Trong mấy năm gần đây, thị trường bất động sản Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh, người dân chuyển dịch xu hướng đầu tư vàng và chứng khoán sang đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Thế nên, trong năm qua, giá đất ở một số khu vực trên địa bàn Hà Nội bị đẩy lên cao đến bất ngờ mà ngay cả những người có thâm niên trong nghề cũng phải “thảng thốt” giật mình.

Biến động giá năm 2010

Trong khi thị trường bất động sản từ Nam đến Bắc rơi vào cảnh èo uột, ế ẩm thì khu vực phía Tây Hà Nội được xem là tâm điểm của những cơn “bão giá”.

Tại khu đô thị Tân Tây Đô, giá đất đầu năm đưa ra là 22 triệu đồng/m2, cuối năm giá đất tăng lên 60 triệu đồng/m2. Dự án Lê Trọng Tấn Geleximco đầu năm được bán với giá 50 triệu đồng/m2 thì cuối năm giá các ô liền kề mặt đường 42m Lê Trọng Tấn cũng đã tăng lên 100 triệu đồng/m2.

Tại khu đô thị mới An Hưng, đầu năm giá đất chỉ khoảng trên 40 triệu đồng/m2 thì tăng lên trên 60 triệu đồng/m2 (giáp mặt đường nội bộ khu dân sinh) và lên tới trên 100 triệu đồng/m2 (giáp đường lớn từ 30 m trở lên). Giá đất tại khu dự án Văn Phú giáp đường dân sinh khoảng 70 triệu đồng/m2, còn giáp đường lớn trên 30 m lên tới trên 130 triệu đồng/m2.

Đường Lê Đức Thọ giá đất đã ở mức 350 triệu - 370 triệu đồng/m2, đất khu vực trong ngõ thuộc các làng Phú Đô, Phú Mỹ, Đình Thôn cũng có giá từ 70 triệu - 100 triệu đồng/m2.

Sức nóng từ những "tâm chấn" này đã lan tỏa sang nhiều khu vực khác của thành phố, khiến không ít nhà đầu tư cuống cuồng trong "ma trận". Tại 4 quận nội thành Hà Nội là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng giá đất cũng “trên trời” với giá bình quân là từ 500 triệu - 700 triệu đồng/m2.

Nhiều người có thâm niên trong thị trường này phải thừa nhận rằng, giá đất được đẩy lên với mức tăng 200% - 300% trong vòng chưa đầy 2 tháng là một điều phi lý. Tuy nhiên, tâm lý “lướt sóng” sẽ thắng vẫn được các nhà đầu tư mặc nhiên thừa nhận.

Trước những cơn “bạo giá”, thị trường bất động sản ngày càng nổi “cộm” lên những rào cản về mặt quản lý. Thị trường bất động sản không phát huy được vai trò trụ cột và động lực quan trọng trong nền kinh tế khi tạo ra những cơn sốt nhà đất một cách vô lý, làm ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư phát triển sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, sự hụt hẫng về chính sách kéo dài đã khiến cho việc quản lý đất đai và kinh doanh bất động sản ngày thêm lỏng lẻo. Gần 80% giao dịch trên thị trường là phi chính thức. Từ đó, có thể lý giải vì sao những cơn sốt kéo dài trong thời gian qua vẫn không được “kìm” xuống.

Thay vào đó, những gì người dân trông đợi là biện pháp cụ thể, chính sách và cơ chế kịp thời để bảo đảm cho thị trường phát triển ổn định, lành mạnh lại đang "vắng bóng". Thế nên, câu hỏi đặt ra là tình trạng đầu cơ, thổi giá sẽ tồn tại đến lúc nào khi chính sách quản lý chưa được cải thiện?

Năm 2011, ban hành khung giá đất nhằm bình ổn thị trường. Ảnh: Nguồn internet

Năm 2011, giảm rủi ro biến động giá

Một trong những giải pháp cốt yếu nhằm khắc phục những lộn xộn trên thị trường bất động sản hiện nay là minh bạch hóa thông tin. Theo đó, việc ban hành khung giá đất năm 2011 được hiểu là cách hạn chế giao dịch ngầm khi đưa đơn giá phi chính thức vào giá chính thức. Qua đó, thị trường sẽ ổn định hơn, trở nên công khai và minh bạch hơn.

Theo nhiều chuyên gia, những đợt sóng giá đất chủ yếu diễn ra tại những khu đô thị mới, khu vực thành phố mở rộng và đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng.

Khung giá đất được xây dựng để làm cơ sở tính thuế sử dụng đất và tiền thuê đất khi giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá hay đấu thầu dự án. Đồng thời làm cơ sở để thu lệ phí trước bạ khi chuyển quyền sử dụng đất hoặc tính giá trị quyền sử dụng đất để bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất đai phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế và mục đích an ninh quốc phòng.

Ngoài ra, khung giá đất còn được áp dụng để tính tiền bồi thường đối với những trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Tuy nhiên, việc ban hành khung giá đất năm 2011 để bình ổn giá đất chỉ là giải pháp cho thị trường trong điều kiện bình thường. Nếu, trong điều kiện bất bình thường thì giải pháp nào cho trường hợp này?

Theo phân tích của CafeLand, bản chất của thị trường là luôn vận động lên xuống trong ngắn hạn và sự bất ổn của nó là điều không thể tránh khỏi. Thế nên, giải pháp đối với các nhà đầu tư trong điều kiện thị trường bất ổn là giữ vững đầu tư dài hạn và "lờ đi" những biến động ngắn hạn.

Bên cạnh đó, để kiềm chế nạn đầu cơ, thổi giá cần có một chính sách thông tin rõ ràng hơn, tránh tình trạng mập mờ thiếu minh bạch.

Tuyết Lê
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland