Thị trường ngoại tệ tự do cùng với những bất cập của nó như tình trạng đầu cơ, làm giá đã gây không ít khó khăn cho việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và là một trong những nguyên nhân khiến thị trường ngoại hối trở nên bất ổn. Tuy nhiên, muốn xoá bỏ được thị trường chợ đen, phải giải quyết được vấn đề gốc rễ là tình trạng đô la hoá hiện nay.

alt

Pháp lệnh Ngoại hối quy định, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng (TCTD). Như vậy, thị trường ngoại tệ tự do tồn tại là trái pháp luật. Thế nhưng, trên thực tế, nó vẫn tồn tại và ngày một phát triển. Nguyên nhân là tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế cùng những bất cập của hệ thống ngân hàng.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, vấn đề nghiêm trọng nhất của Việt Nam hiện nay trong hoạt động quản lý thị trường ngoại hối là tình trạng đô la hoá. Tình trạng này dẫn đến một hiện tượng phái sinh khác, đó là bên cạnh thị trường hối đoái chính thức (là nơi diễn ra các giao dịch mua bán ngoại tệ giữa các ngân hàng với nhau và giữa ngân hàng với khách hàng) còn tồn tại một thị trường chợ đen. Trong khi đó, hiện khả năng đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của hệ thống ngân hàng còn nhiều bất cập. Ngay cả nhiều DN vừa và nhỏ muốn có ngoại tệ để nhập khẩu nguyên vật liệu cũng phải mua trên thị trường chợ đen và bán lại cho ngân hàng để ngân hàng làm thủ tục thanh toán cho đối tác nước ngoài, chứ nói gì đến những nhu cầu cá nhân. Rõ ràng, khi thị trường chính thức không đáp ứng được nhu cầu sẽ phát sinh thị trường chợ đen.

Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần là hô hào "dẹp" thị trường chợ đen theo kiểu dẹp cỏ dại bằng cách cắt ngọn, không tận gốc rễ thì khó mà xoá bỏ triệt để. Gốc rễ của thị trường chợ đen chính là tình trạng đô la hoá, nhưng tình trạng này lại do chính sách trước đây là cho phép nhận tiền gửi ngoại tệ, cho phép thanh toán tiền ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng (các nước xung quanh Việt Nam không cho nhận tiền gửi và cho vay bằng ngoại tệ). “Vì vậy, muốn giải quyết thị trường chợ đen, cần phải xóa bỏ tình trạng đô la hóa”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Vậy đô la hóa được hiểu thế nào? Theo định nghĩa của IMF, đô la hoá là việc hệ thống ngân hàng nhận tiền gửi bằng đô la. Tỷ lệ đô la hoá thấp hay cao tính trên cơ sở tiền gửi bằng đô la so với tổng tiền gửi, tỷ lệ gửi đô la càng cao chứng tỏ mức độ đô la hoá càng lớn.

Bởi vậy, theo ông Nghĩa, để xoá bỏ tình trạng đô la hoá, cần tiến hành từng bước. Giai đoạn đầu tiên là phải xoá đầu ra, tức ra là hạn chế việc cho vay bằng đôla, hạn chế một phần đến hạn chế toàn bộ; nhưng vẫn tiếp tục duy trì tiền gửi. Bởi hiện đôla được đưa vào bằng tiền gửi, sau đó ngân hàng cho vay. Muốn làm được như vậy, các ngân hàng phải thực hiện hoán đổi đô la với NHNN để có VND hoặc là mua lại từ NHNN khi cần.

Giai đoạn hai, hạn chế tiền gửi bằng cách tăng dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ lên rất cao để các NHTM không mặn mà trong việc huy động ngoại tệ. Khi đó, các NHTM phải giảm lãi suất huy động xuống, tăng lãi suất cho vay lên để bù vào khoản dự trữ bắt buộc. Với lãi suất thấp như vậy, người dân cũng không mặn mà với việc gửi ngoại tệ mà sẽ đổi ra VND để gửi tiết kiệm. Cũng như vậy, DN không mặn mà vay ngoại tệ, bởi so với nội tệ, lãi suất vay USD cao quá. Dần dần tiến tới chấm dứt nhận tiền gửi bằng USD trên toàn hệ thống.

"Khi đó, dân chúng chỉ có một cách duy nhất là mang ngoại tệ đi bán chuyển sang VND, còn lúc nào cần thì mua ngoại tệ. Nhưng điều này đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải làm được việc dân có ngoại tệ bán lúc nào cũng được, mua ngoại tệ lúc nào cũng được. Đến lúc đó, thị trường chính thức mới thay thế được thị trường chợ đen", ông Nghĩa nói.

Đồng quan điểm như vậy, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tài chính, Ngân hàng Ernst&Young cho rằng, việc xoá bỏ chế độ hai tỷ giá không phải là không làm được. Nhìn sang các nước xung quanh, việc trao đổi ngoại tệ trên thị trường chợ đen bị coi là hành vi phạm pháp và sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc. Tuy nhiên, không nên có hành động gây sốc mà cần từ từ, nhưng nghiêm túc với các quy định ngặt nghèo, nhất quán.

tag: CafeLand, xoa bo hai ty gia

Cafeland.vn - Theo ĐTCK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland