triển.

Trong 10 năm vừa qua (từ 2000 đến 2009), cả nước đã phát triển được thêm khoảng 706 triệu m2 (bao gồm cả cải tạo và xây dựng mới), trong đó diện tích phát triển nhà ở theo dự án đạt khoảng hơn 85 triệu m2 (chủ yếu tại khu vực đô thị), nhà ở do nhân dân tự xây dựng đạt khoảng 621 triệu m2, bình quân mỗi năm xây dựng được hơn 70 triệu m2,với diện tích bình quân đầu người trong cả nước tại thời điểm tiến hành tổng điều tra dân số và nhà ở (ngày 01/4/2009) đạt khoảng hơn 16.7m2/người (tăng gần gấp đôi so với diện tích bình quân năm 1999 là 9.68 m2/người). Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho các hộ các gia đình nghèo tại khu vực nông thôn và người dân vùng ngập lũ, đến nay cả nước các địa phương đã xây dựng xong 95,178 căn trên tổng số 108,462 căn nhà cần xây dựng cho các hộ dân thuộc đối tượng của Chương trình vào ở trong các cụm, tuyến dân cư (đạt 88%) và hỗ trợ cho hơn 315,000/496,000 (đạt 61.4 %) hộ gia đình nghèo tại khu vực nông thôn có nhà ở.

Bên cạnh việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng có khó khăn về chỗ ở và chính sách khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở để làm tăng nhanh quỹ nhà ở tại các đô thị, Chính phủ cũng đã thực hiện chủ trương chuyển việc phát triển nhà ở có qui mô nhỏ, lẻ sang phát triển nhà ở theo mô hình dự án đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Đảm bảo việc phát triển nhà ở đồng thời với việc xây dựng đồng bộ các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện, các trường học, nhà trẻ, các khu vui chơi giải trí và các dịch vụ đô thị khác, tạo điều kiện để nâng cao đời sống về vật chất và tinh thần của người dân.

Hiện nay, trong cả nước có hơn 2,500 dự án nhà ở đã và đang được triển khai thực hiện, trong đó có nhiều dự án nhà ở hiện đại, thu hút được đông đảo người dân có nhu cầu đến ở như khu đô thị mới Mỹ Đình tại thành phố Hà Nội, dự án Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, An Phú - An Khánh, Nam Sài gòn tại thành phố Hồ Chí Minh…Các dự án này không chỉ tạo thêm vẻ đẹp cho kiến trúc đô thị mà còn góp phần tạo bộ mặt đô thị của đất nước ta ngày một văn minh và hiện đại hơn. Tạo điều kiện và môi trường sống của người dân ngày càng được cải thiện, mô hình cuộc sống văn minh hiện đại tại các khu đô thị đã dần thay thế cho các khu nhà ổ chuột, nhà ở tạm bợ, mất vệ sinh, các hộ gia đình nghèo, các đối tượng có khó khăn về nhà ở cũng từng bước được Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện để tạo lập chỗ ở ổn định.

Qua thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, hoạt động kinh doanh bất động sản nói chung và nhà ở nói riêng đã góp phần làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, chỉ tính riêng trong năm 2009 thì các khoản thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản đã đạt hơn 42,678 tỷ đồng (chiếm 11% tổng thu ngân sách), trong đó thu tiền sử dụng đất là 41,639 tỷ đồng, thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng bất động sản là hơn 1,090 tỷ đồng,... Năm 2010, thu từ bán nhà ở, thu tiền sử dụng đất là 35,864 tỷ đồng, thu tiền cho thuê đất là 3,243 tỷ đồng, thuế chuyển quyền sử dụng đất là 24 tỷ đồng, thuế sử dụng đất nông nghiệp là 44 tỷ đồng. Như vậy, đầu tư phát triển nhà ở cũng đóng góp tỷ trọng đáng kể trong tổng đầu tư toàn xã hội của đất nước. Nếu tính bình quân trong 10 năm vừa qua, mỗi năm phát triển mới khoảng 70 triệu m2 thì vốn đầu tư cho nhà ở đạt khoảng 200,000 tỷ đồng. Lĩnh vực nhà ở cũng thu hút một lượng lớn lao động, góp phần tạo công ăn, việc làm, đặc biệt là lực lượng lao động nông nhàn. Theo tính toán để xây dựng 1 m2 nhà ở cần từ 17 - 25 công lao động, chưa kể lao động sản xuất các loại vật liệu xây dựng; mỗi một khối nhà chung cư khi đưa vào sử dụng sẽ tạo thêm trung bình 10 chỗ làm việc mới cho công tác dịch vụ quản lý vận hành.

Theo CafeLand - Những tiến bộ trong lĩnh vực nhà ở, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ nhà ở cho khu vực nông thôn, cho các đối tượng có công với cách mạnh của nước ta đã góp phần quan trọng cho chương trình xóa đói, giảm nghèo trong thời gian vừa qua. Có thể nói rằng, hiện nay thị trường nhà ở của nước ta đã có những bước phát triển tích cực, các yếu tố của thị trường đã từng bước được hoàn thiện, hàng hoá nhà ở cũng ngày càng phong phú hơn (từ khi chỉ có một vài loại nhà ở thì đến nay đã có nhiều loại nhà ở do nhiều đối tượng khác nhau xây dựng để đáp ứng đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng), chủ thể tham gia thị trường như bên bán, bên mua và đặc biệt là tổ chức trung gian đang dần được hình thành, đã tạo sự sôi động của thị trường và tăng sự công khai, minh bạch cho thị trường. Đối với nước ta là nước đang có sự đô thị hoá nhanh và thu nhập của người dân cũng ngày được nâng cao thì sự phát triển của thị trường bất động sản sẽ là một trong những yếu tố thúc đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá đất nước, góp phần nâng cao điều kiện sống cho người dân.

tag:nhà ở, kinh tế, xã hội

Mộc Anh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland