06/02/2011 6:25 AM
Năm 2010 là năm đầu tiên ngành xi măng nước ta không phải nhập khẩu nguyên liệu (clinker).

Nhưng cũng từ năm nay, ngành bắt đầu phải đối mặt với bài toán dư thừa về sản lượng.

Số liệu từ Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho thấy, hiện cả nước có 105 nhà máy sản xuất xi măng. Công suất của toàn ngành có thể sản xuất lên tới 61 triệu tấn/năm. Nhưng trong năm 2010, theo kế hoạch các doanh nghiệp chỉ sản xuất ở mức 53 triệu tấn.

Trong khi đó, ước tính nhu cầu xi măng của cả nước trong năm 2010 này chỉ vào khoảng 50 triệu tấn. Điều này có nghĩa là lượng xi măng dư thừa trong năm nay sẽ ở mức 3 triệu tấn.

Cũng theo thống kê từ Vụ Vật liệu xây dựng, tháng 5 vừa qua, lượng xi măng tiêu thụ của cả nước chỉ đạt khoảng 4,3 triệu tấn, giảm 14,17% so với con số 5,01 triệu tấn của tháng trước đó. Như vậy, trong năm tháng đầu năm 2010, lượng tiêu thụ xi măng mới đạt khoảng 19,67 triệu tấn, bằng 39% so với kế hoạch năm. Trong khi sản xuất của toàn ngành đã đạt 20,15 triệu tấn, bằng 40,3% so với kế hoạch.

Còn theo báo cáo mới nhất của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), lượng hàng tồn kho hiện nay của doanh nghiệp đầu đàn này đã lên đến gần 1,4 triệu tấn, bao gồm cả xi măng và clinker.

Điều này đã khiến Bộ Xây dựng mới đây đã phải ra văn bản yêu cầu các đơn vị trong ngành hàng tháng từ ngày 22-25, phải cung cấp thông tin về tình hình sản xuất, tiêu thụ clinker và xi măng của tháng trước và tháng hiện tại (ước thực hiện) với các nội dung như: khối lượng clinker, xi măng sản xuất và tiêu thụ trong tháng; giá bán clinker và xi măng tại nhà máy, các đại lý; các khó khăn, vướng mắc trong việc sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển clinker và xi măng; đề xuất, kiến nghị về giải pháp giải quyết.

Theo ý kiến các chuyên gia kinh tế, để giải quyết vấn đề cung vượt cầu hiện nay của ngành thì xuất khẩu chính là điều mà các doanh nghiệp cần nghĩ tới. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy rằng xi măng là sản phẩm xuất khẩu sẽ không mang lại nhiều hiệu quả. Bởi thứ nhất, xi măng là ngành sản xuất tiêu tốn nhiều nguyên, nhiên liệu của quốc gia như đá, than đá... Thêm vào đó, nếu không bảo quản tốt, chỉ một thời gian ngắn, sản phẩm sẽ bị đóng rắn, biến chất. Thứ hai, muốn xuất khẩu, Việt Nam chỉ có thể hướng tới các thị trường như châu Phi, Brazil... Trong khi đó, để xuất khẩu được sang các khu vực xa xôi đó, buộc phải có tàu lớn, trọng tải lên tới 50.000 tấn. Nhưng điểm mấu chốt là giá xuất khẩu của mặt hàng này lại không cao, chỉ ở mức 40-45 USD/tấn, rất khó bù đắp cho chi phí vận tải.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành thì nhu cầu về xi măng của nước ta vẫn rất lớn. Do đó, để tháo gỡ cho những khó khăn hiện nay của ngành, rất cần có sự hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách từ phía các cơ quan quản lý nhà nước như: khuyến khích sử dụng gạch, ngói không nung sản xuất từ xi măng thay cho các sản phẩm truyền thống; ưu tiên, khuyến khích các dự án sử dụng xi măng để làm đường giao thông…

Ngoài ra, để xúc tiến công tác xuất khẩu xi măng, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu các Công ty xi măng Liên doanh triển khai tìm kiếm thị trường để xuất khẩu xi măng theo cam kết trong Giấy phép đầu tư.

Để bình ổn thị trường xi măng quý IV năm 2010, Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp cùng Hiệp hội xi măng thống nhất và chỉ đạo các đơn vị sản xuất xi măng trong toàn quốc thực hiện các giải pháp: Triển khai áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát huy đạt và vượt công suất thiết kế, giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành sản phẩm. Hoàn thiện mạng lưới kinh doanh xi măng, nhằm giảm chi phí lưu thông, chi phí bán hàng. Tổng Công ty công nghiệp xi măng Việt Nam cần phối hợp với các đơn vị liên doanh tính toán kỹ nhu cầu tiêu thụ xi măng từng tháng, từng quý tại khu vực miền Trung, miền Nam để bố trí hợp lý việc vận chuyển xi măng, clinker từ khu vực phía Bắc vào các khu vực này, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt trong các tháng cao điểm của mùa xây dựng, góp phần giảm nhập khẩu clinker. Đẩy mạnh công tác triển khai các đề tài nghiên cứu tận dụng nhiệt thải lò nung của các nhà máy xi măng để sản xuất điện, tận dụng nguồn phế thải của các ngành công nghiệp khác làm nguyên liệu, nhiên liệu cho ngành xi măng, nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả đầu tư và bảo đảm môi trường. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án xi măng theo quy hoạch phát triển ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phấn đấu đưa các dự án vào hoạt động đúng tiến độ.

Hiện nay nhiều đơn vị đang xúc tiến tìm kiếm thị trường xuất khẩu, tính đến hết tháng 10/2010 toàn ngành đã xuất khẩu khoảng 470.000 tấn xi măng và clinker. Khả năng 2 tháng còn lại của năm 2010 việc xuất khẩu khoảng 200-250 nghìn tấn clinker là khả quan. Như vậy ước năm 2010 toàn ngành xuất khẩu khoảng 700.000 tấn clinker và xi măng.

Như Ý (ĐCSVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland