Trước sự kiên quyết của Ngân hàng Nhà nước trong việc khống chế mức tăng trưởng tín dụng không quá 20% trong năm nay, nhiều ngân hàng đang lo sốt vó.
Ngân hàng lo sốt vó vì dư nợ

Bước sang tháng 5/2011, một số ngân hàng đã nhanh chân hãm phanh tăng trưởng tín dụng.

Giới phân tích cho rằng, đang có nhiều áp lực ẩn phía sau chỉ tiêu này. Và trong một không gian chật hẹp như vậy, những đơn vị khéo lo toan mới có thể hoạt động ổn định.

Không đợi nước đến chân!

Theo tìm hiểu của người viết, tính đến hết tháng 4/2011, dư nợ của khối ngân hàng thương mại cổ phần ước 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm 56,3% tổng dư nợ toàn hệ thống.

Tại thời điểm trên so với 31/12/2010, dư nợ tín dụng của khối này tăng 8,14%, cao hơn 1,72% so với mức tăng chung toàn hệ thống.

Còn tính bình quân theo tháng thì trong 4 tháng đầu năm, dư nợ khối ngân hàng cổ phần tăng 1,98%/tháng, trong khi con số này của cả hệ thống chỉ 1,57%.

Trong đó, dư nợ VND của khối ước 1 triệu tỷ đồng, hiện chiếm 58,20% tổng dư nợ VND toàn hệ thống, tăng 1,55% so với tháng trước đó và tăng 4,60% so với 31/12/2010.

Tính ra, bình quân mỗi tháng, dư nợ VND của khối tăng 1,13%/tháng trong khi tỷ lệ đó của cả hệ thống chỉ 0,81%. Đáng chú ý, có ngân hàng đạt mức tăng dư nợ VND lên tới 5,97%/tháng.

Còn đối với dư nợ cho vay ngoại tệ, số tuyệt đối khoảng 13 tỷ USD, chiếm khoảng một nửa dư nợ ngoại tệ cả hệ thống tổ chức tín dụng.

So với 31/12/2010, mức tăng dư nợ ngoại tệ của khối đạt khoảng 12,8%. Trong 4 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng tăng trên 3% trong khi mức tăng của cả hệ thống chỉ 1,86%/tháng.

Trong tâm trạng “vừa làm, vừa nghe ngóng”, các ngân hàng đã biết trước rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ không nhân nhượng với bất kỳ đơn vị nào tăng trưởng tín dụng trên 20%. Vậy nên, trước khi bước sang tháng 5/2011, một số đơn vị đã nhanh chân hãm phanh tăng trưởng tín dụng.

Theo đó, tính đến hết tháng 4/2011 so với tháng 3/2011, toàn bộ khối ngân hàng thương mại cổ phần có 9 đơn vị giảm dư nợ tín dụng và OceanBank là ngân hàng đứng đầu trong số những đơn vị biết lo toan.

Cụ thể, OceanBank giảm được trên 1,3 nghìn tỷ đồng; Vietcombank giảm 334 tỷ đồng và trên 300 triệu USD; Ngân hàng Đệ Nhất giảm 56 tỷ đồng và trên 270 nghìn USD; Nam Á giảm trên 100 tỷ đồng; Sài Gòn Thương Tín giảm 262 tỷ đồng và 26,4 triệu USD; Việt Á giảm 126 tỷ đồng; Dầu khí Toàn cầu giảm 8,8 triệu USD; Seabank giảm 6 triệu USD…

Bóc tách dư nợ VND theo mốc thời gian so sánh như trên, toàn hệ thống có nhiều đơn vị giảm dư nợ VND, tốc độ giảm nhiều nhất phải kể đến OceanBank (8,68%). Ngoài ra, cũng có nhiều đơn vị khác giảm dư nợ ngoại tệ.

Trong đó, Đệ Nhất giảm 66,17%; Phương Tây giảm 27,4%; Dầu khí Toàn cầu giảm gần 20%; TienPhongBank giảm 14,8%. Có hai đơn vị có dư nợ ngoại tệ giảm liên tục trong 4 tháng là Gia Định và Phương Nam.

Nợ đủ tiêu chuẩn có vấn đề

Theo Quyết định 493, các tổ chức tín dụng phân loại nợ theo 5 nhóm. Nhóm 1: nợ đủ tiêu chuẩn; nhóm 2: nợ chú ý; nhóm 3: nợ dưới tiêu chuẩn; nhóm 4: nợ nghi ngờ; nhóm 5: nợ có khả năng mất vốn mà nhiều người vẫn đùa là “mất cả gốc lẫn củ”!

Qua tìm hiểu, được biết, tính đến hết tháng 4/2011, nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) của toàn hệ thống ngân hàng chiếm 92,20% tổng dư nợ toàn hệ thống. Tính bình quân tháng của 4 tháng, nợ đủ tiêu chuẩn đạt 92,50%/tháng.

So với tháng 3/2011, nợ đủ tiêu chuẩn đã giảm trên 19 nghìn tỷ đồng.

Trong gần 100 tổ chức tín dụng hiện nay, chỉ có trên 30 đơn vị đạt tỷ lệ 100% nợ đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, số này chủ yếu tập trung khối ngân hàng nước ngoài (trên 20 đơn vị) và khối tổ chức tín dụng phi ngân hàng (khoảng 10 đơn vị).

Cần lưu ý là xét về cơ cấu tín dụng từng khối thì khối ngân hàng nước ngoài (liên doanh, 100% vốn nước ngoài) và tổ chức tín dụng phi ngân hàng chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ.

Và trong khi tỷ trọng dư nợ tín dụng phần lớn tập trung ở khối ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại Nhà nước thì hai khối này hoàn toàn vắng bóng trong danh sách những đơn vị đạt “danh hiệu” 100% nợ đủ tiêu chuẩn!

Vì thế, số lượng nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) của trên 30 đơn vị nói trên không đủ cải thiện được tỷ trọng nợ đủ tiêu chuẩn của toàn hệ thống theo chiều hướng tốt hơn. Vì thế, một chuyên gia phân tích tài chính nói rằng, nợ đủ tiêu chuẩn cả nước hiện nay ở mức 92,20% là quá thấp, trong khi nợ từ nhóm 2 đến nhóm 5 chiếm tới 7,80% là tương đối cao.

Đến đây, nếu đặt hai chỉ số: “tăng trưởng dư nợ tín dụng không được vượt quá 20%” và “nợ đủ tiêu chuẩn toàn hệ thống ở mức 92,20%” ở cạnh nhau, thấy rằng nổi lên một số điểm cần lưu ý.

Thứ nhất, khi tín dụng không được tăng thoải mái như các năm trước, trong khi nợ từ nhóm 2 đến nhóm 5 ở mức tương đối cao, các tổ chức tín dụng phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro nhiều hơn, nên bài toán lời lãi kinh doanh của năm nay thật không mấy sáng sủa.

Thứ hai, bên cạnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng không quá 20%, các ngân hàng còn phải đảm bảo một chỉ tiêu khác là đến 30/6, kéo tỷ trọng tín dụng phi sản xuất trên tổng dư nợ tín dụng xuống 22%. Thực ra, trong điều kiện không bị khống chế “chỉ tiêu 20%” nói trên, muốn đưa tỷ trọng tín dụng phi sản xuất xuống thì chỉ cần làm nở cơ số tín dụng là hợp thức được con số “22%” nói trên. Tuy nhiên, trong tình trạng bị khóa van tín dụng, các ngân hàng không dễ gì hợp thức hóa được chỉ tiêu này.

Đến cuối tháng 5/2011, còn 18 ngân hàng có dư nợ phi sản xuất trên 22%, trong đó 9 đơn vị trên 30%. Không ít đơn vị trong số này rất khó hoàn thành đưa dư nợ phi sản xuất kịp về mốc 22% khi thời hạn đến 30/6 chỉ còn hơn một tuần.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định, những trường hợp không đạt, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng dự trữ bắt buộc gấp hai lần so với mức bình thường. Do vậy, một lượng vốn của các đơn vị này sẽ bị Ngân hàng Nhà nước “nhốt” lại, tất nhiên, khi lợi nhuận bị ảnh hưởng thì cổ đông sẽ dồn áp lực đó lên ban điều hành.

thể nói rằng, kinh doanh trong một không gian bị khóa hai van nói trên, các ngân hàng đang ở trong tình thế “khéo ăn thì no, khéo nằm co thì ấm”.

Tất nhiên, đối với những tổ chức tín dụng biết xây dựng một nền tảng quản trị rủi ro và tầm nhìn về phát triển bền vững thì áp lực trên sẽ nhẹ bớt, nhưng đối với những đơn vị chỉ chú trọng lợi nhuận ngắn hạn, áp lực sẽ nặng thêm. Và nỗi lo này đang chồng lên nhiều nỗi lo khác trong kinh doanh ngân hàng hiện nay.


Theo Nguyễn Hoài (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0