Do không cùng đẳng cấp, các “đại gia” bán lẻ nội địa đang lo ngại khi phải cạnh tranh với các nhà phân phối bán lẻ nước ngoài.
“Đó là quyền mà chúng ta có được, nên các cơ quan cần tận dụng, bởi khi tạo chuỗi lớn, thì sức ép mà các DN nước ngoài tạo ra cho các DN trong nước là rất lớn. Việc cấp phép trong lĩnh vực phân phối cần thực hiện theo nguyên tắc quy hoạch DN bán sỉ nên ở xa trung tâm thành phố”, ông Đoàn đề xuất.

Đây là ý kiến không mới, bởi trong 2 năm trở lại đây, các DN bán lẻ trong nước đã nhiều lần bày tỏ sự lo ngại khi phải cạnh tranh với các DN nước ngoài trong lĩnh vực phân phối bán lẻ ngay tại thị trường nội địa.

Ông Đoàn so sánh rằng, doanh số của một tập đoàn nước ngoài tính bằng tỷ USD, trong khi đó, mang tiếng là “đại gia” bán lẻ trong nước, nhưng DN lớn nhất của Việt Nam cũng mới có doanh số tính bằng đơn vị chục triệu USD. “Chênh lệch khủng khiếp về tiềm lực, công nghệ như vậy, nhưng DN Việt Nam lại phải cạnh tranh ngang ngửa với các đại gia nước ngoài, thì nguy cơ bị bóp nghẹt là khó tránh khỏi”, lãnh đạo Tập đoàn Phú Thái thừa nhận.

Sự chênh lệch này thể hiện ở khâu quan trọng nhất đối với các DN phân phối bán lẻ: tìm kiếm mặt bằng. “Các DN kiến nghị Hiệp hội DN bán lẻ Việt Nam rằng, tiếp cận đất đai tại các địa phương là vấn đề nan giải nhất và dường như các địa phương đều có sự ưu ái đối với nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp cận mặt bằng ở vị trí đẹp”, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội DN bán lẻ Việt Nam nói.

Chính vì tiếp cận đất đai khó, mà sau 4 năm thành lập, Công ty VDA (liên doanh của Phú Thái, Hapro, Saigon Co.op, Satra) cũng chưa làm được gì đáng kể dù được đánh giá là công ty có khả năng nhất ở Việt Nam trong việc đầu tư hạ tầng thương mại với sự hậu thuẫn của 4 ông lớn trong nước kể trên.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty VDA phân trần rằng, các mảnh đất có khả năng xây dựng các trung tâm phân phối bán lẻ ở các địa phương đều được đưa ra đấu giá. “Cứ đấu giá, thì DN Việt Nam không chịu nổi và phải bật ra xa. Điều này khiến quá trình mở rộng kinh doanh của DN nội địa gặp rất nhiều khó khăn”, ông Minh chỉ ra vấn đề lớn nhất mà DN bán lẻ đang gặp phải.

Cạnh tranh giữa DN nước ngoài và DN trong nước thể hiện rất rõ, khi cứ DN nước ngoài mở điểm bán lẻ ở đâu, thì doanh số bán hàng của DN nội địa ở khu vực đó bị sụt giảm nghiêm trọng. “Lãnh đạo Siêu thị Fivimart tại Gia Lâm khi họp với chúng tôi đều bày tỏ sự lo lắng, khi sắp tới, một đại gia nước ngoài mở thêm trung tâm ngay gần siêu thị này. Chuyện này không chỉ xảy ra với hệ thống của Fivimart, mà với tất cả các DN nội địa khác”, bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (chủ thương hiệu chuỗi siêu thị Fivimart) lo ngại.

Chính vì thế, các DN kiến nghị, cần có sự thống nhất giữa các địa phương và trung ương trong việc cấp phép cho các DN nước ngoài, sao cho vừa tuân thủ đúng cam kết hội nhập, vừa tạo điều kiện cho DN trong nước có khả năng tích lũy nguồn lực và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Trên thực tế, các vấn đề mà DN bán lẻ trong nước nêu ra với lãnh đạo Bộ Công thương ở cuộc gặp lần thứ ba được tổ chức tại trụ sở Bộ Công thương ở Hà Nội là không có gì mới. Nếu các vấn đề liên quan tới đất đai, tín dụng của DN vẫn không có biến chuyển trong thời gian tới, thì tâm lý sợ các siêu thị nước ngoài vẫn luôn tồn tại trong đầu các DN Việt Nam

tag: ban le, sieu thi nuoc ngoai, ban le noi dia, canh tranh,...

Cafeland.vn - Theo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland