Năm 2010, kinh tế Việt Nam khép lại với những điểm sáng nổi bật, tốc độ tăng trưởng cao, chỉ số GDP tăng 6,7%, xuất khẩu tăng 25,5%. Song, cái giá mà nền kinh tế phải chịu thật sự quá đắt khi con số lạm phát đã vượt ngưỡng 11,75%. Điều đó đã chứng minh chính sách điều hành kinh tế vĩ mô trong năm qua chưa thật sự hiệu quả.

Năm 2010, kinh tế Việt Nam khép lại với những điểm sáng nổi bật nhưng cái giá phải trả thật sự quá đắt khi con số lạm phát đã vượt ngưỡng 11,75%. Ảnh: Nguồn internet

Chính sách chưa “ăn khớp”

Một thực tế cần nhìn nhận là trong năm qua bức tranh kinh tế đã có những điểm sáng rõ rệt. GDP tăng 6,7%, xuất khẩu tăng 25,5%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14%. Tuy nhiên, cũng trong năm qua chỉ số lạm phát đã tăng đến 11,75%, nhập siêu ở mức 12,37 tỷ USD, thâm hụt cán cân thanh toán tài khoản vãng lai vẫn ở mức cao, bội chi ngân sách, nợ chính phủ tiếp tục tăng lên, lãi suất cho vay tăng vọt lên đến 19 – 20%, chênh lệch tỷ giá trong và ngoài ngân hàng vẫn ở mức cao…

Từ những dẫn chứng trên, rõ ràng, giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô năm 2010 chỉ mang tính lý thuyết mà chưa đi vào thực tế. Có thể nói, do quá chú trọng vào việc tăng trưởng ngắn hạn trong một nền kinh tế kém hiệu quả đã khiến cho môi trường vĩ mô thêm bất ổn.

Thêm vào đó là thể chế, chính sách tiền tệ và tài khóa chưa thật sự đồng bộ. Trong đó, tài khóa là yếu tố chủ chốt gây nên sự bất ổn kinh tế vĩ mô. Đó là tình trạng thâm hụt ngân sách nhà nước và việc sử dụng nguồn vốn không hiệu quả. Thực tế trong năm qua, từ việc dùng chính sách tiền tệ để điều chỉnh lãi suất theo chiều hướng giảm dần nhằm kiềm chế lạm phát đã tạo ra nhiều mâu thuẫn, dẫn đến tâm lý người dân tích trữ vàng, đô la, bất động sản ngày càng phổ biến. Do đó, sự bất ổn kinh tế vĩ mô càng rõ rệt hơn.

Trước những “di sản” mà năm 2010 để lại, niềm tin của người dân vào đồng tiền không còn mặn mà, trái lại đồng tiền tiếp tục bị đánh đố bởi giá vàng và đô la. Theo đó, nhiều câu hỏi đặt ra cho năm 2011 là tỷ giá sẽ vận hành theo cơ chế nào và được quản lý như thế nào?

Nền kinh tế vĩ mô năm 2011 sẽ vận hành theo cơ chế nào? Ảnh: Nguồn internet

Kinh tế vĩ mô năm 2011 vận hành theo cơ chế nào?

Theo nhiều chuyên gia, tình hình kinh tế vĩ mô trong những tháng đầu năm 2011 sẽ không mấy khả quan khi chưa biết tỷ giá sẽ vận hành theo chiều hướng nào. Mặt khác, nếu năm 2011 tiếp tục tăng trưởng kinh tế theo hình thức cũ sẽ làm chỉ số lạm phát tăng cao hơn.

Do đó, rút kinh nghiệm từ năm trước là nên đặt ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu, đồng thời kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, chỉ mở rộng tiền tệ khi thắt chặt tài khóa, kỷ luật tài khóa mạnh hơn, làm cho tiền quay về khu vực kinh tế tư nhân.

Giới nghiên cứu kinh tế vĩ mô thì cho rằng, Việt Nam phải chấp nhận vượt lên việc khai thác những lợi thế sẵn có như lao động rẻ, nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng..., để tạo dựng lợi thế cạnh tranh mới, tạo sức bật để vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Theo đó, các điều kiện vĩ mô và vi mô thúc đẩy tăng năng suất lao động phải thay đổi mạnh mẽ.

Mặt khác, Việt Nam cần có phương pháp tiếp cận đồng bộ và hiệu quả trong việc xây dựng các chính sách kinh tế vĩ mô, nhằm đối phó với những rủi ro do mất cân đối vĩ mô gây ra. Do đó, có thể bắt đầu ngay từ minh bạch về tài khóa của Chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước, củng cố quản lý tài chính công và đảm bảo một chính sách tiền tệ nhất quán, có thể dự đoán được.

Tuy nhiên, nếu áp dụng phương án này thì nền kinh tế sẽ phải đánh đổi giữa tốc độ tăng trưởng và hiệu quả. Bởi theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2011-2015 thì năm 2011 sẽ là năm đầu tiên của kế hoạch này. Chính vì vậy, sẽ khó khắn hơn nếu không kiên định và kiên nhẫn với ổn định kinh tế vĩ mô, thì bất ổn kinh tế vĩ mô năm 2011 sẽ rất lớn. Điều này ảnh hưởng mạnh tới các nỗ lực phát triển kinh tế của Việt Nam không chỉ trong năm 2011, mà cả trong dài hạn.

Theo phân tích CafeLand, trong những năm qua, mô hình kinh tế Việt Nam biểu hiện nhiều hạn mục mất cân đối. Trong đó là sự mất cân đối giữa tốc độ và hiệu quả, giữa phát triển và bền vững, mất cân đối trong cơ cấu kinh tế lạc hậu, cân đối vĩ mô, giữa thị trường trong nước và nước ngoài, giữa nhu cầu phát triển và hạ tầng cơ sở cũng như nguồn lực, mất cân đối trong phân bổ nguồn lực, giữa phát triển và thể chế…

Chính vì vậy, trong năm 2011, cần đổi mới tầm nhìn chiến lược trong việc điều hành nền kinh tế vĩ mô, đổi mới tư duy điều hành chính sách, thay vào đó là nâng tính kỹ thuật trong thiết kế, thực thi chính sách một cách khách quan.

Công Lý
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland